Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Góc nhìn

Nghỉ hè mùa dịch 

Cập nhật ngày: 05/07/2021 - 06:28

BTN - Mùa hè 2021 diễn ra trong tình hình dịch bệnh phức tạp là điều không ai mong muốn. Trong tình cảnh này, các bậc cha mẹ có thể coi đây là một cơ hội giáo dục cho con cái những bài học thực tế.

Mùa hè của trẻ quê (ảnh minh hoạ)

Ðại dịch Covid-19 đã làm xáo trộn cuộc sống của mọi người. Từ sau tết nguyên đán, chị Lan lên kế hoạch, đặt tour du lịch khi các con nghỉ hè- phần thưởng chị đã hứa cho các con nếu chăm ngoan, học giỏi.

Dịch bùng phát trở lại, các con phải nghỉ hè sớm khiến chị không khỏi lúng túng, phải huỷ tour và cũng chưa biết việc cho con tham gia các lớp học năng khiếu có thực hiện được hay không; quản lý con như thế nào, cho con học gì, chơi gì để con vừa được nghỉ ngơi thoải mái vừa có thêm những trải nghiệm ý nghĩa, bổ ích. Ðây cũng là băn khoăn của đa số phụ huynh trong mùa hè năm nay- một mùa hè đầy lo lắng.

Có lẽ rất nhiều người “hoài niệm về những mùa hè cổ tích” của thế kỷ trước. Mùa hè là sự mong đợi, niềm vui của cả học sinh và phụ huynh. Gần 3 tháng hè, học sinh không phải đến trường, được vui chơi cùng bạn bè, nếu ở nông thôn thì có thời gian phụ giúp gia đình chăn trâu, cắt cỏ, gánh nước, chăm sóc hoa màu, giữ em…

Trẻ ở thành thị thì đi thư viện đọc sách, tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao, phụ giúp gia đình những việc lặt vặt. Trước ngày khai giảng, trẻ cùng đến trường dọn vệ sinh, lau chùi bàn ghế, trồng cây chuẩn bị đón năm học mới.

Sang thế kỷ XXI, mọi thứ dần thay đổi. Khoảng 15 năm trở lại nay, mỗi khi đến hè, phụ huynh vất vả tìm chỗ học thêm cho con, gửi con về quê... Cả mùa hè, trẻ em cũng phải đối mặt với chuyện học hành, thi cử. Hè không còn là sự mong đợi, ước ao của cả con cái và cha mẹ.

Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đã hạn chế sự đi lại của con người. Mọi kế hoạch, dự tính trong hè đều đổ vỡ; những chuyến đi cũng phải tạm gác vì giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Mỗi gia đình một hoàn cảnh.

Những gia đình bận rộn với công việc mưu sinh thì không biết gửi con nơi nào. Gia đình khá giả cũng lo lắng đủ điều, vì không biết quản lý con như thế nào, cho con chơi gì, lúc nào thì có thể đi học thêm… Tất cả dường như bất định và không thể lường trước được.

Nghỉ hè, trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, trẻ không thể ra ngoài, phải ở nhà nhiều ngày dễ dẫn đến nhiều hệ luỵ. Trước hết, “đồng hồ sinh học” bị đảo lộn. Trong năm học, thời gian thức dậy, nghỉ trưa, ngủ buổi tối, ăn uống đã có giờ giấc, thành thói quen; nay “ở không”, nhiều em ngủ nướng, không ngủ trưa, tối ngủ muộn.

Nghỉ nhiều, ít áp lực học hành làm trẻ trở nên lười biếng, không thiết tha với việc học bài, ôn tập. Suốt ngày ở trong nhà khiến trẻ thèm ăn, ăn vặt nhiều hơn dẫn đến béo phì, tăng cân. Nghỉ ở nhà dài ngày, thiếu kết nối với bạn bè, thầy cô, tách khỏi hoạt động xã hội, nhiều em lười giao tiếp, ngại tiếp xúc với người ngoài có thể dẫn đến trầm cảm.

Dịch bệnh phức tạp, giãn cách xã hội có thể gây cho trẻ những phản ứng lo lắng, bực bội, dễ cáu gắt, nảy sinh xung đột với những người xung quanh. Rảnh rỗi, buồn chán, nhiều em tìm đến mạng xã hội, internet để giải khuây, nếu kéo dài dễ gây nghiện và có tác động xấu. Nếu cha mẹ cấm đoán lên mạng, trẻ rất dễ nổi nóng, cáu gắt, phản ứng tiêu cực.

Ðây là thời điểm nhạy cảm, cần sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, người thân, giúp trẻ giải toả tinh thần, hiểu được dịch bệnh là bất khả kháng, biết chấp nhận khó khăn, có tư duy tích cực và linh hoạt, tạo điều kiện cho các em được giao lưu, tương tác, giải phóng năng lượng, vượt qua khủng hoảng…

Kỳ nghỉ hè năm nay, gia đình lại càng phải quan tâm, chăm sóc con nhiều hơn để giúp con cái cân bằng tâm lý, sức khoẻ. Trong thời điểm “nhạy cảm”, phụ huynh cần theo dõi, liên hệ, phối hợp với các tổ chức đoàn thể, xã hội ở địa phương để cho con tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, văn nghệ, thể dục thể thao như học bơi, học múa, hát, sinh hoạt Ðội… trong điều kiện cho phép.

Cần kết nối với nhà trường để động viên, khuyến khích con tham gia các hoạt động trực tuyến do trường tổ chức. Cha mẹ cần yêu cầu trẻ dậy đúng giờ, cùng tập thể dục, tăng cường trò chuyện với con cái.

Chị Hoài ở phường 3, TP.Tây Ninh chia sẻ kinh nghiệm: những ngày hè như thế này là cơ hội để chị dạy con làm việc nhà, nội trợ. Cháu lớn được phân công những việc khó như lau nhà, giặt đồ, lên thực đơn cho bữa ăn; cháu nhỏ làm các việc nhỏ như dọn, rửa chén bát, lau bàn ghế, tưới hoa.

Chị tạo điều kiện và khuyến khích các con cùng vào bếp, chuẩn bị những món ăn mà con yêu thích với vai trò là cố vấn, người hướng dẫn. Không cầu toàn, luôn dành cho con những lời khen khi con hoàn thành công việc.

Khi mua hàng online, chị cho các con cùng tham gia xem hàng, lựa chọn, chốt giá và thời điểm giao hàng, chờ nhận hàng. Dạy con làm việc nhà, nội trợ sẽ giúp con hình thành tính tự lập, biết quan tâm, chia sẻ và có thêm kỹ năng sống.

Còn chị Hoàng Hương ở Tân Biên cho biết, hè năm nay dịch bệnh không thể đưa con về thăm ngoại, chị dành thời gian dạy thêm cho con ngoại ngữ, vi tính. Vừa rồi, chị đăng trên tài khoản facebook “Tác phẩm đầu tay của anh Hai”, là văn bản trình bày một bài thơ, có hình ảnh minh hoạ của con chị, được nhiều bạn bè tán thưởng khiến con chị rất vui, tự tin.

Trong điều kiện giãn cách xã hội, con cái không thể tụ tập với bạn bè, cha mẹ vẫn có thể tổ chức các trò chơi, hoạt động giải trí bổ ích cho trẻ tại nhà như cùng xem phim, hát karaoke… cũng có thể cho con tự làm các video clip về nấu ăn, văn nghệ, thể dục thể thao, sau đó cha mẹ nhận xét, đánh giá và khen thưởng.

 Mùa hè 2021 diễn ra trong tình hình dịch bệnh phức tạp là điều không ai mong muốn. Trong tình cảnh này, các bậc cha mẹ có thể coi đây là một cơ hội giáo dục cho con cái những bài học thực tế. Dạy con biết giữ gìn sức khoẻ, bảo vệ an toàn bản thân, biết quan tâm, chia sẻ, yêu thương, có trách nhiệm với bản thân và xã hội, biết tôn trọng pháp luật.

D.M