Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nghề làm chổi ở Xuân Hội, xã Lạc Vệ (Tiên Du, Bắc Ninh) đã có từ cách đây hàng trăm năm, tạo công ăn việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân ở địa phương.
Nghề làm chổi ở Xuân Hội.
Từ xưa, người Xuân Hội đã biết tận dụng đôi tay khéo léo của mình làm ra những sản phẩm cao cấp và hàng gia dụng từ mây tre. Trước đây, chổi nan là sản phẩm chính của làng, nhưng để đáp ứng nhu cầu thị trường, một số hộ gia đình đã sản xuất thêm nhiều chủng loại như chổi lúa, chổi đót, chổi nhựa… được khắp nơi ưa chuộng. Có rất nhiều hộ gia đình mở cơ sở sản xuất lớn và thu hút nhiều lao động như gia đình chị Nguyễn Thị Lan, anh Nguyễn Xuân Sâm, anh Nguyễn Quang Thành, Nguyễn Văn Tưởng… Họ đã biết thích nghi với thị hiếu của người tiêu dùng, vừa khôi phục được nghề truyền thống vừa sinh kế mới, giữ cho làng nghề dần phát triển ổn định.
Nghề làm chổi đã và đang mang lại cho người dân Xuân Hội một nguồn thu đáng kể. Ông Đặng Ngọc Điệt, trưởng thôn Xuân Hội phấn khởi cho biết, hiện nay, thôn Xuân Hội có 680 hộ thì có 400 hộ có nghề phụ làm chổi, mây tre đan, tạo việc làm ổn định cho hơn 800 lao động. Nhờ có nghề làm chổi, tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 chỉ còn ở mức 8,2%, đời sống người dân được nâng cao. Mỗi năm, doanh thu của cả thôn từ nghề làm chổi, mây tre hơn 1 tỷ đồng.
Kể về việc ăn nên làm ra từ chổi ở Xuân Hội, ai cũng phải khâm phục cho sự chịu khó, năng động của vợ chồng anh Đặng Ngọc Hùng (35 tuổi), chị Nguyễn Thị Lan (32 tuổi). Dù còn trẻ, nhưng họ là những người tiên phong trong việc phát triển cây chổi đót ở địa phương và rất thành công trong việc làm giàu từ chổi. Trung bình mỗi ngày anh chị xuất bán khoảng 300-400 chiếc, có ngày lên đến hơn 1.000 chiếc, lợi nhuận thu được hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Từ kinh nghiệm đúc rút qua nhiều năm làm chổi, cứ đến tháng Giêng là chính vụ đót, vừa rẻ vừa đẹp, chị lại đầu tư 300-400 triệu đồng để mua đót dự trữ để đầy 2 kho rộng hơn 200m2.
Không chỉ sản xuất chổi đót, anh chị còn sản xuất thêm chổi lúa, chổi nan. Cơ sở của anh chị là một trong những cơ sở lớn nhất Xuân Hội, tạo việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động. Đặc biệt, anh chị còn tạo điều kiện cho 20 chị em trong thôn vay vốn cùng phát triển kinh tế với số tiền vài trăm triệu đồng. Vừa là chủ sản xuất, anh chị còn đi giao hàng khắp các tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội… Nhờ chịu khó và nắm bắt được nhu cầu của thị trường, cơ sở của anh chị ngày càng phát triển, không chỉ làm giàu cho mình mà còn giúp những người trong thôn cùng làm kinh tế hiệu quả.
Nhà anh Nguyễn Xuân Sâm, chị Đặng Thị Chi thì chuyên sản xuất loại chổi nan. Trước kia, chị làm ruộng, anh lắp điện nước, thu nhập cũng chỉ đủ ăn. “Nếu chỉ trông vào hạt thóc thì không thể đủ để trang trải cho cả gia đình, nhất là chuyện học hành của con cái”- anh Sâm chia sẻ. Trăn trở mãi, anh quyết định quay lại với nghề truyền thống của làng, làm giàu từ những cây chổi. Lúc đầu do thiếu vốn, ít kinh nghiệm, mối hàng chưa nhiều nên anh chị chỉ buôn một vài bó cán.
Nhận thấy lời lãi thu chẳng được bao nhiêu, anh thấy chỉ có cách quay sang sản xuất chổi mới có thể phát triển được. Anh đầu tư mua nguyên liệu, thuê lao động chẻ nan với giá 900 đồng/1kg tre tươi rồi lại thu gom và hoàn thiện tại nhà. Cơ sở dần mở rộng, hiện nay với số công nhân ổn định 15-20 người, trung bình một ngày gia đình anh sản xuất 400 chổi, thu nhập hàng trăm triệu một năm. Với tính kiên trì, chịu khó, anh chị vừa phát triển được kinh tế gia đình, lại có thêm điều kiện chăm lo cho hai con đang học cao đẳng.
“Sản xuất chổi vừa tận dụng được các nguồn lao động, vừa giải quyết việc làm lúc nông nhàn, nhất là người khuyết tật và không còn sức lao động, tăng thêm thu nhập cho các hộ. Tuy nhiên, nghề làm chổi nói riêng và sản xuất mặt hàng mây tre ở thôn hiện nay nói chung vẫn còn hạn chế là mới chỉ được duy trì và phát triển theo hộ gia đình. Những mặt hàng xuất khẩu vẫn phải làm gia công cho Hà Tây và Hưng Yên chứ chưa có đủ điều kiện để xuất thẳng ra nước ngoài.
Xã khuyến khích các hộ đầu tư, đi vào hoạt động sản xuất với quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn, tạo việc làm cho người dân và tạo mọi điều kiện cho các hộ trong việc quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm”- Ông Đặng Xuân Tựu, Bí thư Đảng ủy xã Lạc Vệ chia sẻ. “Chúng tôi đang kiến nghị với các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh sớm công nhận làng nghề mây tre Xuân Hội là làng nghề truyền thống chính thức của tỉnh và sớm quy hoạch đưa khu vực làng nghề ra khỏi khu dân cư để tiện cho việc phát triển sản xuất”.
Bộ mặt Xuân Hội ngày nay đã đổi khác. Ngõ xóm sạch đẹp, nhiều ngôi nhà mới khang trang được mọc lên, phần lớn là nhờ vào nguồn thu nhập từ nghề này. Hi vọng, tương lai không xa, khu làng nghề được quy hoạch, Xuân Hội sẽ ngày càng phát triển và giàu đẹp hơn.
(Theo baobacninh.com.vn)