BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nghề nuôi bò sữa ở huyện Trảng Bàng: Người chăn nuôi muốn phát triển đàn bò, nhưng việc thu mua sữa lại rất giới hạn (!)

Cập nhật ngày: 29/06/2009 - 09:53

Không được công ty ký hợp đồng thu mua sữa, anh Tâm rất lo lắng đầu ra sản phẩm

Vài năm gần đây, giá sữa tươi ổn định, tuy lãi không nhiều, nhưng những người có điều kiện chăn nuôi từ năm, bảy con bò sữa trở lên cũng có thu nhập khá. Tuy nhiên không phải người dân Trảng Bàng nào muốn nuôi bò sữa cũng được. Vì toàn huyện chỉ có một điểm thu mua sữa của một công ty ở thành phố Hồ Chí Minh. Điểm thu mua này chỉ thu mua sữa của những người chăn nuôi có ký hợp đồng từ trước. Còn những người mới phát triển chăn nuôi sau này, chưa được ký hợp đồng và thông bán được sữa cho công ty. Do vậy, không ít người chăn nuôi phải bán sữa trôi nổi kiểu “tự sản tự tiêu”. Hiện có nhiều người dân Trảng Bàng muốn chăn nuôi bò sữa, nhưng đang vướng ở đầu ra.


* Khá lên nhờ nuôi bò sữa:

Anh Phạm Văn Của, 47 tuổi, ở khu phố Lộc Du, thị trấn Trảng Bàng cho biết, anh bắt đầu nuôi bò sữa từ năm 1994. Lúc đầu, anh chỉ nuôi có 2 con bò. Đến nay đàn bò của anh lên đến trên 30 con. Trong đó có 25 con bò cái đang trong chu kỳ sinh sản, và hiện có 14 con đang cho sữa. Nhờ có nhiều năm kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa và có đất trồng cỏ, gia đình anh Của trở nên khá giả. Giá sữa tươi hiện nay (28.6.2009) tại điểm thu mua ở ấp An Bình, xã An Tịnh (Trảng Bàng) tuỳ theo chất lượng mà dao động từ 7.200 đồng đến 7.500 đồng/kg. Với giá này, nếu một con bò sữa cho khoảng 18 kg sữa/ ngày, trừ hết các chi phí, người chăn nuôi còn lãi khoảng 70.000 đồng/con/ngày. Anh Trần Văn Nhiếp ở ấp Lộc Trát, xã Gia Lộc, đang nuôi 8 con bò sữa, trong đó có 4 con đang cho sữa. Anh Nhiếp cho biết, mấy năm qua nhờ nuôi bò sữa mà gia đình anh có thu nhập ổn định. Anh Thân Thành Bông ở khu phố Lộc Du, mới vào nghề nuôi bò sữa vài năm nay. Từ vài con ban đầu, nay đàn bò của anh Bông cũng đã phát triển lên trên mười con. Anh Chơn ở An Hoà giữ vững đàn bò vài chục con từ nhiều năm qua và cũng trở nên khá giả nhờ nuôi bò sữa. Hàng trăm hộ khác ở Trảng Bàng, nhất là những người có nhiều năm gắn bó với bò sữa đều có thu nhập khá, cuộc sống gia đình ổn định. Tuy nhiên, hiện nay ở Trảng Bàng lại có nghịch lý xảy ra là một bộ phận người chăn nuôi bò sữa đang gặp rất nhiều khó khăn trong khâu đầu ra sản phẩm, vì công ty thu mua không ký hợp đồng.

* Không dễ giải quyết đầu ra:

Anh Lê Văn Tâm (34 tuổi) ở khu phố Lộc Du cho biết, vào năm 2007, thấy một số hộ chăn nuôi bò sữa khu vực có thu nhập khá, anh mua 4 con bò sữa về nuôi. Khi bò vừa gieo tinh được 3 tháng là anh đăng ký bán sữa cho công ty có điểm thu mua sữa ở ấp An Bình. Nhưng công ty không ký hợp đồng mà hẹn khi nào có đợt mới đăng ký. Đến nay bò anh Tâm đẻ được 7 tháng, anh vẫn chưa được ký hợp đồng. Hiện giờ với 3 con bò đang cho sữa, thu hoạch khoảng 35 kg/ngày, không được bán sữa cho công ty, anh Tâm phải bán trôi nổi cho người chăn nuôi heo và làm sữa chua. Mỗi ngày khi vắt sữa bò anh Tâm lo sợ không bán được. Anh Tâm cho biết, anh rất muốn phát triển chăn nuôi bò sữa. Hiện nay anh có đất trồng cỏ, có nguồn vốn, đủ khả năng nuôi trên 20 con bò sữa, nhưng khổ nỗi không ký được hợp đồng bán sữa thì làm sao anh dám phát triển đàn bò. Tương tự như hoàn cảnh anh Tâm, ở Trảng Bàng còn có khoảng 20 hộ nuôi trên 100 con bò sữa đang phải bán sữa trôi nổi, bấp bênh. Trong đó có nhiều hộ nuôi 6-7 con như: anh Mát, ở ấp Gia Tân, xã Gia Lộc; anh Inh cũng ở Gia Tân; anh Thuỷ, ở ấp Chánh, xã Lộc Hưng… Nguyện vọng của những người chăn nuôi này là tha thiết mong các doanh nghiệp sữa mở thêm điểm thu mua sữa ở thị trấn Trảng Bàng, để tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi ký hợp đồng tiêu thụ sữa tươi.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ ngành chức năng huyện Trảng Bàng cho biết, hiện nay ở Trảng Bàng có trên 1.600 con bò sữa. Sản lượng sữa khai thác khoảng 6 tấn/ ngày. Nhưng toàn huyện Trảng Bàng chỉ có một điểm thu mua sữa, mua chỉ có hơn 4 tấn/ngày. Như vậy mỗi ngày ở Trảng Bàng còn thừa ra khoảng 2 tấn sữa, người chăn nuôi phải bán trôi nổi. Nguyện vọng của người chăn nuôi bò sữa ở Trảng Bàng là rất chính đáng. Vị cán bộ này khẳng định muốn cho đàn bò sữa ở Trảng Bàng tăng nhanh hơn, các cấp lãnh đạo, ngành chức năng cấp trên và các doanh nghiệp cần mở thêm ít nhất một điểm thu mua nữa với giá thu mua sữa hợp lý. Có như thế mới đảm bảo được đầu ra sản phẩm và khuyến khích được nhiều người phát triển chăn nuôi bò sữa.

D.H