BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nghị lực của chàng trai khiếm thị 

Cập nhật ngày: 21/06/2021 - 00:02

BTNO - “Gia đình tôi có 11 người con thì hết 5 người con trai bị khiếm thị. Những người anh của Minh Tâm đều không có điều kiện đến lớp nên không biết chữ. Chỉ có Minh Tâm và người anh kế của nó được học tại Trung tâm Khiếm thị của tỉnh. Nhưng anh nó cũng hết lớp 9 rồi thôi, có mình nó học lên đến Đại học, rồi giờ có việc làm ổn định. Thiệt mừng lắm”, ông Lê Văn Thạch - cha của Minh Tâm nói về cậu con trai út.

Chàng trai khiếm thị Minh Tâm có thể sử dụng được 7 loại nhạc cụ.

Anh Lê Minh Tâm (ngụ xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành) năm nay 31 tuổi. Từ khi sinh ra, Minh Tâm không may đã bị khiếm thị. Hiện tại, Minh Tâm đang làm việc tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị (Sở Lao động Thương binh và Xã hội). Để có được thành quả đó, là chặng đường nỗ lực tự vươn lên miệt mài hơn 20 năm qua của chàng trai khiếm thị Minh Tâm. 

Minh Tâm nhớ lại, năm 2000, Trung tâm Nuôi dạy trẻ Khiếm thị tỉnh mở lớp dạy đầu tiên. Đó cũng là khi Tâm bước vào lớp 1 nội trú. Cậu học trò nhỏ Minh Tâm bắt đầu làm quen với bảng chữ nổi, với những nốt nhạc đồ, rê, mi…

Mỗi cuối tuần, Minh Tâm và anh trai được cha đón về nhà. Cứ đều đặn vậy 5 năm, Tâm hoàn thành chương trình Tiểu học. Nhưng những năm đó, các trường THCS ở Tây Ninh chưa thực hiện dạy hòa nhập cho học sinh khiếm thị. Để các em có điều kiện học lên tiếp, Ban Giám đốc của Trung tâm đã phải liên hệ với Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (thành phố Hồ Chí Minh). Minh Tâm cùng anh trai được đưa đi thành phố học. 

“Học hết lớp 9 thì anh trai tôi về Tây Ninh. Tôi một mình ở lại Sài Gòn tiếp tục học lên chương trình THPT và Đại học. Càng học lên cao, khó khăn càng nhiều, nhất là những năm Đại học. Vì mình học chương trình hoàn toàn giống như những người sáng mắt. Vừa đi làm thêm vừa đi học, áp lực nhiều khi tưởng như không vượt qua được. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, mọi khó khăn đều qua hết”, Minh Tâm chia sẻ. 

Sau những nỗ lực vươn lên, Minh Tâm đã thực hiện được ước mơ làm thầy giáo của mình.

Hơn 10 năm ở thành phố là 10 năm Minh Tâm tự mày mò học, tự lao động để có tiền trang trải cho cuộc sống xa nhà. Cứ sau những giờ học ở trường, Minh Tâm lấy vé số đi bán để có khoản tiền chi tiêu cho bản thân. Thời gian còn lại, Tâm tập trung hết cho việc học.

Không chỉ tập trung vào học chính khóa, Tâm tranh thủ những năm ở thành phố tiếp thu thật nhiều kiến thức về công nghệ thông tin, tạo nền tảng kiến thức vững vàng về tin học sau này. Thời gian còn lại, Minh Tâm tranh thủ nhận dạy kèm miễn phí âm nhạc cho những bạn nhỏ khiếm thị khác. Thời gian, với Minh Tâm dường như không bao giờ đủ. 

Năm 2016, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Minh Tâm xin vào dạy tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ Khiếm thị của tỉnh - ngôi trường đầu tiên và là nơi hun đúc giấc mơ được đi học, được đi làm trong anh. 

“Từ ngày học ở Trung tâm, tôi luôn nuôi ước mơ, một ngày nào đó được trở lại đây làm việc, được giảng dạy cho những em nhỏ khiếm thị như mình. Chính ước mơ đó, đã giúp tôi vượt qua mọi trở ngại, giúp tôi vững bước trước mọi khó khăn. Hiện nay, tôi đang phụ trách việc dạy nhạc, vi tính và hỗ trợ kèm hòa nhập cho các em ở Trung tâm. Với tôi, ước mơ ngày xưa đã thành hiện thực. Tôi thấy vậy là mình đã may mắn và rất hạnh phúc”, Minh Tâm cười tươi, nói. 

Không sáng mắt, nhưng Minh Tâm được trời phú cho khả năng cảm âm tốt và chất giọng đầy nội lực, truyền cảm. Hiện tại, dù đã có việc làm ổn định, thu nhập có thể tự lo cho bản thân, nhưng, ngày ngày, chàng trai khiếm thị vẫn mang lời ca tiếng hát của mình cùng chị gái đi bán vé số trên các ngã đường.

Sau những giờ đi dạy, Minh Tâm đi bán vé số để có thêm chí phí tự lo cho bản thân.

Tâm nói: “Cũng nhờ mình biết nhạc, có giọng hát nên tôi vừa hát vừa bán. Nhiều người nói, trước giờ chưa mua vé số nhưng nghe giọng tôi hát hay nên mua ủng hộ. Trung bình, mỗi ngày tôi và chị bán khoảng 200 tờ vé số, chia ra mỗi người được 100 tờ. Số tiền này tôi dùng để lo cho việc đi lại của mình”. 

Với Minh Tâm, cuộc sống là nỗ lực không ngừng nghỉ. Nhìn lại chặng đường đã qua mới thấy hết nghị lực sống của chàng trai trẻ: dù khiếm khuyết một phần thân thể, nhưng có quyết tâm chắc chắn sẽ thành công! 

Ngọc Diêu – Hòa Khang