Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ghi chép tản mạn
Nghệ sĩ hàng tỉnh
Thứ sáu: 13:37 ngày 26/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hôm lên dự lễ khánh thành một ngôi chùa ở huyện Châu Thành vào giữa tháng tư, sáng sớm đã rừng rực nắng. Sân lễ được che bởi chiếc dù hoa như hút nắng về thêm. Ðúng vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương nên trước lễ còn có phần văn nghệ chào mừng, thấy giới thiệu có cả các Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân như Minh Vương, Lệ Thuỷ…

Nhưng tiết mục hát múa đầu tiên lại là màn diễn tả các con của mẹ Âu Cơ, người xuống biển, kẻ lên rừng. Sân khấu bỗng chốc tưng bừng những tà áo dài xanh, đỏ của các cô gái xinh, những chàng trai trẻ. Chim lạc bay vòng quanh trên những chiếc quạt to rực đỏ do các cô cầm múa. Ðấy là vũ đoàn Nắng Mai- theo chữ ghi trên tấm pa-nô giới thiệu chương trình. Lát sau mới thấy các nghệ sĩ Minh Vương, Lệ Thuỷ lên sân, trong tiếng trầm trồ cùng điện thoại giơ lên chụp ảnh.

Nóng. Tôi ra quầy giải khát từ thiện xin ly nước hạt é, gặp các cô “Nắng Mai” cũng đang tản mác trên sân. Một cô tiến lại lại gần chào, tôi mới nhận ra đấy là người quen. Cô chính là người tham gia các tốp múa hát của Trung tâm Văn hoá tỉnh, đã từ lâu lắm. Hoá ra, “Nắng Mai” toàn người Tây Ninh. Vậy mà tôi nghĩ là vũ đoàn về từ TP. Hồ Chí Minh.

Tỉnh nhỏ, các sự kiện văn hoá nghệ thuật không nhiều nên các cô phải làm đủ nghề để sống, kể cả việc múa hát phục vụ cho đám cưới… Một năm chỉ mươi lần họ được biểu diễn trên những sân khấu có đông người xem như lễ hội này đây. Dù về tài năng, nhan sắc, họ chẳng kém cạnh gì các vũ đoàn hay nghệ sĩ đến từ thành phố.

Nghệ sĩ hàng tỉnh mà! Thôi thì cứ “hiu hiu gió lạnh”, chìm khuất đi trong một cuộc sống nhiều màu vẻ và đang phát triển.

Bẵng đi vài hôm. Tôi lại gặp thêm vài nghệ sĩ thứ thiệt của nghệ thuật dân gian truyền thống Tây Ninh. Ðấy là nhóm cô Ðồng Bơ chuyên hát cửa đình và múa bóng rỗi ở miếu Cầy Xiêng thờ Quan lớn Trà Vong- một tín ngưỡng đặc sắc chỉ Tây Ninh mới có. Thì ra vào ngày lễ cúng Quan lớn, vẫn có nhiều người dân tín ngưỡng đến dâng các mâm vàng, mâm bạc cho người xưa đã khuất.

Bằng một nghi lễ đặc sắc chỉ có ở các đền miếu dân gian, các “gia chủ” quỳ đội mâm vàng ở phía trước, các cô đồng đứng sau, người múa hát, người dâng vật phẩm cúng qua các vũ điệu vừa đẹp mắt, lại vừa thành kính thiêng liêng.

Năm nay, tốp múa bóng hát cửa đình của cô Bơ cũng đã “teo tóp” lại ít nhiều. Chỉ còn có 3 cô và hai nhạc công… Người kéo đờn cò, người ghi-ta phím lõm. Vài năm trước, tôi đã từng gặp tốp múa hát của cô ở nhiều nơi, như hai miếu Ngũ Hành trong phường 1, phường 2, rồi miếu Bà Thốt Nốt, huyện Châu Thành.

Những năm ấy, người còn đông hơn, đạo cụ mang theo cũng nhiều hơn để các cô thoả sức trổ tài khi dâng bông trên những đầu dao mũi kiếm ngậm vào miệng, giữ thăng bằng, dù người vẫn quay vòng hoặc tạo dáng trong từng bước múa. Có khi các cô dùng gậy nâng cao từng chậu kiểng to, nặng hàng chục ký mà gương mặt vẫn thản nhiên, thân người vẫn lẹ làng và thanh thoát vô cùng. Họ thật đáng gọi là những nghệ sĩ của dân gian. Vậy nên họ đến múa ở đền miếu nào cũng rất đông người lớn, trẻ em đứng vòng ngoài vòng trong xem, với ánh mắt đầy ngưỡng mộ.

Cả hai tốp múa mà tôi đã gặp giữa tháng tư nắng lửa, dường như đều bị chìm khuất đi giữa cuộc sống Tây Ninh. Khi mà Tây Ninh đang lúc rộn ràng, là điểm đến của các nhà đầu tư lớn. Như Lavifood đến xây nhà máy chế biến nông sản có công nghệ hiện đại nhất thế giới ở Gò Dầu. Như Vingroup vừa xây xong khách sạn 5 sao cùng khu nhà phố shophouse. Như Vinamilk vừa hoàn thành trang trại trong chuỗi đạt chuẩn GlobalGAP lớn nhất châu Á, được mệnh danh là resort của các “cô bò sữa” v.v…

Vậy mà, các nghệ sĩ hàng tỉnh Tây Ninh vẫn cứ đam mê và lặng lẽ. Nhóm Nắng Mai rồi sẽ có tương lai, khi ngày càng có nhiều sự kiện cần quảng bá. Nhưng nhóm của cô Ðồng Bơ, rồi ai sẽ kế thừa đây? Cô kể, nghiệp tổ truyền lại cho cô, đến nay đã được 3 đời. Ðịnh sẽ truyền tiếp cho cô con gái, nhưng nó cũng đã “theo chồng bỏ cuộc chơi”.

May cho cô là luôn có cây đờn cò của chính chồng cô, người tôi thấy hàng chục năm qua vẫn kiên trì theo chân vợ đến hầu khắp các miếu đền trong tỉnh. Hai vợ chồng họ năm nay cũng xấp xỉ tuổi sáu mươi. Hơn 40 năm theo nghiệp tổ rồi, mà chẳng lẽ đến đây là chấm hết?!

NGUYỄN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục