Ở vùng nông thôn, điều kiện học tập còn không ít khó khăn, nhưng các bạn đã không ngại khó, luôn phấn đấu và nỗ lực học tập hết mình với mong muốn lấy tri thức xây dựng tương lai cuộc sống.
(BTNO)- Mùa xuân năm nay trường THPT Trần Phú huyện Tân Biên vui mừng đón nhận những thành tích mới. Đó là kết quả của những năm tháng miệt mài chịu khó dạy và học của thầy trò ở đây. Trong kỳ thi học sinh giỏi vòng tỉnh lần này, trường THPT Trần Phú có 9 bạn đạt giải.
Ở vùng nông thôn, điều kiện học tập còn không ít khó khăn, nhưng các bạn đã không ngại khó, luôn phấn đấu và nỗ lực học tập hết mình với mong muốn lấy tri thức xây dựng tương lai cuộc sống.
*Đinh Thị Thuỳ Trang: Học sử để không hổ thẹn là người Việt Nam
Gia đình Thuỳ Trang còn khó khăn lắm. Ba làm thợ hồ, mẹ làm mướn ngày, khi thì mẹ đi nhổ cỏ lúa, lúc giẫy cỏ mì. Cái ăn cái mặc và tất cả những chi tiêu trong gia đình, chỉ gói ghém vào khoản tiền làm công ít ỏi của ba mẹ. Điều này làm cho bạn Đinh Thị Thuỳ Trang ý thức là phải cần kiệm. Mỗi khi hè đến, bạn lại theo mẹ làm cỏ mướn để kiếm tiền mua sách vở. Công việc này đã quen với Thuỳ Trang từ những mùa hè trước. Từ khi mẹ bị bệnh sạn thận và đã qua hai lần mổ lấy sạn, sức khoẻ mẹ kém dần. Nhìn mẹ hao gầy Trang thương lắm. Những gì làm được là bạn cố gắng làm hết để mẹ bớt cực nhọc.
Nhà Trang cách trường khoảng 6, 7 cây số, nên ngày nào học bồi dưỡng là bạn thức dậy sớm nấu cơm mang theo ăn trưa, tiện cho việc học cả ngày ở trường, lại tiết kiệm được chi phí.
Hỏi Trang học lịch sử có khó không, Trang bảo không khó nếu có sự yêu thích và cách học tốt. Theo Trang, lịch sử là môn học rất thú vị, học để biết và thêm tự hào với truyền thống lịch sử dân tộc Việt Nam. Đó chính là niềm đam mê, là động lực giúp cô học trò lớp 12C6 Trường THPT Trần Phú đạt giải ba vòng tỉnh môn lịch Sử.
*Trần Thị Hoa: Học văn là học làm người
“Em nghĩ học văn là phải biết học những điều hay và loại trừ những thói hư tật xấu để tự hoàn thiện mình”. Cô học trò lớp 12 C4 trường THPT Trần Phú vừa đạt giải ba học sinh giỏi vòng tỉnh môn ngữ Văn bộc bạch.
Trần Thị Hoa thích học văn vì những lý do đó, và bạn học văn để bảo vệ công lý, bảo vệ chính nghĩa. Vì vậy, trong những ngày này bạn ráo riết ôn tập để thi vào Đại học Luật TP.HCM.
Mồ côi cha từ nhỏ, một mình mẹ gánh gồng nuôi ba chị em Hoa ăn học. Mẹ Hoa đi làm mướn. Mùa nào việc ấy, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Chị hai Hoa thấy mẹ quá cực nhọc nên học xong lớp 9 đã nghỉ và đi làm phụ mẹ nuôi em.
Thương mẹ, đến kỳ nghỉ hè Hoa cũng đi làm thuê. Năm lớp 9, lúc phụ mẹ thu hoạch mía thấy ngọn mía sót lại ngoài ruộng, Hoa nói mẹ xin chủ nhà vài đọt mía về trồng.
Đất nhà khá rộng. Hoa xới đất trồng mía và chăm sóc mỗi ngày. Vài tháng sau Hoa có mía bán rồi lấy đọt trồng thêm. Từ những đọt mía ban đầu, nay bạn đã trồng được 10 hàng mía, thu hoạch mỗi năm đủ mua sách vở quần áo đi học.
Thấy mẹ và chị vất vả, có lúc Hoa cũng muốn ở nhà đi làm thuê với mẹ, nhưng Hoa nghĩ chỉ có học mới có thể giúp ích cho bản thân, cho gia đình và xã hội, nên Hoa bỏ ý định nghỉ học mà càng cố công đèn sách để xây dựng tương lai bằng vốn kiến thức của mình.
*Nguyễn Phát Tài: Học để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn
Phát Tài may mắn hơn hai bạn gái ở trường. Ba mẹ Tài không phải vất vả đi làm thuê làm mướn. Tuy không phải lo nồi sáng chạy nồi chiều, nhưng mấy công đất hàng bông cũng đủ làm cho ba mẹ Tài vất vả quanh năm. Đây cũng là khoảng tiền chi tiêu cho ba chị em Tài ăn học.
Sống trong gia đình nông dân, tuy là học sinh lớp 12, nhưng Nguyễn Phát Tài học sinh trường THPT Trần Phú đã biết dành thời gian phụ giúp ba mẹ việc nhà. Hai chị lớn của Tài đang là sinh viên trường đại học. Tài cũng đang cố gắng hết sức để chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng sắp tới.
Hỏi Tài về việc chọn nghề cho tương lai, bạn cho biết: “Em sẽ thi vào trường Đại học Tự nhiên khoa Công nghệ sinh học. Em nghĩ mình có thể làm điều gì đó có ích cho xã hội, để cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Để ước mơ trở thành hiện thực, cậu học trò vùng nông thôn này đã cố gắng rất nhiều và đã đạt giải II môn Sinh học trong kỳ thi học sinh giỏi vòng tỉnh năm học 2010 - 2011.
Huệ Trí