Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mỗi lần ngắm những con trâu cò tung tăng trên đồng, ông Sang không giấu được niềm vui trên vùng đất mới Tây Ninh.
Đua bò. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông
Từ lễ hội đua bò Bảy Núi...
Sinh ra và lớn lên ở vùng Bảy Núi, xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, ngay từ nhỏ, nghệ nhân Lê Phước Sang (53 tuổi) đã được đắm mình trong không khí tưng bừng của lễ hội đua bò Bảy Núi. Ngày hội này được tổ chức hằng năm trong dịp lễ Sen Dolta (lễ cúng ông bà) của bà con dân tộc Khmer Nam bộ từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 âm lịch.
Đó là thời gian người Khmer bắt đầu chuẩn bị cho vụ lúa mới. Ông Sang nhớ lại, từ nhỏ ông thường nghe ông nội kể, ngày xưa, người Khmer sống theo phum sóc quanh chân núi Thất Sơn - An Giang, sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa.
Bò để kéo cày, kéo bừa, trục đất phục vụ sản xuất nông nghiệp. Những ngày cày ruộng xong sớm, một số chủ bò cao hứng rủ nhau đua bò cho vui. Sau đó, người Kinh cũng tham gia và dần dần trở thành lễ hội dân gian ở vùng này.
“Tôi có thân hình ốm, nhanh nhẹn nên từ 18 tuổi đến nay được nhiều người nhờ làm "nài" đua bò, chủ yếu ở giải xã. Năm 2016, tôi lần đầu tham gia giải đua cấp tỉnh và đạt giải Nhất.
Đó cũng là năm Lễ hội đua bò Bảy Núi được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công bố là Di sản phi vật thể quốc gia. Những chủ bò đua, "nài" được công nhận là nghệ nhân".
Theo lời ông Sang, bò dùng để đua là bò trắng, cao ráo, săn chắc, khoẻ mạnh, có nguồn gốc từ Campuchia. Đây là những con bò ưu tú được tuyển chọn qua quá trình tập dượt từ phum sóc.
Sau các giải đua ở vòng xã, huyện, mới tuyển chọn lên thi đấu vòng tỉnh. Bò dùng để đua được chăm sóc rất kỹ, gần tới thời điểm thi đấu, không cho ăn thức ăn gia súc mà chỉ cho ăn cỏ non, uống nước sạch, ngủ nơi thoáng mát.
Trước thời gian đua khoảng một tháng, bò tập luyện trên đường mỗi ngày một lần. Còn khoảng một tuần trước khi đua phải nuôi thúc, cho chúng uống nước soda pha trứng gà để có sức khoẻ tốt và tăng cường độ tập luyện lên mỗi ngày hai lần.
Ông Sang bên con trâu cò hiền lành của mình.
Quan niệm của người Khmer Nam bộ, đôi bò thắng giải mang đến cho cả phum sóc nhiều niềm vui, may mắn để có một vụ mùa bội thu. Vì thế, sau khi thắng cuộc, đôi bò không bị giết thịt, cũng không bị bán đi mà được chủ nhân gìn giữ như một tài sản quý của gia đình và phum sóc.
“Đôi bò thắng cuộc ít đi kéo xe mướn, nếu không bò hết gối (yếu chân), đến mùa giải năm sau không chạy nổi nữa. Đôi bò của ông Nguyễn Văn Liệt, do tôi làm "nài" đạt giải Nhất năm 2016, đến năm 2019, cặp bò này vẫn tiếp tục đạt giải Nhất”- ông Sang chia sẻ.
Năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid- 19, lễ hội đua bò ở An Giang tạm ngưng tổ chức. Lễ hội này trở thành nét văn hoá độc đáo ở vùng Bảy Núi An Giang nói riêng và hoạt động văn hoá du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
… đến đam mê trâu cò ở Tây Ninh
Những năm gần đây, nguồn trâu bò ở An Giang ngày càng ít, rơm rạ trên đồng cũng không còn nhiều, nhân một lần đến thăm người bạn ở xã Tân Hà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, với kinh nghiệm nuôi bò đua bao năm qua ở vùng Bảy Núi, ông Sang nhanh chóng nhận ra ở Tân Hà có nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi gia súc.
Ông Sang bộc bạch: “Tân Hà có nhiều đồng cỏ rộng, lại giáp ranh Campuchia nên có nguồn trâu, bò dồi dào có thể mua về nuôi vỗ béo bán lại cho thương lái, bán thịt và cung cấp cho việc cày, bừa. Vì thế, tôi đến Tân Hà lập nghiệp”.
5 năm trôi qua, ông Sang cùng người bạn thường xuyên sang Campuchia mua trâu, bò gầy đem về Tân Hà nuôi vỗ béo để bán lại. Trong quá trình đó, thỉnh thoảng ông có mua lẫn lộn một vài con trâu có màu trắng (thường gọi là trâu cò), bán được giá cao. Qua tìm hiểu, ông được biết, trâu cò có được là do sự biến đổi gien. Vì vậy, số lượng trâu cò rất ít; và nhờ thế, trâu cò quý giá hơn trâu đen.
Con trâu cò hơn 2 tháng tuổi .
Trong đợt mua trâu gần đây, tình cờ, ông Sang mua được hai con trâu nái có màu trắng rất đẹp. Đặc biệt, trong đó có một con trâu cui (cặp sừng cong xuống chứ không cong lên như đa số trâu khác), ông Sang cho rằng trâu cui như thế này rất khoẻ mạnh, hiền lành; về mặt phong thuỷ, trâu cui có thể đem lại nhiều vận may.
Biết đây là trâu quý, ông giữ hai con trâu này để dành nuôi chứ không đem bán. Quả thật, chúng đem lại may mắn cho ông. Sau một năm nuôi dưỡng, hai con trâu cò này sinh sản cho ông hai con nghé cũng có màu lông trắng tươi.
Trong đàn trâu đen ông vừa mua về có một trâu cái đẻ được một con trâu cò. Ông Sang cho rằng đây là vận may của mình nên quyết định để tất cả các con trâu trắng này lại nuôi.
Hiện tại, mấy con trâu cò nhỏ đã được hơn 2 tháng tuổi. Ông Sang thuê một nhân công trông nom đàn trâu. Hằng ngày, 8 giờ sáng, đàn trâu được lùa ra những cánh đồng trống cho ăn cỏ; chiều tối trở về chuồng nghỉ ngơi.
Ông Sang cưng chúng đến nỗi chiều nào cũng bơm nước tắm cho chúng và khi đêm xuống, ông đốt rơm, cỏ khô cho nhiều khói để xua đuổi muỗi cho bầy trâu. Mùa khô, khi cỏ trên đồng ít dần, ông đi cắt cỏ mang về cho chúng ăn thêm. Mặt khác, ông trồng thêm một số loại cỏ và mua rơm làm thức ăn dự trữ cho chúng.
Đàn trâu của ông Sang,
Mặc dù đã thuê người trông nom, nhưng hằng ngày, ông Sang vẫn dành nhiều thời gian bên đàn trâu của mình. Mỗi lần ngắm nhìn những con trâu cò trên đồng cỏ, ông Sang không giấu được niềm vui khi thuận lợi trên con đường lập nghiệp ở vùng đất mới Tây Ninh.
Đ.D