PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nghề gói bánh ngày tết
Thứ bảy: 09:34 ngày 01/02/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Với những người làm nghề gói bánh, mỗi dịp tết đến là thời gian vô cùng tất bật. Họ miệt mài làm việc ngày đêm, từ những ngày giáp tết đến mùng 2 tết để kịp giao bánh cho khách.

Với những người làm nghề gói bánh, mỗi dịp tết đến là thời gian vô cùng tất bật. Họ miệt mài làm việc ngày đêm, từ những ngày giáp tết đến mùng 2 tết để kịp giao bánh cho khách.

Những chiếc bánh thành phẩm do bà Hường gói.

Những ngày giáp tết, bà Phan Thị Đẹp (72 tuổi), ngụ ấp Ninh Hòa, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, lại bận rộn đi cắt lá dứa gai chuẩn bị gói bánh. Tết này bà nhận gói hơn 100 đòn bánh tét, trong đó có khách quen lâu năm nhận bánh vào ngày 25 tết để mang đi Bình Dương biếu bà con.

Khi mới bắt đầu gói bánh, bà Đẹp gói bằng lá mật cật hái trên rừng; sau này chuyển sang gói bằng lá dứa gai, vì khu vực bà sống có nhiều loại lá này và cũng dễ gói hơn lá chuối. Khi nhận đơn gói bánh, bà sẽ đi quanh vùng cắt lá dứa về vuốt gai, phơi héo, bẻ hộp và luôn tỉ mỉ từng công đoạn để bảo đảm chất lượng đòn bánh đưa tới tay người dùng.

Bà Đẹp chia sẻ, bà học nghề từ một người quen rồi bén duyên đến giờ. Ngày tết, bánh tét của bà cũng đa dạng các loại nhân chay, mặn hay gói theo yêu cầu của khách (thêm lạp xưởng, trứng cút); thêm món ăn kèm là củ cải ngâm nước tương.

Với tâm nghề, bà Đẹp luôn tự học hỏi hay học từ những bạn bè để nâng chất lượng bánh. “Lúc trước tôi gói bánh với nếp trộn nước cốt dừa đã thắng kỹ nhưng sau này tôi chịu khó xào để hạt nếp thấm gia vị và béo hơn. Hay trước đây tôi gói lá dứa già nên đòn bánh không gọn gàng, sau này tôi học được cách gói bằng loại lá dứa non hơn sẽ dễ uốn để đòn bánh thêm đẹp mắt”- bà Đẹp nói.

Bà Hường với hơn 40 năm làm nghề gói bánh.

Ngoài bánh tét, bà còn làm nhiều loại bánh khác như bánh ú, bánh ít, bánh bột gạo, bột mì hay bánh bò. Mối hàng của bà là người quanh vùng hay khách ở khu vực huyện Tân Châu.

Có hơn 20 năm sống bằng nghề gói bánh các loại nhưng mỗi dịp tết, lòng bà luôn thấy nôn nao. Trong ký ức của mình, vào những ngày tết, bà thường thấy mẹ gói bánh, lúc đó rất vui vì có bánh ngon ăn. Sau này, lớn lên chủ yếu làm việc đồng áng, bà không nghĩ mình sẽ gắn bó và duy trì nghề gói bánh qua hàng chục năm như vậy.

Bà nói: “Tôi thấy vui vì kèm theo đó là không khí rộn ràng khi mọi người chuẩn bị tết. Số lượng bánh gói tuy nhiều, cực nhưng vui vì có thêm thu nhập. Hơn hết, bánh tét là loại bánh truyền thống của ông bà mình vào dịp tết, mình duy trì nghề để những người không thể gói bánh vì nhiều lý do vẫn có được một, hai đòn bánh để cúng ông bà, đón năm mới”.

Ngày tết, sau khi giao bánh cho khách, bà Đẹp cũng để lại một vài đòn bánh để cúng. “Sau khi cúng ông bà tôi sẽ chia cho các con, cháu mình dùng, nó như là vị tết của gia đình”- bà Đẹp chia sẻ.

Những năm qua, bà Đẹp sẵn sàng chia sẻ cách gói bánh một cách chi tiết nhất cho những người muốn học để họ tiếp nối và duy trì được nghề, cùng làm ra những đòn bánh tét đầy hương vị của ngày tết. Đó là điều khiến bà luôn thấy vui và ý nghĩa.

Cũng gắn bó và duy trì nghề hơn 40 năm qua, bếp bánh của gia đình bà Trần Thị Hường (69 tuổi), ngụ phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh vẫn đỏ lửa mỗi ngày. Vào dịp tết, số nồi bánh sẽ tăng thêm vì đơn hàng vượt trội.

Bà Đẹp  cắt lá dứa gai chuẩn bị gói bánh.

Bình thường mỗi ngày, bà gói vài trăm bánh ú hay bánh tét chuối để bán sỉ và lẻ; vào dịp tết, bà sẽ gói khoảng 200 đòn bánh tét và vài ngàn bánh ú, bánh chuối để phục vụ nhu cầu khách hàng. Bà cùng người nhà gần như làm việc xuyên suốt nhiều ngày mới kịp giao cho khách.

Để duy trì nghề qua vài chục năm, bà Hường luôn chú trọng ổn định chất lượng bánh để giữ mối. “Tôi chọn loại nếp ngon như nếp sáp hay nếp Thái, nhân đậu xanh hay chuối, các loại thịt mỡ chất lượng để có bánh ngon”- bà Hường nói.

Bánh được bà bỏ mối ở khu vực chợ Thương Binh, chợ Cư Trú (thành phố Tây Ninh), xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu), xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu). Nhiều năm nay, con dâu bà Hường là chị Phạm Thị Mỹ Duyên cũng theo bà học nghề và phụ giúp việc gói bánh. Mỗi ngày sau khi gói bánh xong, chị Duyên cũng mang một ít bán lẻ tại chợ Cư Trú.

Chị Duyên cho biết, công việc này tuy cực nhưng vui vì là kinh tế chính của gia đình. Trước đây chị không biết gói bánh nhưng theo mẹ chồng học nghề, bây giờ chị đã tự tin hơn. Chị thấy vui vì có thể giúp duy trì nghề, gói được vài loại bánh theo truyền thống của ông bà. Đặc biệt vào dịp tết, nhìn những chiếc bánh mình tự tay gói đến với nhiều gia đình, chị vui lắm.

Hiện nay, nghề gói bánh không còn thuận lợi như trước đây vì nhiều cạnh tranh. Nhưng nhìn những chiếc bánh truyền thống được làm vật phẩm cúng ông bà, món ăn ngày tết cho nhiều gia đình là động lực giúp những người thợ bánh gắn bó với nghề.

Vi Xuân

Tin cùng chuyên mục