Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Làng Đông Hồ, xã Song Hồ, Thuận Thành là một làng nghề thủ công truyền thống. Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản nghề làm tranh ngoài sự nỗ lực của các ngành, các cấp thì nhiều nghệ nhân, người dân trong làng cũng đang có những việc làm thiết thực.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh giới thiệu nghề làm tranh Đông Hồ cho khách du lịch.
Tranh dân gian Đông Hồ không những độc đáo về nội dung, bố cục mà còn đặc sắc bởi chất liệu dân gian truyền thống. Chất liệu để làm lên những bức tranh dân gian Đông Hồ được khai thác chiết xuất từ cỏ, cây, hoa, lá trong thiên nhiên: Giấy in tranh được làm từ cây dó trên rừng, mầu trắng được chế biến từ mai con điệp dưới biển, mầu đỏ vang được chế từ cây gỗ vang trong rừng, mầu son được lấy từ sỏi son trên núi, mầu đen được lấy từ than lá tre, mầu vàng được chiết xuất từ hoa hòe hoặc hạt cây rành rành. Từ chất liệu dân gian truyền thống ấy, các nghệ nhân vẫn làm nên những bức tranh hết sức sống động, hài hòa và vô cùng độc đáo. Tranh có nhiều chủ đề khác nhau như thể loại chúc tụng; thể loại truyện tranh, thể loại tranh châm biếm, thể loại tranh sinh hoạt gắn với hình ảnh của nhân dân trong cuộc sống hàng ngày...
Những năm gần đây, thị trường tranh dân gian Đông Hồ thưa vắng, người làng Đông Hồ dần chuyển sang sản xuất các hàng hóa khác có lợi nhuận kinh tế cao hơn. Cho đến nay, nhiều gia đình còn giữ được nghề, trong đó nổi bật là gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam. Chung tay bảo tồn và phát huy giá trị của nghề làm tranh dân gian Đông Hồ không thể không nhắc tới vai trò và sự tâm huyết của các nghệ nhân làng tranh.
Trong 2 năm gần đây, gia đình các nghệ nhân, điển hình là gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh, con dâu nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam tích cực phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh trong việc đẩy mạnh giới thiệu các tour du lịch về Thuận Thành, tuyến chùa Dâu - chùa Bút Tháp - làng tranh Đông Hồ và tăng cường công tác quảng bá du lịch, giới thiệu giá trị di sản văn hóa đặc sắc của Bắc Ninh. Không chỉ tích cực tham gia quảng bá, giới thiệu, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh sáng tạo một số tranh về Đề tài lịch sử văn hóa theo phương pháp và chất liệu truyền thống: “Chùa Dâu”, “Chùa Bút Tháp”, “Tượng Adida - Chùa Phật Tích”,... những sản phẩm này mang nhiều giá trị di sản văn hóa vừa là sản phẩm của nghề làm tranh truyền thống, vừa ẩn chứa giá trị di tích lịch sử văn hóa.
Nghệ nhân còn tích cực tham gia các sự kiện văn hóa, du lịch lớn trong nước và quốc tế, tiêu biểu như: Tham gia trình diễn và trưng bày các ấn phẩm tranh Dân gian Đông Hồ phục vụ đoàn ngoại giao nữ Quốc tế về thăm Bắc Ninh ngày 8.3.2015 - hoạt động được tổ chức tại Đình làng Tam Tảo (huyện Tiên Du); tái hiện nghề làm tranh dân gian Đông Hồ phục vụ gần 2.000 đại biểu quốc tế đến từ 160 quốc gia và vùng lãnh thổ nhân sự kiện Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tổ chức tại Việt Nam; tham gia quảng bá điểm đến du lịch cộng đồng - làng tranh dân gian Đông Hồ trong Ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh diễn ra trong tháng 3.2016. Trưng bày, trình diễn nghề làm tranh Đông Hồ trong chương trình Festival Huế 4.2016…
Đồng hành cùng với Trung tâm Xúc tiến du lịch Bắc Ninh, các nghệ nhân làng tranh tích cực giới thiệu giá trị của dòng tranh dân gian Đông Hồ thông qua việc nhiệt tình đón và phục vụ khách du lịch theo hình thức du lịch cộng đồng, du khách đến với làng tranh, đến với gia đình nghệ nhân bây giờ không chỉ đến để thăm quan, mua tranh mà còn được nghe giới thiệu về giá trị của dòng tranh, ý nghĩa của các bức tranh và đặc biệt là được tham gia trải nghiệm thực tế các công việc 1 ngày của người thợ làm tranh.
Với các hoạt động thiết thực, các nghệ nhân đã góp phần tích cực trong công tác gìn giữ và phát huy giá trị của di sản văn hóa truyền thống làm giàu thêm cho nền văn hoá đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam. Hy vọng, làng tranh dân gian Đông Hồ “bừng sáng” trở lại, hứa hẹn sẽ trở thành một điểm tham quan du lịch văn hóa có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Theo Thế Hiếu (Báo Bắc Ninh)