BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nghề “ít đụng hàng”

Cập nhật ngày: 16/07/2009 - 08:20

Khi tôi đến thăm, đã thấy khách hàng vừa chở đi hàng chục chiếc ghế mới tinh. Nhìn qua cứ nghĩ rằng chủ tiệm vừa “hốt bạc” nhưng sau mới biết chừng bao nhiêu ghế ấy, ba nhân công làm ròng rã suốt hai ngày, trừ mọi chi phí thì không còn quá năm mươi ngàn!

Hiện cơ sở sửa ghế bố, ghế quán cà phê ấy đang “đóng đô” tại chợ Trường Lưu, xã Trường Đông (Hoà Thành), trong một căn phố nhỏ có mặt bằng rất hẹp, nếu không nhìn kỹ sẽ không dễ gì thấy được. Chị chủ có tên  giản dị: Mơ (năm Mơ) cười rằng: “Vì tụi mình ít vốn, mới chân ướt chân ráo sang Tây Ninh thôi mà, chưa biết làm ăn ra sao…”. Anh chủ tên Nguyễn Văn Huy, 36 tuổi, bảo rằng để làm được nghề này phải có máy hàn, máy mài, máy cắt và phải làm từ 10-12 tiếng đồng hồ mỗi ngày mới đủ sống! Với ba nhân công, nếu có hàng đầy đủ, mỗi ngày có thể hoàn thành 30- 40 cái ghế, tuỳ vào sự hư hỏng nhiều hay ít của chúng. Thấy mới biết, bắt tay vào việc sửa chữa một cái ghế thật không dễ dàng gì. Đầu tiên là tháo hết dây (nhựa, dù) cũ ra, cạo sơn, hàn những nơi gãy. Xong rồi, mài chỗ vết hàn ấy sao cho nhẵn thín, bảo đảm khách ngồi không bị vướng víu hay trầy trụa. Xong, bắt lại ốc vít và sơn, chờ sơn khô thì đan lại dây mới.

Với nhiều công đoạn như vậy, tiền công mỗi cái ghế giá cao nhất là 42.000 đồng (ở Bình Phước là 45.000 đồng). Trong đó, phần lời không hơn 5.000 đồng! Ấy là ghế thường, riêng ghế bố dựa và ghế bố nằm thì giá nhỉnh hơn một tí nhưng không quá 120.000 đồng để biến một chú “cóc ghẻ” thành “thiên nga”. “Bây giờ một cái ghế bố (nằm) ở cửa hàng đồ gia dụng khoảng 220.000 đồng- 280.000 đồng, nên giá sơn sửa, đan dây, làm mới như vậy không mắc đâu em ạ!” - chị Mơ khẳng định.

Cơ sở sửa ghế của anh Huy- chị Mơ, ngoài thợ chính lo việc hàn, mài, sơn được trả công 70.000 đồng/ngày thì thợ đan dây ghế được trả 3.000 đồng/ cái (có nuôi cơm). Vợ chồng anh Huy và đứa con trai nhỏ của họ cũng là thợ “bán chuyên nghiệp” lo các việc: tháo bỏ dây cũ, vặn ốc vít, tra miếng mủ kê chân ghế…

Tôi như bị thôi miên bởi đôi bàn tay đan dây vào ghế thoăn thoắt như nghệ sĩ múa xoè của cô bé Trương Thị Thanh Hiền, 15 tuổi - cháu gọi chị Mơ bằng dì. Những sợi dây to, cứng và dày như thế mà qua đôi bàn tay của cô bé đã thành như tơ lụa mềm mại lạ thường.

Chị Mơ nói, nghề sửa ghế như chị thường là nghề “gia truyền”, con gái của nhà làm nghề sửa ghế thế này thường không được học cao, hết lớp 9 là xem như “cử nhân” rồi. Bởi nghề phải rày đây mai đó, lấy công làm lời, chuyện giàu có rất khó, làm sao có điều kiện học cao! Chợt thấy tồi tội cho Hiền, cô bé có gương mặt sáng như trăng rằm, dáng cao như hoa hậu, nếu được học hành đến nơi đến chốn chắc tương lai sẽ xán lạn hơn nhiều.

Tuy cực và thu nhập không dồi dào lắm nhưng cái nghề có vẻ còn mới trên đây cũng giúp cho cả chủ và thợ có cuộc sống tương đối ổn. “Nhưng khó là chúng tôi ở phố, tiếng máy mài, máy cắt rè rè cũng khiến bà con phiền lòng, dù rằng tôi đã sắp xếp để chỉ làm từ 8 giờ sáng đến 11 giờ; chiều 2 giờ mới bắt đầu, tới 5 giờ là nghỉ. Mà nghề này thì không thể dời vô đồng, vô ruộng được nên chưa biết phải làm sao cho vẹn đôi đường…” - anh Huy băn khoăn.

THUỲ TRANG