BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nghệ thuật Khmer ở chùa Khe Đon

Cập nhật ngày: 11/10/2011 - 10:25

Thật khó hình dung, nếu không đến sờ tận tay, nhìn tận mắt từng bộ phận, hay chi tiết kiến trúc, điêu khắc có ở chùa Khe Đon, thuộc xã Thạnh Tân, thị xã Tây Ninh. Dù đến tháng 10.2011, chùa mới hoàn thành được khoảng 80% việc cần làm nhưng tất cả những nét đặc sắc về kiến trúc và điêu khắc đã được phô bày rõ rệt. Dĩ nhiên, chùa Khmer theo Phật giáo Nam tông, nên cũng thật đậm đà nghệ thuật Khmer đặc sắc…

Mái sảnh hướng Tây

Thoạt tiên, bộ phận làm nên ấn tượng nhất chính là bộ mái. Bởi giờ đây, toàn bộ mái đã hoàn thành mà nhìn từ xa chỉ thấy tầng tầng lớp lớp những đỉnh nhọn, các đường dốc mạnh nổi bật hai màu đỏ và vàng kim nhũ. Toàn bộ mái là một cấu trúc phức tạp. Từ dưới lên, thấy rõ ba tầng mái trong đó hai tầng dưới có cùng độ dốc và chênh nhau một độ cao 3- 4 tấc. Đến tầng thứ ba, mái bỗng vút cao lên hình chóp nhọn. Và, không chỉ có thế, ngay phần mái này cũng được phân chia thành 4 cấp, mỗi cấp bên trong cao hơn cấp bên ngoài độ 2- 3 tấc. Để cuối cùng, tấm mái chính giữa được gắn kết thêm hai mái nhọn nữa để trở thành bốn mái, cùng nâng đỡ một trụ tháp gắn tượng Phật quay về bốn hướng. Đỉnh tháp đã ở độ cao 30 mét tính từ nền chùa… Ở tất cả các phần giao tiếp giữa các lớp mái đều có các đường bờ dốc mái, trên gắn các biểu tượng rắn thần Naga cùng những hoạ tiết vân mây, sóng nước hay hoa lá. Nổi bật nhất trên các góc mái chính là các đầu rắn thần vươn lên thành các đầu đao. Phần đuôi rắn vểnh lên trên bờ nóc, cũng làm thành các đầu đao tuyệt mỹ- mà ta thường thấy trên những mũi thuyền, hay mũi ghe ngo trên đất nước Biển Hồ.

Sau ấn tượng hoành tráng ban đầu ở toàn bộ mái, có thể tĩnh tâm ngắm từng chi tiết. Đấy là bốn mặt mái chùa đều có mảng đầu hồi hình tam giác cân nhọn đỉnh, bên trong là bức phù điêu toàn những đường cong, uyển chuyển các khối hình hoa, lá lượn cùng những đài sen hay lá bồ đề. Điểm nhấn ở đây chính là tượng Đức Phật Thích Ca toạ thiền trên toà sen, nổi hẳn ra như một tượng tròn. Tất cả bức phù điêu được khuôn lại trong 3 đường gờ chỉ cũng được chạm nổi những hoa văn Khmer tinh tế. Sau đấy, có thể chú ý đến các bức diềm mái ở phần chuyển tiếp giữa hai lớp mái. Cũng là hoa lá lượn nhưng mật độ thật dày và sắc sảo trên từng đường nét. Thật khó nhận ra đấy là các hình tượng cách điệu từ hoa sen, hay cúc, hay mai.

