Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Dịp Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5 âm lịch), tùy tập quán từng địa phương sẽ có những hình thức dâng cúng khác nhau. Tuy nhiên, bánh ú lá tre là món ăn không thể thiếu trong ngày này.
Từ những ngày đầu tháng 5 âm lịch, những người làm bánh ú lá tre đã bắt tay vào gói bánh để phục vụ cho người dân.
Ở Tây Ninh, huyện Trảng Bàng được xem là “thủ phủ” của loại bánh này. Tuy mỗi năm chỉ có một ngày để gói bánh bán, nhưng không khí ở những gia đình làm nghề đã nhộn nhịp, rộn ràng như ngày tết Nguyên đán.
Ngoài công việc, họ còn là chị em hàng xóm nên những buổi gói bánh cũng là dịp để chị em gặp gỡ, thăm hỏi nhau. |
Cũng như những năm trước, chiều mùng 3.5 âm lịch, căn nhà của chị Đặng Thị Nham (55 tuổi, ngụ ấp Tân Lộc, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng) có gần 10 người tập trung gói bánh, tất cả đều là phụ nữ.
Bánh ú lá tre chỉ to bằng nắm tay người lớn, được gói bằng lá tre bên ngoài, phần nhân nấu chính tán nhuyễn, vỏ bánh là nếp. 10 năm theo nghề, chị Nham chia sẻ kinh nghiệm, để làm ra chiếc bánh ú lá tre, quan trọng nhất chính là khâu tẻ nước tro, nếu tẻ không kỹ bánh sẽ không ngon.
Phần nước tro, theo chị Nham, nước tro có bán ngoài chợ, nhưng nếu có điều kiện, người làm nên lấy rơm nếp đốt thành tro, hòa với nước cho tan, để lắng và lấy phần nước trong này tẻ nếp.
“Mỗi đợt tôi phải tẻ ít nhất 3 lần bánh mới có độ giòn, ăn không có vị đăng đắng”- chị Nham nói.
Canh lửa nấu bánh cũng cần kinh nghiệm, bởi non tay nghề sẽ làm bánh dễ nhão hoặc sượng. |
Tết Đoan Ngọ năm nay, chị Nham nhận đơn hàng nấu trên 16.000 bánh giao cho khách ở huyện Gò Dầu và TP.Hồ Chí Minh. Công việc thời vụ của chị đã tạo điều kiện cho 10 chị ở địa phương có việc làm, kiếm thêm thu nhập.
Ở ấp An Lợi, xã An Hòa, trong nhà của chị Nguyễn Thị Sót (50 tuổi), chúng tôi nhìn thấy rất nhiều bánh ú đang được xếp lên xe tải để đưa đi TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Phụ trách khâu gói bánh, nấu bánh và kể cả chất hàng lên xe vẫn là các chị trung niên, theo lời chị Sót “là chị em hàng xóm, năm nào cũng đến phụ việc, kiếm thêm chút tiền lúc rảnh rang việc đồng, việc chợ...”.
Đã 75 tuổi, nhưng cụ Xộn lại là người gói bánh nhanh và đẹp nhất trong nhóm thợ của chị Hoài. |
Cách nhà chị Sót không xa, nhà của chị Trần Thị Hoài (50 tuổi ngụ ấp An Lợi, xã An Hòa) có đến 30 công nhân đang làm bánh. Tết Đoan Ngọ năm nay, chị Hoài nhận gói trên 55.000 cái bánh ú lá tre cho khách mối các khu chợ Nguyễn Thành Trang, Gò Vấp, Hóc Môn (TP.Hồ Chí Minh).
Chuẩn bị bánh để giao hàng. |
Bà Đặng Thị Xộn, 75 tuổi, ngụ ấp An Lợi, xã An Hòa là người lớn tuổi nhất đang làm công cho chị Hoài. Tuổi cao, nhưng bà là người gói bánh nhanh, đẹp nhất ở đây. Mỗi ngày, trung bình bà Xộn gói 1 thiên bánh (1.000 bánh), được chị Hoài trả công 350.000 đồng, không phải tốn tiền cơm nước vì được chủ nhà bao.
Lựa chọn bánh ú lá tre cho mâm cỗ ngày Tết Đoan Ngọ. |
Chị Hoài cho biết, mỗi một năm chỉ có một lần gói bánh ú lá tre phục vụ Tết Đoan Ngọ, nên hầu như các chị đều gác hết mọi công việc ruộng đồng, tập trung lại đây để gói bánh.
“Hơn 20 năm gói bánh, ngoài kiếm tiền, chị em phụ nữ ở xóm cũng có dịp tụ họp nói chuyện vui với nhau, tôi cũng có niềm vui khi khách hàng ưa chuộng bánh của mình, mỗi năm đều nhận được đơn đặt bánh nhiều hơn...”- chị Hoài chia sẻ.
Yên Khuê- Sông Ninh
Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 Âm lịch) tồn tại từ lâu trong văn hoá dân gian Phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hoá. Ở Việt Nam gọi ngày Tết Đoan Ngọ là Tết diệt sâu bọ, là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng. Mâm cỗ Tết Đoan Ngọ bao giờ cũng có bánh ú lá tre, chè trôi nước và các loại trái cây theo mùa. Ngoài ra, rượu nếp (cơm rượu) cũng là món ăn được chọn trong ngày này, vì dân gian quan niệm ăn rượu nếp giết sâu bọ. (st) |