Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nghị lực của những nạn nhân chất độc da cam
Thứ tư: 01:00 ngày 10/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bên cạnh hoạt động hỗ trợ và chăm sóc thường xuyên cho nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC), những năm qua, các cấp Hội NNCĐDC trong tỉnh thường xuyên hỗ trợ vốn vay, xây nhà đại đoàn kết, tạo điều kiện để các nạn nhân vươn lên trong cuộc sống; gia đình nạn nhân có nguồn kinh tế chăm lo cho con, cháu.

Em Duy Phương với nghề sửa điện thoại

Nhiều năm nay, chị Hương Mỹ Tuyên ở xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh tự nuôi sống bản thân và gia đình bằng nghề cắt tóc. Chị Tuyên bị khuyết tật chân, việc đi lại khó khăn. Cách đây hơn 10 năm, nhận thấy khiếm khuyết của bản thân khó có thể xin việc ở công ty, văn phòng, chị quyết định học nghề cắt tóc. Có nghề trong tay, chị mượn mặt bằng của người dì, che tạm một mái nhà lá để hoạt động.

“Qua thời gian, căn nhà tạm xuống cấp, vào mùa mưa là bị dột, tiệm cắt tóc đành đóng cửa. Tỉnh hội và cô Nga- Chủ tịch Hội NNCĐDC xã đã vận động cho tôi được 10 triệu đồng để làm lại mái tôn. Ngoài ra, Hội NNCĐDC xã cũng cho tôi vay 2 triệu đồng để mua vật dụng phục vụ công việc như nước sơn, kiềm cắt móng, tông-đơ… Nói là vay, nhưng thật ra là tôi được cho mượn trả góp, không có lãi. Mỗi tháng, tôi góp 200.000 đồng cho cô Nga. Sau một năm là trả hết nợ”- chị Mỹ Tuyên cho biết.

Chị Mỹ Tuyên (bìa phải) đã có thể tự nuôi sống bản thân nhờ nghề cắt tóc.

Trên địa bàn xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành, nhiều năm qua, công tác chăm lo cho NNCĐDC luôn được chú trọng. Hiện xã có 53 NNCĐDC. Theo bà Lưu Thị Phú Thuận- Chủ tịch Hội NNCĐDC xã, đa số nạn nhân da cam trên địa bàn đều không thể tự lo cho bản thân do khiếm khuyết của cơ thể. Hầu hết mọi sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc vào người thân. Do đó, việc tự vươn lên trong cuộc sống gần như không thể. Tuy nhiên, vẫn có những tấm gương vượt khó, vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

Tây Ninh thực hiện mô hình chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam tại cộng đồng

 

Theo bà Võ Thị Đẹp- Chủ tịch Hội NNCĐDC Tây Ninh, qua điều tra, đến nay, Tây Ninh có khoảng 10.000 người bị phơi nhiễm chất độc hoá học Dioxin. Mặc dù đã thực hiện đầy đủ chế độ cho con của người tham gia kháng chiến bị nhiễm trực tiếp chất độc hoá học và chế độ bảo trợ xã hội cho người khuyết tật, nhưng cuộc sống của nạn nhân, gia đình nạn nhân luôn khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật triền miên. Từ năm 2013, Hội NNCĐDC tỉnh phát động mô hình “Nuôi dưỡng nạn nhân tại nhà”. Trước mắt là hỗ trợ cho những hộ quá khó khăn, thiếu thốn.

“Mô hình thực hiện thí điểm tại huyện Dương Minh Châu, sau nhân rộng ra toàn tỉnh. Lúc đầu, mỗi tổ chức Hội trong tỉnh vận động nuôi dưỡng ít nhất 1 nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong thời gian 5 năm, mỗi nạn nhân được hỗ trợ từ 300 ngàn đồng trở lên một tháng. Sau đó, chúng tôi phát động thi đua, nếu nhận nuôi vượt trên 5 nạn nhân sẽ được cộng điểm thưởng và tăng dần hằng năm. Hiện tại toàn tỉnh nuôi dưỡng trên 565 nạn nhân, với tổng số tiền từ năm 2013 đến nay là 5 tỷ đồng. Huyện nuôi thấp nhất được 30 nạn nhân, huyện nuôi cao nhất được 150 nạn nhân… Mô hình được tỉnh đánh giá cao vì đáp ứng nhu cầu cuộc sống của nạn nhân, hộ gia đình nạn nhân, bảo đảm tính bền vững”- bà Võ Thị Đẹp cho biết.

