Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hôn nhân của người Mường mang đậm nét văn hoá truyền thống tộc người, phản ánh sự thừa nhận của cộng đồng đối với việc kết hôn của đôi trai gái. Quá trình diễn ra hôn lễ được tổ chức chu đáo theo một trình tự nghi thức chặt chẽ, trong đó các nghi lễ trước đám cưới cũng được người Mường rất coi trọng.
Thăm dò, tìm hiểu
Đây là bước đầu tiên, tuy không phải là chính thức song việc tìm hiểu gia đình hai bên, đặc biệt là gia đình cô gái, có ý nghĩa quan trọng, mở đầu cho cuộc hôn nhân có thành hay không.
Sau khi đã tìm hiểu kỹ về cô gái cũng như gia đình của cô, bố mẹ chàng trai đến nhờ thầy cúng (thầy Clượng) xem ngày tốt để đến nhà gái đặt vấn đề tìm hiểu và đi đến hôn nhân. Một số gia đình còn nhờ thầy cúng xem số của một vài ứng cử viên có thể nhờ làm người làm mối (chí mờ) có hợp tuổi với con trai mình hay không để chọn với mong muốn hôn nhân của con trai được dễ dàng, không gặp cản trở, khó khăn.
Khi đã thống nhất, gia đình chàng trai làm một mâm cơm mời người làm mối đến ăn uống và có lời nhờ giúp. Bước đầu tiên trong công việc của mình, người làm mối tìm đến nhà cô gái để ướm hỏi. Lần đi đầu tiên này, người làm mối đi một mình và không cần xem ngày giờ, miễn sao đến được nhà gái vào lúc trời đã tối và không phải đem theo lễ vật gì, chỉ với mục đích thăm nhà cửa gia đình cô gái.
Đặt vấn đề
Đến ngày lành tháng tốt, ông mối được nhà trai chuẩn bị cho một chai rượu trắng, một bó chè xanh gói trong lá chuối, hai cây mía đến nhà gái đặt vấn đề. Trong nghi lễ này, người ta kiêng không mang rượu màu mà chỉ mang rượu trắng bởi thể hiện sự trinh tiết, trong trắng của cô gái, còn nếu dùng rượu màu sẽ bị hiểu nhà trai khinh miệt cô gái. Chè xanh vốn là thứ nước uống yêu thích của người Mường, có mặt trong các nghi lễ hôn nhân bởi biểu hiện cho sự mong muốn hạnh phúc gia đình mãi mãi xanh tươi. Hai cây mía biểu tượng cho sự ngọt ngào, hạnh phúc, không thể tách rời.
Đúng giờ đã hẹn, nhà gái với sự hiện diện của bố mẹ, ông, bà, chú, bác, cô, dì… ngồi đợi nhà trai đến, đồng thời cử người ra cổng chờ sẵn để đón lễ vật và mời ông mối vào nhà. Chiếu trải tiếp ông mối ở gian ngoài cùng nơi dùng để tiếp khách, chủ khách được phân ngôi vị trí rõ ràng. Thành phần chỉ hạn định là những thành viên trong gia đình, bố cô gái trực tiếp trao đổi với chí mờ, nếu bố cô gái đã chết thì người anh cả sẽ đứng ra đảm nhận trách nhiệm này. Nếu anh trai chưa có gia đình thì bác ruột hoặc chú ruột thay thế.
Ông mối bằng ngôn từ rõ ràng, mạch lạc đặt vấn đề với nhà gái. Lúc này nhà gái tuy đã đồng ý, song vẫn phải cảm ơn nhà trai đã thương con gái mình và xin ông mối để đồ lễ lại để còn hỏi ý kiến của anh em họ hàng, dòng tộc, đặc biệt là của trưởng họ. Ông và gia đình nhà gái uống dăm ba chén rượu rồi ông ra về và không quên lời nhắn mong muốn sớm nhận được câu trả lời.
Ngay sau đó, bố mẹ cô gái mời ông bà nội, các con đẻ của mình, các anh em ruột và trưởng họ đến để bàn bạc, chuẩn bị hôn sự cho cô gái.
Theo tục lệ xưa, sau khi nhà trai đến ướm hỏi, nếu nhà gái đồng ý thì sau ba ngày ba đêm nhà gái sẽ trả lại nhà trai vỏ chai và túi nhảng. Trường hợp không đồng ý, nhà gái sẽ trả lại nhà trai toàn bộ đồ lễ.
Chính thức nhận lời gả con gái
Sau buổi đặt vấn đề chừng 5 đến 7 hôm, nếu nhà gái đồng ý sẽ thông báo với người làm mối để nhà trai chuẩn bị bước tiếp theo, gọi là Chính thức nhận lời.
Chọn được ngày lành tháng tốt, gia đình nhà trai chuẩn bị lễ vật để sang nhà gái bàn bạc việc hôn lễ. Lễ vật mang theo khá đơn giản, song từng vùng có sự khác nhau. Ở Lạc Sơn (Hoà Bình) thường chuẩn bị một gánh (đam) bánh chưng gồm 12 chiếc và 2 chai rượu. Ở Kim Bôi, nhà trai chuẩn bị 2 chai rượu trắng, 2 gói bánh khảo, 4 chiếc bánh chưng, 20 quả cau và 20 lá trầu để ông mối sang thưa chuyện cùng nhà gái…
Nếu như trong nghi thức cưới của người Kinh không thể thiếu bánh phu thê thì với người Mường bánh chưng là rất quan trọng. Theo quan niệm của người Mường, chỉ bánh chưng không có nhân, không có muối mới được sử dụng trong các nghi thức hôn lễ bởi bánh chưng có nhân biểu hiện cô gái đó đã từng có gia đình, đã có thai trước hôn nhân hoặc không còn trinh tiết; bánh chưng cho muối mặn thì sau này hai họ dễ xảy ra xô sát.
Tuy nhiên, dù có khác nhau về lễ vật song ở Mường nào cũng vậy, khi đi lễ chính thức nhận lời bên nhà gái cũng như các bước tiếp theo, ông mối luôn phải mang chai rượu trắng để trong túi nhảng (loại túi được may bằng vải, có quai). Giống như các nghi lễ hôn nhân của người Kinh, “Miếng trầu mở đầu câu chuyện”, có nó nhà trai có thể dễ dàng bàn bạc việc cưới xin. Vì thế trầu cau được sử dụng trong các nghi lễ hôn nhân với mong muốn tình cảm vợ chồng luôn quấn quýt, mãi mãi gắn bó keo sơn, không thể tách rời, ngay cả khi đã chết.
Trong nghi lễ này, nhà gái gồm có trưởng họ, các chi trưởng tộc họ nhà gái, anh em ruột của ông nội, toàn bộ chủ gia đình của con cháu do những người này sinh ra đều có mặt đông đủ để đón tiếp đoàn nhà trai. Hôm đó, nhà gái chính thức nhận lời qua chí mờ đồng ý gả con gái và nhận thông gia với nhà trai, đồng thời cũng đưa ra yêu cầu về đồ lễ chuẩn bị cho nghi thức tiếp theo.
Kể từ đấy hai gia đình mặc nhiên là thông gia, các con được phép thường xuyên thăm hỏi nhau.
Theo langviet