BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nghề mộc gia dụng Tây Ninh: Có tiềm năng lớn

Cập nhật ngày: 18/05/2013 - 10:40
HTML clipboard

(BTN)- Theo một cán bộ thuộc Chi cục Phát triển nông thôn Tây Ninh, nghề mộc gia dụng được hình thành và phát triển khoảng trước năm 1960. Những thợ mộc cao tuổi kể rằng nghề này theo chân cư dân từ Bình Dương và Đồng Nai du nhập vào Tây Ninh từ hơn nửa thế kỷ trước và kết hợp với nghề mộc bản địa tạo thành bản sắc của nghề này như hiện nay. Định hướng về sự phát triển nghề mộc gia dụng ở Tây Ninh, ngành Nông nghiệp đặc biệt chú trọng đến huyện Hoà Thành. “Đây không chỉ là một nghề mang lại lợi nhuận khá, góp phần giải quyết lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà còn là một nghề mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc”.

Nghề không phụ người

 “Theo kết quả điều tra gần đây, toàn tỉnh hiện có hơn 280 hộ với khoảng 750 lao động tham gia sản xuất đồ mộc gia dụng. Nghề này phân bố gần khắp các huyện trong tỉnh nhưng tập trung nhất vẫn là huyện Hoà Thành, kế đến là huyện Trảng Bàng. Sản phẩm gỗ gia dụng khá đa dạng, gồm giường, tủ, bàn ghế, tủ thờ…”- một cán bộ Chi cục Phát triển nông thôn cho biết.

Sản phẩm gỗ cao cấp được trưng bày tại một hội chợ thương mại, tiêu dùng ở Thị xã

So với các huyện, thị trong tỉnh, nghề mộc huyện Hoà Thành từ lâu đã có tên tuổi, được nhiều người biết đến. Ấp Hiệp An (xã Hiệp Tân) trước đây có đến 50% số hộ làm nghề mộc. Nhiều năm qua, “phố đồ gỗ” ở xã Hiệp Tân là trung tâm thương mại về các sản phẩm gỗ gia dụng lớn nhất Tây Ninh. “Do đó, định hướng phát triển nghề mộc gia dụng ở Hoà Thành là khuyến khích các hộ làm nghề mộc gia dụng có điều kiện (tay nghề, tiền vốn và mặt bằng) vừa sản xuất vừa kinh doanh sản phẩm”- cán bộ Chi cục Phát triển nông thôn cho biết.  

Anh Trần Thành Phương (38 tuổi, ngụ ấp Hiệp Hoà, xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành)– một thợ mộc được truyền nghề từ ông cha cho biết, so với khoảng 15 năm trước, nghề mộc bây giờ đỡ vất vả, nhọc nhằn hơn nhờ sự “hỗ trợ” đáng kể của “đồ nghề” hiện đại như: máy cưa, máy tiện, máy bào, máy khoan… Hầu hết các công đoạn cưa, xẻ, tiện, bào, khoan, đánh bóng… đều sử dụng máy chuyên dùng, chỉ một số công đoạn còn lại người thợ phải làm thủ công. Theo anh Phương, hiện người làm nghề mộc gia dụng có thể “sống được” nếu có tay nghề khá, có sự sáng tạo trong việc thiết kế mẫu mã sản phẩm và có uy tín. Anh Phương kể nhà anh đã 3 đời làm nghề thợ mộc và hiện gia đình anh có 3 anh em đều giữ nghề truyền thống. “Tôi tin là mình không phụ nghề thì nghề sẽ không phụ mình đâu. Đó là lý do mà tôi đã đeo đuổi nghề này hai mươi năm qua”, anh Phương bộc bạch.

Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu tại chỗ cũng như trong nước không còn nên hầu như toàn bộ gỗ nguyên liệu dùng cho sản xuất đồ mộc cao cấp hiện nay chủ yếu nhập khẩu từ Campuchia, Lào, Malaysia… Các loại gỗ nhập khẩu hầu hết có chất lượng cao như cẩm lai, căm xe hoặc gõ đỏ nhưng giá khá đắt nên chỉ có một bộ phận người khá giả mới có điều kiện “xài hàng cao cấp”. Còn lại, giới bình dân chủ yếu sử dụng các vật dụng sản xuất từ gỗ tạp rẻ tiền có nguồn gốc tại địa phương như gỗ tràm vàng, keo tai tượng, mít… Tuy được làm từ gỗ rẻ tiền nhưng nhờ sử dụng hoá chất chống mọt, hoá chất “làm đẹp” và nhờ sự chăm chút của người thợ mộc nên các sản phẩm vẫn đẹp, bền. Gần đây, sản phẩm mộc gia dụng làm từ gỗ cao su cũng được tiêu thụ mạnh.

