Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Nghề làm nhang- nhiều khó khăn về nguồn vốn
Thứ ba: 02:56 ngày 14/06/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Với hộ bà Gái, mỗi dịp tết Khmer là có thể xuất đi vài tấn nhang thường. Nguồn tiêu thụ này cũng giúp gia đình bà ổn định công việc sản xuất. Tuy nhiên, ở làng nhang xã Long Thành Bắc hiện giờ, số hộ làm nhang đã giảm đi do thiếu vốn sản xuất. Phần đông thanh niên nam nữ trong làng đi làm công nhân.

Công đoạn cho chân nhang vào máy se.

Nghề làm nhang ở xã Long Thành Bắc (Hoà Thành) hình thành từ lâu nhưng phát triển mạnh từ năm 1990 đến nay. Bà Hồ Thị Thoa (58 tuổi, ấp Long Mỹ), bà Đặng Thị Gái (55 tuổi, ấp Long Thới) được xem là những người cao tuổi nhất trong nghề. Từ khi mới 13, 15 tuổi, bà Thoa và bà Gái đã theo học làm nhang từ những người lớn trong xóm. Nghề làm nhang chủ yếu là “nghề dạy nghề” và nó rất “kén” người bởi là cái nghề đòi hỏi sự chịu khó, chịu cực.

Nguyên liệu chính để làm nhang là lá gòn. Lá gòn sau khi mua về, được phơi khô rồi mang đi xay thành bột. Bột lá gòn đem trộn với nước và một lượng bột cho mùi hương như quế, trầm… sẽ ra hỗn hợp bột nhang. Ngoài bột nhang thì chân nhang cũng là nguyên liệu cần thiết. Chân nhang ngày trước người ta làm từ thân cây tre chẻ nhỏ. Nhưng từ 10 năm trở lại đây, cây tre đã trở thành loại nguyên liệu hiếm, giá khá cao. Hơn nữa, chân nhang làm từ tre cũng có nhược điểm là nếu để từ 2 tháng trở lên sẽ dễ bị mọt ăn. Vậy là người làm nhang chuyển sang dùng cây lồ ồ, cây luồng- từ các tỉnh phía Bắc chở vào để thay thế cho tre. Chân nhang làm từ các loại cây này được chẻ bằng máy, rất đều đặn, sau đó chúng được sấy khô, ướp nguyên liệu chống mối mọt nên có để cả năm dài cũng không sao.

Để có được một cây nhang, trước tiên người làm nhang phải biết pha bột với tỷ lệ thích hợp. Lượng bột đó không được lẫn đất cát hay tạp chất nào khác và cũng không được quá nhão hay quá khô. Về phương tiện lao động thì chiếc máy se nhang phải vừa sức với người thợ. Thị trường hiện nay có 2 loại máy se nhang, một loại chậm và một loại nhanh. Loại chậm mỗi ngày làm 8-10 giờ đồng hồ; cho ra 40-50kg nhang. Loại máy nhanh cho sản lượng gấp 2 lần như thế. Tuy nhiên, máy se chậm được ưa chuộng hơn vì đa số người làm nhang là phụ nữ đã lớn tuổi, không thể sử dụng máy se loại nhanh.

Trở lại các công đoạn làm nhang, bột nhang trộn xong được múc cho vào phễu của máy se nhang. Phía bên trái người thợ là nơi bỏ chân nhang, đó là một khoang trục tròn, có lỗ ở giữa, người thợ bỏ chân nhang vào lỗ này, máy vận hành sẽ cuốn cây chân nhang từ lỗ đi qua giữa thân máy. Nơi đó cũng là một khoanh trục tròn, nhưng trên khoanh trục này là chiếc phễu chứa bột nhang. Phễu sẽ rót bột xuống, cuốn vào chân nhang, qua đầu phía phải của máy. Thế là cây nhang đã hoàn thành.

Có 2 loại nhang là nhang thơm và nhang thường. Nếu làm nhang thường thì cần nguyên liệu là keo (hoặc bột lá gòn), bột áo. Nhang thơm thì phải thêm bột thơm với mùi quế hay trầm.

Công việc sản xuất nhang cần ít nhất 3 người. Tuy nhiên, nếu hộ gia đình nào thiếu nguồn nhân lực nhưng có vốn thì có thể sắm 4-5 máy se, thuê 4-5 công nhân ngồi máy. Nếu chịu khó và giỏi nghề, mỗi công nhân có thể thu nhập từ 100.000-150.000 đồng/ngày.

Bà Thoa nhuộm màu chân nhang.

Theo bà Thoa, ngày trước, thị trường tiêu thụ nhang chính của bà là Campuchia. Nhưng sau này do tình hình cạnh tranh gay gắt trong nghề làm nhang giữa nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh nên khoảng 5 năm nay, hàng của bà không còn xuất sang thị trường cũ nữa mà chủ yếu là bán cho thương lái tại Trung tâm thương mại Long Hoa. Một số ít thương lái khác cũng có đến mua nhang của bà để đưa về các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Với hộ bà Gái, mỗi dịp tết Khmer là có thể xuất đi vài tấn nhang thường. Nguồn tiêu thụ này cũng giúp gia đình bà ổn định công việc sản xuất. Tuy nhiên, ở làng nhang xã Long Thành Bắc hiện giờ, số hộ làm nhang đã giảm đi do thiếu vốn sản xuất. Phần đông thanh niên nam nữ trong làng đi làm công nhân. Những người đã lớn tuổi do không thể đảm đang hết công việc nên sang lại máy rồi đi se nhang thuê cho các  hộ khác.

Điều trăn trở nhất của bà Thoa, bà Gái là trong làm ăn thì việc thanh toán tiền nong phải chấp nhận “gối đầu” mới mong giữ được thương lái, nhưng có không ít trường hợp thương lái do vỡ nợ hoặc do cố tình không trả khiến người sản xuất nhang gặp nhiều khó khăn trong việc bảo tồn và xoay vòng nguồn vốn.

KIM CÚC

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục