Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Nghị lực của cô gái khiếm thị
Chủ nhật: 06:00 ngày 22/04/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - 7 năm tham gia thi đấu thể thao người khuyết tật ở môn bơi lội, Phan Thị Gái đạt 2 huy chương vàng, 12 huy chương bạc, 3 huy chương đồng cấp toàn quốc.

(BTNO)- Cô Cù Thị Lan Hà- Giám đốc Trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh cho biết: Phan Thị Gái (em còn có tên khác là Thuý Ái, do các cô ở trung tâm đặt cho) sinh năm 1987, gia đình nghèo lại đông con nên ba mẹ Gái không thể lo cho em đầy đủ. Năm 5 tuổi, Gái bị bệnh nặng, từ đó đôi mắt của em mờ dần rồi không thấy được gì. Từ lúc vào đây, Gái nỗ lực rất nhiều, trong mọi công việc đều rất tích cực, em rất có ý thức trong học tập, học nghề. Gái như là người chị cả chăm sóc đàn em nhỏ. Hướng dẫn các em làm vệ sinh cá nhân, vệ sinh phòng ngủ, giúp đỡ các em ăn, ngủ, chuyện học hành. Ngoài ra, Gái còn là một “cây văn nghệ” của Trung tâm, đặc biệt em hát ca cổ rất hay…

Gần một tiếng đồng hồ trò chuyện cùng cô Hà, chúng tôi mới gặp được Phan Thị Gái sau một ca massage vật lý trị liệu cho khách quen. Trải lòng mình, Gái cho biết: lúc 5 tuổi phát hiện lờ mờ (lúc thấy, lúc không), ba mẹ nghi em bệnh về mắt nhưng lúc đó nhà nghèo, ăn còn không đủ lấy đâu ra tiền chữa trị. Khi em được 11 tuổi, ba mẹ vay tiền đưa em đi khám ở Bệnh viện mắt TP. Hồ Chí Minh. Sau 3 lần phẫu thuật, bác sĩ kết luận mắt em không còn chữa được. Lúc đó em suy sụp dữ lắm, chỉ biết khóc vì từ đây em vĩnh viễn không còn cơ hội được nhìn thấy ánh sáng nữa. Niềm khát khao được đến trường như bao bạn cùng trang lứa rồi đây không thể thành hiện thực.

Phan Thị Gái (giữa) trong ngày hội biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi tiêu biểu

 tỉnh Tây Ninh, lần I.2012

Gái nói tiếp: khi đó em mặc cảm, suốt ngày trốn trong nhà, nghĩ mình chỉ là gánh nặng của gia đình. Dẫu không nhìn thấy nhưng em biết ba mẹ nhọc nhằn hơn gấp bội vừa lo chuyện mưu sinh nuôi 5 đứa em vừa kiếm tiền trả nợ.

Năm 2000, may mắn là Gái được cán bộ Hội phụ nữ vận động em đến học tại Trung tâm khiếm thị Tây Ninh. Gái mừng lắm, bởi em được thỏa niềm khát khao đến trường, cũng là để ba mẹ bớt đi gánh nặng phần nào.

Ngày khai trường, buồn vui xen lẫn. Bước vào “ngôi nhà” mới, Gái bắt đầu học cách hòa nhập với những bạn đồng cảnh ngộ. Háo hức nhất là ngày Trung tâm đưa đi học chữ, em bắt đầu biết con chữ qua chữ nổi (Braille), miệt mài, siêng năng rèn luyện. Những kiến thức về toán học, về văn hóa… được Gái tiếp thu rất nhanh. Trong suốt 9 năm học ở cấp tiểu học, THCS Phan Thị Gái luôn là học sinh giỏi. Cô Hà cho biết thêm: em Gái rất siêng năng, cái nào không biết thì hỏi bạn, hỏi thầy cô liền. Những lúc rảnh em lên Thư viện của Trung tâm tìm tài liệu để học, để mở mang kiến thức. Gái rất chịu khó đọc sách báo dành cho người khuyết tật.

Không nghề nào Trung tâm mở mà Phan Thị Gái không tích cực học, chẳng những học cho biết mà rất giỏi và thành thạo trong các công đoạn của nghề mình học, từ xe nhang, dệt chiếu, dệt thảm đến xâu chuỗi hạt, các đồ lưu niệm…

Bên cạnh học văn hóa, để kiếm thêm thu nhập, từ hè năm 2006, Gái tham gia lớp nghề masaage – xoa bóp tại Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Hóc Môn (TP.Hồ Chí Minh). Đến năm 2008, em thành thạo nghề, cùng lúc đó Trung tâm khiến thị của tỉnh mở phòng massage, Phan Thị Gái trở thành nhân viên có tay nghề tốt nhất ở trung tâm, được nhiều khách hàng nữ tín nhiệm.

Cô Trầm Thị Thanh Lan (thị trấn Hoá Thành) một khách quen của Trung tâm cho biết: hàng tuần cô đều đến đây massage, vừa khỏe khoắn người vừa thấy tinh thần rất thoải mái. Ở đây các em làm rất tốt, nhất là cháu Gái có tay nghề rất giỏi, làm rất tận tình cho khách. Sau mấy lần đầu massage thấy hiệu quả, cô Lan mách cho nhiều người bạn đến đây. Cô Lan cho biết thêm, “qua trò chuyện, tâm sự tôi quý Gái từ lúc nào không biết, thỉnh thoảng tôi đưa Gái và nhiều em khác về nhà mình chơi, làm các món ăn đãi các cháu. Qua cháu Gái mà tôi thấy gắn bó và đã vận động hỗ trợ cho Trung tâm mấy năm nay”.

Trong những lần đưa các em bơi lội để rèn luyện sức khỏe, Trung tâm mới phát hiện Gái có năng khiếu bơi. “Vì vậy, chúng tôi động viên em rèn luyện. Từ đó, em luôn đạt những thành tích cao trong môn thể thao này”- cô Hà phấn khởi cho hay.

7 năm tham gia thi đấu thể thao người khuyết tật ở môn bơi lội, Phan Thị Gái đạt 2 huy chương vàng, 12 huy chương bạc, 3 huy chương đồng cấp toàn quốc. Đáng nói nhất là tại Paragame 23 vào tháng 7.2011 vừa qua ở Indonesia, Phan Thị Gái tiếp tục giành huy chương bạc ở bộ môn bơi lội này.

Từ chỗ nghĩ mình chỉ là gánh nặng của gia đình, xã hội, vượt qua bao mặc cảm, Gái không chỉ chăm lo cho bản thân mình mà còn tự kiếm tiền để phụ giúp gia đình. Hơn thế, em còn mang vinh quang về cho Tổ quốc, cho tỉnh nhà bằng những huy chương danh dự, mà ở đó sự khổ luyện không hề đơn giản đối với một người khiếm khuyết. Đáng quý hơn, chính em là người đem lại niềm tin cho các bạn đồng cảnh ngộ biết vượt qua mặt cảm trong cuộc sống để sống thật có ích.

HẢI NAM

 

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục