BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nghị lực của một người khuyết tật 

Cập nhật ngày: 11/08/2020 - 07:48

BTN - Người phụ nữ giàu nghị lực ấy là chị Trương Thị Bé Tư, sinh năm 1979, ngụ ấp Cầy Xiêng, xã Đồng Khởi, Châu Thành.

Chị Tư với công việc mưu sinh hằng ngày.

Do ảnh hưởng từ người cha bị nhiễm chất độc da cam, khi mới chào đời, chị Bé Tư có một thân hình không bình thường: liệt cả hai chân không đi lại được, lưng lại gù. Chị chỉ học hết lớp 4 thì phải nghỉ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn: mẹ qua đời, cha bị tai biến. Những ngày đau buồn ấy, chị Bé Tư chỉ biết loanh quanh ở nhà phụ việc lặt vặt. Càng lớn, Bé Tư càng nhận thức được gia cảnh nên không thể để bản thân mình là gánh nặng cho gia đình.

Năm 2007, chị Bé Tư được một người bà con dẫn đi học nghề thêu mành. Học xong nghề, chị làm được hơn 2 năm thì không còn việc làm, chị lâm vào cảnh thất nghiệp. Cảnh nhà càng khó khăn hơn, thôi thúc chị quyết tâm phải học nghề may- vừa là sở thích, vừa phù hợp với sức khoẻ bản thân.

Chịu khó học hành, sau 2 năm, chị Tư đã có thể mở tiệm riêng. Năm 2012, được sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ xã và người thân, chị Tư mở tiệm may tại nhà. Nói là tiệm nhưng không có một biển quảng cáo nào, chỉ nhờ người thân quen giới thiệu. Chị nỗ lực để chứng minh cho mọi người thấy mình vẫn khoẻ mạnh, lao động và sống như người bình thường.

Tuy mới ra nghề nhưng nhờ khéo tay, giá cả lại phải chăng nên tiệm của chị Bé Tư luôn đông khách, giúp chị có thu nhập ổn định từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Vào những ngày lễ, tết, thu nhập của chị Bé Tư có thể cao hơn, nhờ vậy, chị dành dụm mua được một xe mô tô 3 bánh làm phương tiện đi lại hằng ngày.

Chị Bé Tư tâm sự: “Vì tiệm ở khu vực nông thôn, em chỉ lấy giá phải chăng, tối đa là 100.000 đồng kể cả quần tây may 2 túi sau. Người đặt may nhiều, em làm không hết việc. Chịu khó thức khuya, dậy sớm, em mới may kịp đồ giao hàng đúng hẹn cho khách.

Học được nghề và mở được tiệm như ngày hôm nay là cả một quãng đường dài đầy mồ hôi và nước mắt của em. Nhưng em nghĩ chỉ cần mình cố gắng hết sức, thành công sẽ đến dù có muộn hơn mọi người”.

Chị Trần Thị Nương- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đồng Khởi cho biết, bà con trong ấp ai cũng khâm phục chị Bé Tư, tật nguyền nhưng chu toàn mọi công việc gia đình và chăm sóc cho người cha năm nay 71 tuổi bị tai biến phải nằm một chỗ.

Điều dễ nhận thấy ở chị Tư là luôn tươi cười lạc quan, không hề tự ti mặc cảm về sự khiếm khuyết của cơ thể, sống chan hoà với xóm giềng. Chị Tư nói: “Trời không cho em đôi chân nhưng chỉ cần đôi tay mạnh khoẻ, khối óc minh mẫn thì em vẫn có thể lo được cho bản thân”.

Quang Hà