Đó là em Phạm Đình Duy Phương ở ấp Bến Kéo. Duy Phương năm nay 25 tuổi. Từ khi sinh ra, Duy Phương được chẩn đoán là não úng thuỷ. Việc phát triển của Duy Phương bị hạn chế rất nhiều. Phải đến 5 tuổi hơn, em mới bắt đầu những bước đi đầu tiên. Nhưng do ảnh hưởng của bệnh, chân của Phương không phát triển bình thường được. Song, Phương vẫn có thể tự lo cho bản thân, tự mình đến trường học như bao đứa trẻ khác.

Hoàn thành chương trình lớp 9 xong, Phương xin gia đình cho nghỉ học văn hoá để đi học nghề kỹ thuật điện thoại di động. Học khoảng 1 năm, Phương đi phụ cho tiệm thêm 4 tháng nữa rồi về nhà tự mở tiệm. Nói là tiệm, nhưng thật ra, chỉ là một góc nhỏ phía trước nhà ở gần xóm chài lao động ấp Bến Kéo.

Nếu không có tấm bảng hiệu, có lẽ không mấy người biết đây là nơi sửa điện thoại của Phương. Thế nhưng, bằng tay nghề và uy tín của mình, mỗi tháng Duy Phương có thể kiếm được từ 3-4 triệu đồng lo cho bản thân. “Ngoài sửa điện thoại tại nhà, em còn mua bán điện thoại mới, cũ, các thiết bị đi kèm điện thoại trên mạng xã hội Facbook, Zalo để mọi người có thể tiện theo dõi và mua khi cần thiết”, Duy Phương chia sẻ.

Em Phan Hồ Thu Thảo làm tranh đính đá.

Có được công việc như hôm nay, ngoài nỗ lực vươn lên không ngừng của bản thân, Phương cho biết còn có sự động viên, hỗ trợ rất lớn từ phía Hội NNCĐDC xã. “Trước đây, ngoài tiền trợ cấp của Nhà nước, mỗi tháng em đều được Hội của xã cấp 200.000 đồng để chi tiêu. Từ khi có công việc, em xin không nhận nữa, nhường lại cho những hoàn cảnh khó khăn hơn. Ngoài ra, em còn được phía Hội cho vay không trả lãi 2 lần, mỗi lần 5 triệu đồng. Cứ mỗi tháng, em góp lại 500.000 đồng, sau 10 tháng là xong tiền vay. Nhờ vậy mà em có tiền mua thiết bị, máy móc phục vụ công việc”- Duy Phương nói.

Vợ chồng chị Vân ở ấp Long Yên 5 năm nay, cuộc sống đã tạm ổn hơn so với trước. Gia đình chị là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất trước đây. Nhà có 2 người con thì cả 2 đều bị nhiễm chất độc da cam. Hơn 20 năm nay, hằng ngày, anh phải đi làm mướn kiếm sống. Chị ở nhà chăm sóc cho con. Thảo và Hồ- 2 đứa con của anh chị, không thể nói, không đi lại được. Việc cầm, nắm cũng không dễ dàng. Chị Vân phải chăm sóc cho con, từ việc cá nhân đến đưa đón đi học.

Chia sẻ với hoàn cảnh của chị, 10 năm trước, Hội NNCĐDC tỉnh đã vận động trao tặng một căn nhà cho gia đình chị Vân. Sau đó một năm, Hội còn vận động tặng 1 con bò cái để phát triển kinh tế cho cả nhà. Từ đó đến nay, đàn bò tiếp tục sinh sản. Hiện tại, nhà chị Vân có 2 con bò mẹ và 2 con bò con.

Gần đây, bé Thảo- đứa con lớn của chị Vân tự mày mò học làm tranh đính đá. Chị Vân bèn mua mẫu về cho con làm. “Con bị khuyết tật nên làm chậm lắm. Mấy tháng mới xong được 1 tấm. Ngoài tiền vốn ra, bán lời được 200.000 -500.000 đồng, tuỳ tấm. Thấy con tự làm, tự kiếm được tiền, tôi mừng lắm. Mong là sau này có nhiều người ủng hộ để con có thêm thu nhập, cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn”, chị Vân nói.

Cuộc sống với những NNCĐDC vẫn còn đó những khó khăn chưa biết hết. Nhưng bằng nghị lực, ý chí vươn lên, họ vẫn đang cố gắng sống tốt, làm tốt từng ngày để đền đáp lại những chăm lo, bảo bọc của cộng đồng, xã hội.

Ngọc Diêu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục