Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Về làng nồi xã Trù Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh NGhệ An), hỏi thăm cụ Phạm Thị Hồng thì ai cũng biết, bởi cụ không chỉ là người cao tuổi có thâm niên trong nghề, mà đôi tay cụ khéo léo vào hạng nhất làng...
Cụ Hồng (xóm 11) vốn xuất thân từ gia đình buôn bán nhưng từ nhỏ đã yêu thích và gắn bó với nghề làm nồi đến tận bây giờ. Ngày trước, khi làng nồi đang thịnh, gia đình cụ là một trong những cơ sở làm nồi đất nhiều nhất làng.
Nay, con cái đã trưởng thành, chỉ còn hai vợ chồng sống với nhau, lại cao tuổi, gia đình không tự làm, đốt nấu nồi đất như xưa, nhưng nhớ nghề, cụ vẫn đi làm cho những nhà khác.
76 tuổi, hơn 60 năm trong nghề làm nồi đất, nhưng bàn tay cụ Hồng vẫn còn khéo léo, hàng ngày vẫn miệt mài làm nên những sản phẩm bền, đẹp. |
Theo cụ Hồng, nghề làm nồi đất có nhiều công đoạn: nhồi đất, làm vỡ, sửa gọt, phơi, nấu… trong đó làm đất và nấu nồi là công việc đòi hỏi nhiều công sức nhất. Nhờ có đôi tay khéo, lại cẩn thận, năng suất, nên bà con trong làng thường thuê cụ đến làm công, mà chủ yếu là ngồi làm vỡ, sửa gọt, hoàn thiện sản phẩm.
Cụ làm được nhiều loại nồi đất khác nhau như: niêu kho cá, bủm lớn, ấm sắc thuốc, chảo than, nồi rang… tuy không có khuôn, nhưng cái nào cũng tròn đều, chất lượng. Sản phẩm khó làm nhất của nghề nồi đất là vung nồi, cả làng chỉ có vài người làm được đẹp, trong đó có cụ Hồng.
Ngoài tuổi “thất thập cổ lai hi”, cụ vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Lúc cụ làm nồi, hai bàn tay vừa miết đất, vừa giữ nồi, ngón chân cái đẩy bàn xoay rất nhịp nhàng. Mọi động tác của cụ đều nhanh nhẹn, chính xác và khéo léo.
Đôi bàn tay thô ráp, nhăn nheo đã gắn với nghề làm nồi đất hơn nửa thế kỷ, được người làng mệnh danh là "bàn tay vàng". Mỗi tháng cụ có thể làm đươc hàng nghìn sản phẩm với nhiều kiểu dáng, kích cỡ khác nhau. |
Bà Lưu Thị Kháng (xóm 11) người thường thuê cụ Hồng làm nồi, cho biết: “Cứ đến nhà là cụ ngồi vào làm cho tới lúc ra về, chưa bao giờ thấy cụ kêu mệt mỏi hay đau lưng. Cụ làm chăm chỉ và đẹp nên ai cũng muốn thuê, dường như cả năm hết làm cho nhà này, lại đến làm cho nhà khác”. Xem cụ Hồng vừa làm việc, vừa trò chuyện vui tươi với người xung quanh, ai cũng khâm phục sức khỏe, kỹ năng và sự yêu nghề của cụ.
Mỗi ngày, tùy vào kích thước nồi, cụ có thể làm được từ 80 đến 100 sản phẩm. Tính ra mỗi tháng, cụ làm ra hàng nghìn sản phẩm nồi đất với đủ các kiểu dáng, kích cỡ. Đi làm cho người ta, trưa, tối lại về ăn cơm nhà mình, tiền công cho mỗi ngày được khoảng 100 nghìn đồng, ai trả hơn cụ cũng không lấy. Cụ cho biết: “Tuổi già đi làm cho vui, chứ ngồi không thì không chịu được, trời cho sức khỏe để được làm nồi như thế này là thích lắm rồi”.
Những sản phẩm bủm lớn, nồi rang, chảo than do cụ Hồng làm tại nhà bà Lưu Thị Kháng (xóm 11) |
Hiện tại, 2 xóm 10 và 11 xã Trù Sơn có hàng chục gia đình làm nghề nồi đất, nhưng người có thâm niên hơn 60 trong nghề và đang còn làm việc tốt như cụ Hồng thì dường như là duy nhất.
Những năm qua nghề nồi đất của làng hưng thịnh trở lại, người mua nhiều hơn. Nhà nào cũng thường xuyên có hàng trăm, hàng nghìn chiếc nồi đất sắp xếp ngay ngắn khắp nhà, sân, thềm, thì ít nhiều đều in dấu tay của cụ Hồng.
Cụ Hồng chia sẻ niềm đam mê: “Chưa nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi con ạ, cứ làm đến khi nào không làm được nữa thì thôi”. Chưa có tổ chức, cơ quan nào công nhận, nhưng người làng vẫn trân trọng và ngưỡng mộ, gọi cụ là “Nghệ nhân làng nồi”.
Nguồn Báo Nghệ An