BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nghị lực của người thầy khiếm thị 

Cập nhật ngày: 08/02/2017 - 09:12

BTNO - Chàng sinh viên nghèo khiếm thị vừa tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM Lê Minh Tâm (27 tuổi, ngụ ấp Trường Phước, xã Trường Tây, huyện Hòa Thành) đã được Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh Tây Ninh nhận vào làm việc. Đây thật sự là niềm vui lớn của chính bạn cùng với gia đình, người thân.

Chúng tôi tìm đến Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị (thuộc Sở LĐ-TB-XH Tây Ninh) một buổi sáng đầu năm 2017. Từ bên ngoài cổng, những câu hát từ ca khúc “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn văng vẳng vang lên, như  tạo thêm động lực mạnh mẽ cho người thầy trẻ Lê Minh Tâm vượt lên số phận để thực hiện ước mơ của chính mình.

Tâm dạy nhạc cho các em tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh Tây Ninh.
Những học trò cùng chung phận đời khiếm thị ngồi quây quần bên cạnh thầy Tâm, chăm chú nghe thầy giảng bài. Những cặp mắt bé nhỏ trong căn phòng ấy thỉnh thoảng chỉ biết nheo nhè nhẹ hay liếc mắt qua lại mỗi khi nghe thầy Tâm hỏi lại bài.

Chưa một lần thấy được ánh sáng mặt trời, nhưng từ nhỏ Lê Minh Tâm đã không ngừng nuôi dưỡng ước mơ trở thành một người thầy đứng trên bục giảng.

Sinh ra trong gia đình nghèo khó tột cùng với 11 anh chị em, nhưng có đến 4 anh chị khác đều khiếm thị. 10 tuổi, Tâm được gia đình cho đến học ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật. Việc học của Tâm khó khăn ngay từ khi đặt tay mò mẫm con chữ nổi lạ lẫm đầu tiên. Trong khi đó, lúc cần diễn đạt một vấn đề, cậu học trỏ nhỏ phải căng mình cảm nhận, bởi mọi màu sắc, sự vật, âm thanh, hiện tượng xung quanh đều chỉ nằm trong trí tưởng tượng.

Bẵng đi một thời gian, những con chữ nổi sáng dần trên những ngón tay. Tâm chia sẻ: “Không ai có thể hiểu được hết những gì người khiếm thị tụi em trải qua bằng chính những người khiếm thị như em. Chính những trải nghiệm thực tế từ cuộc sống đã giúp em có thêm vốn sống để chỉ dạy lại cho đàn em chung cảnh đời với mình”.

Tiếp câu chuyện về Lê Minh Tâm, chị Cao Thị Thu Thanh, giáo viên, Tổ trưởng tổ chuyên môn của Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh kể thêm, do Trung tâm không có lớp học cấp 2 và cấp 3 nên hết lớp 5, Tâm phải đi học tiếp cấp 3 ở Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. HCM.

Giấc mơ được trở thành thầy giáo một lần nữa bùng cháy trong Tâm, khi em được tuyển thẳng vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM (khóa 2012 - 2016). Dù không tốn tiền đóng học phí nhưng tiền nhà trọ, tiền điện nước, tiền sách vở lại đè nặng lên vai cậu sinh viên khiếm thị.

Kiên nhẫn sửa cho các em từng nốt nhạc.

Suốt 4 năm, để đi hết con đường đại học, Tâm bươn chải đủ nghề, từ hát rong đến bán vé số dạo. Với cây đàn ghi-ta và xấp vé số trên tay, Tâm cùng người anh trai của mình dò dẫm từng bước, đi khắp các hang cùng ngõ hẻm để bán từng tấm vé số. Có ngày, 2 anh em đi đến tận Long An, Bình Dương bán vé số, hát rong…

Hỏi Tâm có tủi thân vì phải bán vé số dạo mưu sinh thời sinh viên hay không, Tâm trả lời ngay, không chút gượng gạo: “Kiếm tiền sử dụng cho mục đích chân chính của bản thân thì đó là niềm tự hào nhất”.

Việc tiếp thu bài giảng của Tâm lại càng khó hơn. Mỗi khi giáo viên giảng bài, em phải xin được ghi âm để về nghe lại. Đối với giáo trình, tài liệu, em ra ngoài nhờ tiệm chuyển đổi ra file pdf. Từ file này em lại chuyển sang bản word rồi đưa vào máy tính nhờ phần mềm đọc hỗ trợ cho người khiếm thị để ôn bài.

Cứ thế, 4 năm đại học trôi qua, Tâm tốt nghiệp, trở về quê hương và được nhận vào giảng dạy tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh Tây Ninh.

Ước mơ được đứng trên bục giảng năm nào của chàng sinh viên khiếm thị đã trở thành hiện thực. Tâm hạnh phúc lắm, bởi mỗi ngày được trò chuyện với các em nhỏ cùng hoàn cảnh, chỉ dạy cho các em những điều hay từ chính kinh nghiệm của bản thân. Nghị lực của người thầy khiếm thị Lê Minh Tâm chính là động lực để các em nhỏ ở trung tâm phấn đấu học tập, nỗ lực hết mình cho tương lai.

Đ.K – D.P