BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nghề nuôi rắn

Cập nhật ngày: 30/07/2009 - 08:24

Chị Mơ không hề sợ rắn.

Khi giá cả một số vật nuôi như heo, bò, gà, vịt đang chứa đựng nhiều rủi ro cho người chăn nuôi do thị trường thiếu ổn định thì nhiều hộ nông dân ở Tây Ninh đã chuyển qua nghề nuôi rắn. Loài bò sát này có vẻ đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số loài gia súc, gia cầm truyền thống.

Ông Lê Doãn Hậu, nhà ở ấp 4, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu đang nuôi hơn hai chục con rắn. Chúng tôi đến thăm, thấy ông Hậu vừa lấy cái áo mới cởi ra, dùng hai tay vắt áo vào chuồng rắn. Hoá ra, đó là một trong những bí quyết để thuần phục loài bò sát đáng sợ. Theo ông, làm vậy là để rắn quen dần mùi mồ hôi của chủ mà trở nên “thân mật” hơn.

Để chứng minh rằng loài rắn mình đang nuôi là rắn “thân thiện”, ông Hậu thò tay vào chuồng bắt ra một con rắn chiều dài phải đến gần hai mét, có trọng lượng khoảng 1,5 kg. Ông cho con rắn quấn quanh người, quanh cổ. Trong khi người xem tròn xoe mắt nhìn cái lưỡi rắn lo le như muốn tìm mồi thì ông chủ lại cứ điềm nhiên như không. Những động tác của ông cứ y như diễn viên chuyên biểu diễn xiếc rắn.

Loài rắn mà ông Hậu đang nuôi có tên là rắn long thừa, cùng họ với rắn hổ. Ông Hậu cho biết, lúc đầu ông chỉ mua mấy con về nuôi thử, mỗi con giá sáu chục ngàn đồng. Sau khi rắn cái trưởng thành, chúng được cho phối giống. Đến nay bầy rắn của ông Hậu đã khá đông. Sau gần một năm, con rắn có trọng lượng nặng nhất khoảng 1,5 kg. Theo giá hiện nay, nếu rắn từ một ký rưỡi trở lên có thể có giá từ 400.000 – 450.000 đồng. Như vậy, một con rắn như của ông Hậu sẽ có giá khoảng 700.000 đồng.

Theo ông Hậu, nếu không có gì thay đổi, cuối năm nay, bầy rắn của ông sẽ mang lại cho gia đình ông khoảng 20 triệu đồng. Trong khi đó, thức ăn của loài bò sát này rất đơn giản: nhái và cóc. Ông Hậu tự đi bắt mồi về cho rắn ăn chứ không phải mua. Từ khi được nuôi đến nay, chúng chưa khi nào bị bệnh. Tỷ lệ rắn hao hụt trong quá trình nuôi gần như bằng không. Ông Hậu kể, trong bầy rắn nhà ông chỉ duy nhất có một con bị đồng loại tiêu diệt, còn lại là sống cả. Theo ông, nuôi rắn hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi bò!

Cũng ở ấp 4 của xã Bàu Đồn, chị Nguyễn Thị Mơ, được nhiều người ca tụng là người đàn bà có “biệt tài” nuôi rắn. Chị Mơ không hề có khái niệm sợ rắn. Thấy có khách đến, chị lấy một cây khoèo lôi con rắn to như cổ tay từ trong chuồng ra rồi hai tay bế nó, điềm nhiên thuyết minh cho khách nghe về quá trình sinh trưởng và phát triển của rắn. Nghe chị nói, cứ ngỡ như người phụ nữ nông dân này là một nhà sinh vật học!

Cách nay ba năm, chị Mơ mua gần 40 con rắn long thừa về nuôi, mỗi con có giá chỉ 35.000 đồng. Nuôi được một năm, chị cho xuất chuồng. Hiệu quả cao hơn cả sự mong đợi: lũ rắn đã mang về cho gia đình chị hơn 10 triệu đồng, trong khi mức chi phí rất thấp. Thừa thắng xông lên, sang năm thứ hai, chị Mơ xuống huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) mua một lúc năm chục con rắn về nuôi tiếp! Tổng số tiền dùng để mua rắn đợt này hết gần 2 triệu đồng. Sau một năm, chị bán bầy rắn, thu về 20 triệu. Vào thời điểm chị bán (cách nay hơn một năm), những con rắn nặng cỡ 1,2kg đến 1,6kg có giá từ 390.000, đến 490.000 đồng.

Chị Mơ cho biết, để hạn chế việc tốn chi phí mua rắn con, chị đã tập trung chăm sóc rắn cái cho chúng đẻ trứng. Mỗi năm rắn cái “vượt cạn” hai lần, mỗi lần cho từ 10 đến 12 quả trứng. Thời gian ấp trứng kéo dài hai tháng mười ngày. Tỷ lệ trứng ấp thành công khoảng 80%. Hiện tại, nhà chị Mơ không còn phải mua rắn con về để nuôi như trước đây nữa. Trong chuồng rắn nhà chị đang có hơn 40 con cả lớn lẫn nhỏ. Theo chị Mơ, nếu mọi việc bình thường, cuối năm nay chị sẽ thu về khoảng vài chục triệu đồng từ tiền bán rắn. Giá rắn thịt lâu nay tương đối ổn định, ít biến động.

Là chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp 4, xã Bàu Đồn, chị Mơ cho biết, với kinh nghiệm nuôi rắn nhiều năm, chị sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những người muốn làm kinh tế bằng cách như chị.

 Phong trào nuôi rắn hiện không chỉ có ở huyện Gò Dầu mà một số hộ nông dân ở huyện Dương Minh Châu cũng đang muốn phát triển cái nghề cho giá trị kinh tế cao này.

Chỉ có một điều mà người viết rất... ngán là không biết tại sao hầu hết những người nuôi rắn đều cho đặt chuồng rắn ngay... trong nhà! Như nhà chị Mơ chẳng hạn, chuồng rắn được đặt trong nhà bếp! Chỉ e, có sự cố về chuồng trại, hôm nào đó chúng… ngao du ra ngoài thì sợ quá!

Trước khi thực hiện bài viết này, chúng tôi có liên hệ với Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Gò Dầu để tìm hiểu về tính pháp lý của việc nuôi rắn. Một cán bộ lãnh đạo Phòng cho biết, việc mua rắn con về nuôi hoặc cho ấp trứng để nuôi đều không bị cấm, vì đó không phải là hành vi đánh bắt động vật hoang dã. Tuy nhiên, người nuôi rắn phải báo với chính quyền địa phương, kể cả khi bán cũng vậy. Điều này nhằm tránh tình trạng có kẻ lợi dụng việc nuôi rắn để đánh bắt trái phép động vật hoang dã.

ĐỒNG VIỆT