Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nghệ thuật Tuồng của người xứ Quảng

Cập nhật ngày: 14/12/2010 - 10:17

Với người dân xứ Quảng, từ lâu Tuồng đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu. Tuồng Quảng Nam có nguồn gốc lịch sử và nghệ thuật độc đáo, ra đời từ cái nôi của hai vùng Đức Giáo (Quế Sơn) và Khánh Thọ (Phú Ninh), nhân vật được xem là ông tổ của Tuồng xứ Quảng là cụ Nguyễn Hiển Dĩnh.

Bằng việc thể hiện rõ nét các đạo lý, giáo dục nhân cách con người, nêu các tấm gương tận trung vì đại nghĩa, những bài học về đối nhân xử thế của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc..., Tuồng xứ Quảng thấm đẫm những giá trị nhân văn và những ước mơ, khao khát của con người nơi miền nắng gió.

Trong quá trình tái hiện cuộc sống, Tuồng không có xu hướng tả thực mà chú trọng lột tả cái thần để phù hợp với đời sống tâm linh của con người, không đi sâu vào những chi tiết vụn vặt khi những chi tiết đó không gây được hiệu quả nghệ thuật bằng thủ pháp khoa trương, cách điệu. Tất cả lời nói, động tác, hình thể, sự đi lại trên sân khấu đều được khoa trương, cách điệu để trở thành những điệu hát, điệu nói, điệu múa có nguyên tắc và niêm luật cụ thể.

Để hiểu rõ hơn về tuồng xứ Quảng, một trong những cái nôi của nghệ thuật Tuồng cổ, hãy về các làng quê Quảng Nam vào những dịp đầu xuân, để hòa vào tiếng trống Tuồng đang giục hối hả khắp nơi. Những vở Tuồng được diễn ở thời điểm đầu năm thường mang âm hưởng ca ngợi cái đẹp của cảnh vật, con người, đồng thời đem đến sự an khang thịnh vượng cho dịp đầu năm.

Ở hai huyện Duy Xuyên và Điện Bàn có nhà hát Tuồng với sức chứa vài trăm chỗ ngồi. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về cùng với hội gà đá, bài chòi..., các sân hát của làng đều chật ních người xem. Đây là hình thức hoạt động văn hóa lành mạnh, đậm nét văn hóa dân tộc ở làng quê, là nơi trai thanh gái lịch gặp nhau.

Trở về với vùng trung du Quế Sơn, nơi sản sinh ra gánh hát nổi tiếng Đức Giáo, người dân nơi đây vẫn giữ mãi tình yêu mãnh liệt với Tuồng cho đến hôm nay. Huyện Quế Sơn hiện có 12 câu lạc bộ Tuồng - dân ca; định kỳ 2 năm một lần tổ chức liên hoan nghệ thuật Tuồng - dân ca. Mỗi dịp như thế là một ngày hội để các nghệ sĩ làng quê được sống hết mình với lời ca tiếng hát.

Đến câu lạc bộ Tuồng - dân ca các địa phương, rất dễ gặp hình ảnh các cụ ông, cụ bà nay đã ở tuổi thất thập cổ lai hy vẫn nguyên vẹn tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật Tuồng. Trên sân khấu chỉ có vài đạo cụ trong tay, cùng dàn âm thanh, ánh sáng, trống, kèn, vẫn cất vang giọng hát, vẫn hóa thân vào những nhân vật huyền thoại. Cũng ở những câu lạc bộ này, không hiếm gặp những diễn viên nhỏ tuổi đầy triển vọng, là lực lượng kế thừa đầy tiềm năng, đã dẫn dắt người xem một cách thuyết phục bằng giọng hát, điệu bộ và diễn xuất điêu luyện. Những nghệ sĩ đam mê với nghệ thuật Tuồng rất vui mừng khi biết rằng sau mình vẫn còn một đội ngũ kế cận giữ lửa cho Tuồng.

Về Quế Sơn nghe những âm điệu ngọt ngào của Tuồng, qua những diễn viên chân đất của làng quê mới thấy hết niềm đam mê của họ với nghệ thuật truyền thống. Trong xu thế phát triển hiện nay của đời sống, nghệ thuật Tuồng vẫn là một sản phẩm du lịch độc đáo không thể bỏ qua. Thời gian qua, với sự nỗ lực và cố gắng hết mình, nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) đã học hỏi và kế thừa được vốn Tuống cổ khá đồ sộ của các bậc thầy giàu kinh nghiệm. Những nỗ lực đó đã đem về cho nhà hát những thành công, tổ chức nhiều buổi biểu diễn phục vụ các đoàn khách quốc tế, được một số công ty lữ hành đưa vào chương trình tour du lịch giới thiệu với khách. Để đưa được loại hình nghệ thuật Tuồng đến với du khách, nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã tập trung xây dựng nhiều sản phẩm như phòng bảo tàng và trưng bày nghệ thuật Tuồng, xây dựng các tiết mục đặc sắc mang đậm nét văn hóa đất Quảng như vũ điệu Apsara, múa Trình tường, múa Sắc bùa.

Ngày nay, Quảng Nam đã có nhiều đội Tuồng ở các địa phương, hoạt động rất sôi nổi và hiệu quả. Để những ai đi xa xứ, mỗi lần được nghe câu hát Tuồng, hay trở về quê trong những ngày đầu xuân lòng lại cảm thấy nhẹ nhõm như một phần quê hương vẫn còn trong máu thịt và càng yêu mến môn nghệ thuật này hơn.

Với loại hình nghệ thuật Tuồng truyền thống giàu tính văn hóa và đậm đà bản sắc dân tộc như thế, chúng ta cần có hướng phát huy để giữ gìn được nét độc đáo không thể nhầm lẫn của cả dân tộc. Thông qua việc giới thiệu nghệ thuật Tuồng, chúng ta có thể quảng bá văn hóa Việt Nam đến với bạn bè thế giới, đồng thời khai thác vốn nghệ thuật quý báu này đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

K.D (st)