Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Quần thể di tích lịch sử đình Hưng Lộc và chùa Phúc Lộc, thôn Hưng Lộc, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) có kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Đình Hưng Lộc được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH, TT và DL) công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1993.
Bảo Tháp Đại Bi chùa Phúc Lộc. |
Đình Hưng Lộc thờ Thái úy Phạm Cự Lượng (có nơi gọi là Phạm Cự Lạng) là người có công lớn khi vua Đinh Tiên Hoàng khởi nghiệp, được vua tin dùng giao cai quản thị vệ và bảo vệ hoàng thành. Đến đời vua Lê Hoàn, ông đã tham gia và lập nhiều chiến công trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nam Tống. Khi đang chỉ đạo đào một dòng sông từ Đồng Cổ đến Ba Hòa (Thanh Hóa ngày nay), ông đã lâm bệnh nặng và qua đời. Tưởng nhớ công lao của ông, nhiều địa phương đã lập đền thờ, trong đó có thôn Hưng Lộc. Đình Hưng Lộc được xây dựng từ thế kỷ 14, trải qua 600 năm, các thế hệ dân làng đã dày công tu sửa, tôn tạo để nơi đây trở thành công trình nghệ thuật đặc sắc với những nét kiến trúc mang đậm tín ngưỡng dân gian. Nghệ thuật điêu khắc trang trí ở đình Hưng Lộc khá phong phú, đa dạng trên các chất liệu như đá, gạch, vôi, gỗ với các linh vật như rồng, phượng, lân, voi, hoa lá, con người bằng những thủ pháp chạm nổi, kênh bong, chạm lộng… Đình được xây theo kiểu tiền chữ nhất, hậu chữ đinh, bao gồm tiền tế, trung đình và hậu cung. Khu trung đình treo bức đại tự và đôi câu đối nói về công lao của thành hoàng Phạm Cự Lượng: “Khuông Lê vĩ tích tồn sơn hải/ Bình Tống anh thanh quán cổ kim” (Công lớn phò giúp nhà Tiền Lê, còn tồn tại với nước non, Tiếng vang oai hùng đánh giặc Tống, còn vọng mãi từ xưa đến nay). Hậu cung là khu tập trung nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc độc đáo. Trên bộ vì ván mê trước hậu cung và trước tượng Thái úy Phạm Cự Lượng thể hiện hàng chục con rồng được chạm trổ mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, thời Hậu Lê rất đặc sắc đang uốn lượn sinh động cùng với các con vật như phượng, lân, sóc… Rồng được chạm khắc nổi bật với bờm, tóc, đao mắc bay ngược về sau, thân uốn khúc, xung quanh là mây bay, rùa, phượng, hoa sen. Các con rồng thường không đứng độc lập mà được mô tả với các đề tài, với các con vật khác, với hoa sen, mây… Hình ảnh rồng uốn lượn còn được chạm trổ moi 3 tầng ở đôi cột bằng gỗ lim rất sống động. Nét đặc sắc nghệ thuật chạm khắc còn phải kể đến bức chạm “4 nụ cười dân gian” thể hiện một khóm trúc, đám mây có tiên cưỡi rồng có một nam giới cởi trần, đóng khố đang ôm vai một thiếu nữ. Một người đàn ông nghiêng đầu cười, tay chỉ vào người bạn tình tỏ ý đùa cợt trong khi ông già quay mặt đi với vẻ suy tư. Ngoài ra còn có các bức chạm các cô thôn nữ ngồi trên cốn rất sinh động, thể hiện đời sống, sinh hoạt của người dân. Trong cùng hậu cung đặt bức tượng Thành hoàng Phạm Cự Lượng bằng đồng nặng 800kg trên bệ bằng đá cổ chạm khắc công phu.
Giếng Ngọc chùa Phúc Lộc. |
Nằm ngay cạnh đình Hưng Lộc là chùa Phúc Lộc cũng chứa đựng những nét chạm trổ tài hoa của các nghệ nhân dân gian. Được xây dựng gần 600 năm, đến nay chùa còn lưu giữ một số vật quý như chiếc chuông đồng cổ được đúc vào cuối thế kỷ 17, Giếng ngọc… Chùa Phúc Lộc cũng được Nhà nước và nhân dân nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Từ năm 2010 dân làng và những người con xa quê hương đã khởi công xây dựng Bảo tháp Đại Bi 13 tầng, cao 49m, tổng diện tích 13 tầng là 1.500m2 trong khuôn viên chùa Phúc Lộc, đến nay đang hoàn thiện. Mặt chính của Bảo tháp quay về hướng nam, trước mặt là hồ nước trong xanh hình chữ nhật, hai bên có hai hồ sen nhỏ. Tháp có cấu trúc hình bát giác, chính giữa là khối vuông thông suốt trong mười hai tầng từ tầng 2 đến đỉnh tháp. Đỉnh tháp được thiết kế theo hình búp sen, được đúc bằng đồng đỏ nặng trên 2 tấn có chiều cao gần 3m, đường kính hơn 2m được bài trí xá lợi Phật. Trong tháp sẽ đặt khoảng 150 pho tượng Phật bằng đồng đỏ, trong đó riêng tầng trên cùng sẽ có 11 pho tượng.
Quần thể di tích đình Hưng Lộc, chùa Phúc Lộc xen kẽ tinh hoa nghệ thuật thời xưa và nét kiến trúc hiện đại đã trở thành điểm nhấn thu hút của nhiều nhà khoa học nghiên cứu các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của đình làng Bắc Bộ, góp phần tô điểm thêm truyền thống văn hóa của quê hương Nghĩa Hưng.
Theo NĐO