Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Mặc dù đã được Phòng Giáo dục huyện Tân Biên cho phép nghỉ dưỡng bệnh 8 tháng, thế nhưng đến nay, chị Hằng vẫn chưa được thanh toán tiền bảo hiểm xã hội (BHXH).
Chị Lương Thị Minh Hằng, giáo viên Trường tiểu học Thạnh Bình A (xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên) gửi đơn đến Báo Tây Ninh “kêu cứu” vì không được giải quyết chế độ bảo hiểm. Mặc dù đã được Phòng Giáo dục huyện Tân Biên cho phép nghỉ dưỡng bệnh 8 tháng, thế nhưng đến nay, chị Hằng vẫn chưa được thanh toán tiền bảo hiểm xã hội (BHXH).
Hoàn cảnh đáng thương
Chị Hằng kể về trường hợp của mình. |
Chị Lương Thị Minh Hằng, 46 tuổi, quê ở Hải Phòng, vào Tây Ninh sinh sống từ năm 1996. Chị đã có thâm niên 13 năm là giáo viên ở Trường TH Thạnh Bình A và nhiều năm đạt danh hiệu Lao động giỏi cấp huyện. Hiện tại, hoàn cảnh gia đình của chị gặp nhiều khó khăn, cả nhà đều sống nhờ vào đồng lương công nhân viên chức. Chồng chị làm nhân viên bảo vệ ở Trường THCS Thạnh Bình, mức lương chưa đến một triệu đồng/tháng. Đứa con lớn của chị phải làm công nhân, thu nhập cũng chỉ đủ để nuôi sống bản thân. Người con kế, đã nghỉ học, đang thất nghiệp, đứa con út đang là học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (Thị xã). Các khoản thu nhập của gia đình chị Hằng hết sức khiêm tốn lại phải lo cho việc học của con…
Hơn chục năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, thì năm 2008 chị Hằng phát hiện chị mắc bệnh ngặt nghèo (lao phổi). Phòng Giáo dục huyện Tân Biên giải quyết cho chị nghỉ dạy học và điều trị bệnh tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tân Biên từ ngày 11.8.2008 đến 10.4.2009 (8 tháng). Hồ sơ điều trị bệnh của chị Hằng có rất nhiều như: giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ BHXH, phiếu bệnh lý điều trị, phiếu xét nghiệm đờm (với kết quả dương tính), phiếu điều trị có kiểm soát, phiếu giãn gia kiểm tra hoá trị liệu ngắn ngày tại nhà bệnh nhân, thẻ bệnh nhân, giấy thử phản ứng thuốc, giấy cam kết... Trong thời gian chị Hằng nghỉ điều trị bệnh, Phòng Giáo dục huyện Tân Biên đã cắt tiền lương của chị và chuyển sang hưởng 75% lương theo Luật BHXH. Thế nhưng, sau thời gian trị bệnh, chị Hằng trở lại làm việc và nhiều lần đến các cơ quan chức năng để thanh toán tiền chế độ BHXH (bằng 75% mức lương), nhưng đều bị từ chối vì không có phiếu hội chẩn hoặc giấy ra viện.
Trao đổi với chúng tôi, chị Hằng không kiềm được nước mắt kể: “Từ đó đến nay đã nửa năm rồi mà tôi vẫn chưa được thanh toán tiền chế độ BHXH. Trong hơn mười ba năm qua, tháng nào tôi cũng đóng tiền BHXH. Cuộc sống gia đình tôi đang lâm vào cảnh bế tắc, chế độ BHXH không biết phải tìm đến cơ quan nào để kêu cứu đây?”.
Không cơ quan nào nhận trách nhiệm (!?)