Chưa chuyên nghiệp

Điều đáng chú ý là lao động trong nghề mộc gia dụng tại địa phương hiện không còn nhiều. Theo khảo sát của ngành Nông nghiệp, thợ mộc được tuyển dụng theo 2 dạng: Dạng thứ nhất- chủ cơ sở mộc tuyển lao động lành nghề từ các địa phương khác mà chủ yếu là từ các tỉnh Nam Định, Hải Phòng, Hà Tây, Bình Dương, Đồng Nai… Việc tuyển thợ mộc theo dạng này có chi phí khá cao nhưng không tốn thời gian đào tạo nghề. Dạng thứ hai- tuyển lao động giản đơn tại chỗ và truyền nghề tại cơ sở. Ưu thế của hình thức tuyển dụng này là chi phí thấp, song hạn chế là thời gian truyền nghề phải mất 2 – 3 năm. Thế nhưng, khi thành nghề, đa số người lao động chỉ làm cho cơ sở đã đào tạo họ một thời gian ngắn rồi thôi việc vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân “lương thấp”.

Sản phẩm đồ gỗ sản xuất ở Tây Ninh chủ yếu tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh. Các chuyên gia về ngành nghề nông thôn của tỉnh cho rằng thị trường tiêu thụ đồ gỗ của tỉnh Tây Ninh hiện có tiềm năng lớn để mở rộng. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu không có giải pháp gia tăng chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm, chủ động tìm kiếm - mở rộng thị trường thì nghề mộc sẽ rất khó phát triển, bởi nghề này luôn chịu sự cạnh tranh quyết liệt của các doanh nghiệp, công ty sản xuất gỗ lớn. 

Một hạn chế của nghề mộc gia dụng Tây Ninh là dù tồn tại và phát triển hàng chục năm qua nhưng các hộ sản xuất đồ gỗ hầu hết đều làm ăn riêng lẻ, chưa thành lập hợp tác xã, chưa có hội hoặc hiệp hội nghề. “Đây là một tồn tại lớn trong thực trạng phát triển nghề làm đồ gỗ gia dụng ở Tây Ninh, bởi khi tham gia hợp tác xã hoặc hiệp hội nghề mộc thì quyền lợi của cả người sản xuất và người tiêu dùng mới được bảo đảm”- một cán bộ thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định.

Phải “nâng tầm”

Để nghề mộc gia dụng phát triển, người làm nghề có cuộc sống ổn định, khá giả, ngành nông nghiệp đề ra một số định hướng chung. Cụ thể, để chiếm lĩnh thị trường nội tỉnh, từng bước vươn ra thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu, người sản xuất đồ gỗ gia dụng cần đặc biệt chú trọng khâu tiếp thị, tìm kiếm, phát hiện và chiếm lĩnh thị trường. Các sản phẩm phải không ngừng được sáng tạo mẫu mã mới. Trong xu thế phát triển du lịch hiện nay, người làm nghề mộc gia dụng cần chú ý lựa chọn sản xuất những sản phẩm mỹ nghệ có kích thước nhỏ, gọn, mang tính lưu niệm làm tặng phẩm với giá cả vừa phải để cung ứng cho cửa hàng tại các điểm du lịch. 

Về nguồn lao động, các chuyên gia cho rằng hiện lao động có tay nghề cao trong sản xuất đồ mộc ở tỉnh Tây Ninh thường không ổn định bởi phần lớn là những lao động đến từ các tỉnh phía Bắc và thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy, để ổn định nguồn lao động có tay nghề cao, người làm nghề mộc gia dụng cần tăng cường khâu đào tạo nghề, tạo điều kiện để thu hút được lao động lành nghề.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp. Theo Sở NN&PTNT, cần sửa đổi một số chính sách còn bất cập hiện nay. Trong đó có chính sách về thuế, chính sách về nhập khẩu gỗ phục vụ sản xuất. Đồng thời, hiện tại có nhiều tổ chức và cá nhân tham gia sản xuất nhưng không đăng ký kinh doanh, tạo ra một môi trường cạnh tranh không công bằng nên cần được quản lý chặt chẽ hơn nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Ngành NN&PTNT cho rằng, để bảo vệ quyền lợi của những cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ, trước hết cần thành lập các hợp tác xã có vai trò xây dựng và điều hành kế hoạch sản xuất, tìm kiếm thị trường, tiếp thị, quảng bá sản phẩm và làm các dịch vụ đầu vào, đầu ra khác. Sau đó, tỉnh từng bước thành lập hội hoặc hiệp hội sản xuất đồ gỗ Tây Ninh. “Trước mắt, cần từng bước tiến hành đăng ký nhãn hiệu sản phẩm độc quyền để hạn chế dần tình trạng cạnh tranh không lành mạnh do sản xuất không đăng ký kinh doanh, sản xuất sản phẩm kém chất lượng…”- một cán bộ ngành Nông nghiệp nói.

BẢO TÂM