Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Từ hàng chục năm qua, ở các khu vực gần núi Bà Đen đã hình thành các nghề lao động chân tay gắn liền với đá như nghề đập đá, nghề làm đá mả và chế tác các loại vật dụng bằng đá… Những công việc này cho thu nhập không cao, mà lại dễ gây nhiễm bệnh.

![]() |
Ở tuổi 60, ông Tín vẫn làm công việc đục đá |
Từ hàng chục năm qua, ở các khu vực gần núi Bà Đen đã hình thành các nghề lao động chân tay gắn liền với đá như nghề đập đá, nghề làm đá mả và chế tác các loại vật dụng bằng đá… Những công việc này cho thu nhập không cao, mà lại dễ gây nhiễm bệnh. Thế nhưng có vẻ như nhiều người- đặc biệt là những người trực tiếp làm các công việc lao động nặng nhọc ấy chưa ý thức được hết mối nguy cơ đang đe doạ nghiêm trọng đến sức khoẻ và cả tính mạng của mình.
Chúng tôi ghé thăm làng nghề làm đá- đối diện cửa Hoà Viện, thuộc khu phố Hiệp Nghĩa, phường Hiệp Ninh (Thị xã). Ở đây có năm, bảy cơ sở làm đá. Từ ngoài đầu con đường đất đỏ đã nghe tiếng búa, tiếng đe xen kẽ với tiếng cưa, mài đá tạo nên một mớ âm thanh hỗn tạp. Hai bên lề đường, nhiều khối đá chất ngổn ngang thành bãi. Dưới trời trưa nắng, hàng chục người đàn ông lui cui cưa, đục đá.
Nghề khó làm giàu
Ghé vào một cơ sở làm đá ven đường hỏi thăm, anh Tèo, 37 tuổi, chủ cơ sở cho biết: anh làm nghề này gần mười năm nay. Vào những lúc cao điểm như tết, lễ thanh minh, người ta sửa mộ nhiều, mỗi cơ sở có khoảng 10 thợ, còn hiện tại, chỉ khoảng 3 – 4 thợ làm cầm chừng. Để sống được với nghề, anh Tèo phải học và làm thêm nghề khắc đá hoa cương để làm danh mộ thay thế cho bia đá xanh.
Cách chỗ của anh Tèo vài trăm mét là điểm làm đá khá quy mô của anh Thanh. Năm nay 47 tuổi nhưng anh Thanh có thâm niên hơn 30 năm gắn bó với nghề. Anh hùn vốn với ba người khác, mở cơ sở chuyên làm những vật dụng bằng đá. Anh chỉ cho chúng tôi xem một số sản phẩm anh vừa hoàn thành như bục để tượng Bác Hồ, tán kê cột, đi-văng, bàn, ghế, trụ mả... Tất cả đều được chế tác khá tinh xảo. Anh Thanh cho biết: “Hiện tại cơ sở đang nhận hợp đồng làm một bộ tán kê cột biệt thự bằng đá để cung cấp cho một công trình ở tỉnh Bình Dương”.
Ven quốc lộ 22, đoạn gần chân núi Bà Đen (thuộc ấp Tân Trung, xã Tân Bình, Thị xã) hiện cũng có một vài cơ sở làm đá. Các cơ sở ở đây chủ yếu làm thủ công, dùng búa, đe đục từng tảng đá thành hai sản phẩm chính là tán kê cột nhà và bia mộ. Ông Tín, 60 tuổi, một chủ cơ sở ở đây tâm sự: “Tôi đã hơn nửa đời người sống với nghề đá nhưng cũng chẳng giàu có gì. Mỗi ngày làm cật lực lắm mới kiếm được khoảng bảy, tám chục ngàn đồng, cũng giống như làm thuê ngoài đồng nhưng được cái là ngồi trong mát”.
Theo ông Tín, nghề này không phát triển vì không có đầu ra. Các sản phẩm đá kê tán hay bia mộ bây giờ chỉ còn bán lẻ tẻ cho các huyện vùng nông thôn với số lượng không nhiều.
Nguy cơ nhiễm bệnh
Ở các cơ sở làm nghề đá, chúng tôi thấy có rất ít người mặc trang phục bảo hộ lao động kể cả khẩu trang cũng không mang. Lúc chúng tôi ghé cơ sở của anh Tèo thì thấy anh cùng hai người thợ khác đang dùng mô tơ để cắt đá. Mặc dù có dẫn nước đến lưỡi cưa để hạn chế bụi đá bay lên nhưng môi trường lao động vẫn bị ô nhiễm khá nặng. Hỏi vì sao không ai mang khẩu trang khi làm việc và có biết bụi đá là rất độc hại không, anh Tèo trả lời: “Biết bụi đá có thể gây ung thư, nhưng vì làm ít nên không đeo khẩu trang, với lại từ hồi nào tới giờ chưa thấy ai bị bệnh chết vì bụi đá” (?).
Tương tự, tại cơ sở của ông Tín có ba người đục đá nhưng cũng không ai mang khẩu trang hay đeo kính bảo vệ mắt. Ngồi trò chuyện với ông Tín chúng tôi mới cảm nhận được những nguy cơ đe doạ từ nghề này, đá dăm bay rào rào và không khí đầy bụi đá. Ông Tín thật thà nói: “Làm riết rồi cũng quen, chứ mang khẩu trang vào ngộp thở, khó chịu lắm”.
Theo danh mục bệnh nghề nghiệp của liên Bộ Y tế - Lao động Thương binh và Xã hội, bụi đá có thể gây ra bệnh bụi phổi silic- một loại bệnh nguy hiểm, đứng đầu trong danh mục các bệnh nghề nghiệp cần được cảnh báo. Trong một bài viết về bệnh nghề nghiệp silic (đăng trên VietNamNet), thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Hồng Lân, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Viện Vệ sinh Y tế công cộng cho biết: “Bệnh bụi phổi silic, hay còn gọi bệnh xơ hoá phổi tiến triển không hồi phục, là do các tinh thể silic tự do, có kích thước rất nhỏ, xâm nhập sâu vào phía trong cơ thể, lắng đọng và tích tụ gây ra xơ hoá phổi. Các tinh thể silic không thể thải hồi ra khỏi cơ thể. Khi phát hiện vật thể lạ, các đại thực bào (một dạng tế bào máu) sẽ tiêu diệt chúng. Tuy nhiên, khi ăn các tinh thể silic, đại thực bào không tiêu hoá nổi silic mà sẽ bị chính silic tiêu diệt. Bệnh này tiến triển liên tục kể cả khi người công nhân ngừng tiếp xúc với nguy cơ, dẫn đến tình trạng suy hô hấp và gây tử vong”.
Hãy tự bảo vệ mình
Dùng khẩu trang để chống bụi là một trong những phương pháp cần thiết. Tuy nhiên theo thạc sĩ Lân, khẩu trang thông thường chỉ dùng để chống bụi thông thường, còn đối với bụi hô hấp thì kích cỡ lọc bụi của khẩu trang quá lớn nên không có tác dụng chống lại. Hiện tại chỉ có loại khẩu trang phòng chống cúm gà có thể lọc đến trên 95% bụi hô hấp đã được công nhận.
![]() |
Nghề làm đá tiểm ẩn nguy cơ gây bệnh. |
Dương Đông