Ngày 16.10.2009, chúng tôi đã tìm đến cơ quan chức năng và trình toàn bộ hồ sơ của chị Hằng. Anh Lê Hữu Thanh, Phó Giám đốc BHXH huyện Tân Biên trả lời như sau: “Theo Luật BHXH quy định, các bệnh điều trị dài ngày phải có phiếu hội chẩn của bệnh viện mới được giải quyết chế độ. Trường hợp của chị Hằng, chúng tôi đã xin ý kiến của BHXH tỉnh và cũng được hướng dẫn như vậy. Tôi đã tham khảo hồ sơ của chị Hằng cung cấp, nhưng các giấy tờ ấy vẫn không thể thay thế phiếu hội chẩn được. Nếu chúng tôi áp dụng những giấy tờ tương đương đó để trả tiền bảo hiểm cho chị Hằng, khi BHXH Việt Nam kiểm tra, phải xuất toán thì ai chịu trách nhiệm?”.
Trong khi đó, anh Phạm Thành Ngầu, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ của Trung tâm Y tế huyện Tân Biên lại nói: “Chúng tôi đã làm đúng quy trình hồ sơ điều trị cho một bệnh nhân lao. Đối với bệnh nhân điều trị lao, trường hợp bệnh nặng, có kháng huyết hoặc chẩn đoán chưa xác định mới cho nhập viện. Còn bệnh thông thường thì không cần phải nhập viện mà chỉ xét nghiệm đàm (đờm), nếu chưa thấy thì chụp X – quang. Trong trường hợp vẫn chưa xác định được bệnh thì mới hội chẩn. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi không có chức năng hội chẩn, muốn hội chẩn phải chuyển lên tuyến trên là Trung tâm Phòng chống bệnh phổi tỉnh Tây Ninh (Bệnh viện A2 cũ). Nếu đã xác định được nguyên nhân thì điều trị ngay mà không cần hội chẩn. Vì vậy, cơ quan BHXH yêu cầu chị Hằng phải có biên bản hội chẩn hoặc giấy ra viện là không thể được. Bởi vì trường hợp của chị Hằng đã xác định được bệnh rồi thì đâu cần phải hội chẩn. Và khi nào bệnh nhân nằm điều trị tại bệnh viện thì mới có giấy xuất viện. Chị Hằng điều trị ngoại trú thì làm gì có giấy xuất viện? Về mặt chuyên môn, chúng tôi đã làm đúng và làm hết chức năng của mình”.
Như vậy, cơ quan thì khăng khăng bảo rằng mình giải quyết đúng theo Luật BHXH, còn cơ quan thì lại khẳng định đã làm đúng và hết chức năng. Ngành Y tế và cơ quan BHXH “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” để người lao động phải hứng chịu thiệt thòi! Qua sự việc này, rất mong hai cơ quan trên sớm “ngồi lại với nhau” tìm cách tháo gỡ vướng mắc cho chị Lương Thị Minh Hằng.
Ông Võ Văn Kham, Hiệu trưởng Trường TH Thạnh Bình A bức xúc nói: “Tôi đã trực tiếp đi gõ cửa các ngành, nhưng không giải quyết được. Theo tôi, cô Hằng phải được hưởng chế độ theo quy định của Luật Lao động. Tôi hết sức ray rứt khi để cán bộ mình bị thiệt thòi nhưng vẫn không tìm ra cách giải quyết. Đây là sự bất cập của hai ngành Y tế và BHXH. Ý kiến ông Lê Hùng, Trưởng Ban Chính sách- Kinh tế - Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh Tây Ninh cho biết: “Khoản 2, Điều 112, Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 ngày 29.6.2006, đã được sửa đổi bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10, ngày 25.12.2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10, quy định rõ: Hồ sơ chế độ ốm đau gồm: Giấy xác nhận nghỉ ốm đối với người lao động điều trị ngoại trú, giấy ra viện đối với người lao động điều trị nội trú tại cơ sở y tế, giấy ra viện hoặc phiếu hội chẩn của bệnh viện đối với người lao động mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày. Như vậy, căn cứ vào quy định này tôi đề nghị cơ quan BHXH xem xét, giải quyết theo luật định để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động”. |
TRƯƠNG DƯƠNG