Một phần không thể bỏ qua nữa là hai mái sảnh ở hai hướng Đông, Tây ngôi chính điện. Mái sảnh như sà xuống thấp, vừa để gần gũi hơn với con người, vừa để tôn lên độ cao mái chính. Vì thế, các chi tiết phù điêu, tượng tròn đặt ở đây cũng cầu kỳ và lạ mắt hơn. Trên mái sảnh có vòm cong giống như bức cuốn thư trong đình chùa Việt, với những hoa văn như sóng lượn. Phía dưới là tượng Thái tử Tất Đạt Đa vừa mới được sinh ra, bước trên những đoá hoa sen. Ở hai bên bức phù điêu dạng vòm này còn được trang trí đầu tượng thần rắn năm đầu và tượng Phật Bayon bốn mặt. Màu sắc cũng đã hoàn chỉnh ở phần sảnh trước, đối diện cổng vào. Màu chủ đạo vẫn là sắc vàng kim nhũ, có thêm một ít xanh dương.

Ở các phần chi tiết kiến trúc khác của chùa, ta cũng sẽ thấy điêu khắc và điêu khắc.. với mật độ thật dày, đủ để hình dung về sự tài hoa và lòng kiên nhẫn. Điêu khắc phủ đầy trên các cột hành lang với các hoạ tiết hình thoi, trên tất cả các ô cửa giả và cửa thật đi vào chính điện. Điêu khắc trên từng hàng lan can kiểu giống như con tiện, nhưng dẹt để dễ chạm khắc cả mặt trước lẫn sau. Điêu khắc còn phủ kín trên bờ tường chân móng với 5- 6 vệt hoa văn khác kiểu, mà kiểu nào cũng đặc sắc và tinh tế… Đây quả là một nơi để những ai ưa thích nghệ thuật tạo hình đến xem và học hỏi! Bốn cột trụ phướn đứng bốn góc sân cũng là bốn tác phẩm điêu khắc kiểu tượng đài với đủ cả chân đế (vuông, nhiều tầng chạm khắc); phần cột tròn xoắn lại bởi đấy chính là thân 4 rắn thần Naga xoắn bện vào nhau, đầu rắn ngạo nghễ vươn lên về bốn hướng. Đuôi rắn kết lại thành bệ đỡ cho tượng chim thần.

Điêu khắc bệ móng và chân cột

Một phần nghệ thuật đặc sắc nữa là nằm trong nội thất. Đấy là các bức bích hoạ đã và đang được vẽ kín trên trần và các mảng tường trong. Tranh có chủ đề dựa theo các truyền thuyết về Đức Phật, bút pháp tả thực gây ấn tượng mạnh bằng những sắc độ màu nguyên rực rỡ. Trong các pho tượng Phật bày trên bàn thờ chính, đáng chú ý là pho lớn nhất, ngự trên bệ cao nhất ở chính giữa. Bệ cao 1,4m, với 3 tầng điêu khắc. Tượng cao 1,8m tả Đức Phật khoác áo cà sa ngồi xếp bằng, tay buông thanh thản. Mặt tượng Phật đẹp và đầy đặn với đôi mắt hơi ngước lên, như nhìn về cõi vô cùng. Phía sau tượng là bức tranh tường vẽ cội bồ đề, nơi Đức Phật từng toạ thiền suốt 49 ngày đêm trước khi thành chính quả.

Điều đáng chú ý là tất cả các kiến trúc điêu khắc kể trên đều do các vị sư, sãi tu ở trong chùa chỉ vẽ cho thợ hoặc tự tay thực hiện. Điển hình là Sư cả Kiên Sô Phát. Ông cũng chính là người tự tạc nên tượng lớn Phật Thích Ca và vẽ khuôn mẫu cho việc đúc từng chi tiết gắn lên các bộ phận kiến trúc. Không phải chi tiết nào cũng thật hoàn mỹ, thế nhưng đa số các chi tiết điêu khắc còn lại đã rất thành công, nhất là các hình tượng rắn thần, chim thần hay các phù điêu, hoa văn chân cột… Tất cả đã biểu lộ một nền văn hoá Khmer đặc sắc, nối dài từ truyền thống Angco đã có tự ngàn năm.

TRẦN VŨ