BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nghị lực tuổi hai mươi

Cập nhật ngày: 05/03/2009 - 09:06

Phạm Thị Tho đang tranh thủ giẫy cỏ mì vào những ngày nghỉ cuối tuần

Ngồi trước mặt tôi là một cô gái 20 tuổi có nước da đen giòn vì nắng gió. Nếu so với những cô gái khác thì ở cô không có gì khác biệt. Phải tinh để ý, tôi mới phát hiện đôi bàn tay của cô đã chai sạn vì nhiều năm cầm cuốc. Và đằng sau sự bình thường ấy là cả một nghị lực vượt khó đến phi thường.

Trong 13 năm trời cắp sách đến trường thì đã có 7 năm cô gái phải đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cho việc học của mình. Với cô đường đến trường đầy gian khổ. Khó khăn là vậy nhưng vẫn không cản được quyết tâm đến trường của cô. Suốt 13 năm học, chưa một lần cô phải lưu ban. Tuy cuộc sống còn nhiều vất vả, gian khổ, nhưng cô lúc nào cũng lạc quan, vững tin vào tương lai ngày mai.

Tên của cô gái ấy là Phạm Thị Tho, học viên lớp Hạch toán – Kế toán khoá 22, Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật. So với bạn bè cùng trang lứa, Tho không được may mắn khi sinh ra trong một gia đình nghèo ở khu phố 1, Thị trấn Dương Minh Châu (DMC). Cha Tho vốn là người nát rượu, không đỡ đần được gì cho gia đình. Toàn bộ gánh nặng gia đình đều nhờ vào thu nhập ít ỏi từ xe bánh mì rong của mẹ Tho. Bao năm nay, cái nghèo, cái khổ cứ đeo đẳng suốt lấy gia đình cô. Sau khi học hết lớp 5, Tho tình nguyện nghỉ học ở nhà phụ mẹ một tay và cũng để nhường suất đi học lại cho người em trai. Tuy phải nghỉ học, nhưng niềm đam mê với những con chữ thì vẫn cháy bỏng trong cô. Vì vậy cho nên buổi tối, Tho vẫn tham gia lớp học phổ cập.

Một năm sau, thông qua sự giúp đỡ của các thầy cô, Tho được chuyển sang học lớp 6 phổ thông. Cũng từ đó, Tho bắt đầu những ngày tháng đi làm thêm kiếm tiền. Lúc đầu thì đi bán bánh mì dạo, lớn lên một chút, Tho đi học buổi sáng, còn buổi chiều đi làm phụ hồ. Tiền kiếm được bao nhiêu cô đều dành cho việc học hành. Khi lên cấp 3, học ngày hai buổi nên Tho chuyển sang giữ xe ở Bệnh viện Đa khoa huyện. Nhưng giữ xe mỗi buổi tối chẳng được mấy đồng, nên lúc nào Tho cũng phải nơm nớp lo chuyện tiền trường, tiền tập, sách. Nhớ lại cái thời gian khó ấy, Tho kể: “Căng nhất là năm mình học lớp 12, vừa phải lo học thi tốt nghiệp lại vừa phải lo đi làm kiếm tiền. Một lần, do thiếu tiền đóng học phí nên mình đã nghỉ học mất một tuần lễ để đi làm phụ hồ. Sau lần nghỉ đó, mình đã hối hận quá chừng!”.

Hiện nay, Tho đã là học viên Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật. Học cả ngày nên Tho phải chuyển sang đi giẫy cỏ mì, cỏ mía thuê vào những ngày nghỉ cuối tuần. Bình quân mỗi ngày đi làm, Tho kiếm được 40.000 đồng, phải tằn tiện lắm mới đủ cho chi tiêu hằng ngày, bởi hiện nay mỗi ngày Tho phải vượt quãng đường rất xa đến trường nên chi phí cũng lớn hơn. Rất may là Tho được vay vốn dành cho sinh viên nên cuộc sống cũng có phần dễ thở hơn. Khát vọng vươn lên thì vẫn rực cháy trong Tho như ngày nào. Tho tâm sự: “Nhiều lúc thấy bạn bè cùng trang lứa được đi đây đi đó vào những ngày nghỉ cuối tuần, còn mình thì phải “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” để kiếm tiền thấy cũng buồn tủi lắm. Nhưng nếu mình không tranh thủ đi làm kiếm tiền ăn học thì con đường tương lai sẽ còn mịt mờ hơn. Bởi mình không thể dựa dẫm vào sự giúp đỡ của gia đình. Vì vậy mà với mình chỉ có một mục tiêu duy nhất là học và học”.

Khi được hỏi về những dự định cho tương lai, Tho không ngại ngần cho biết: “Mình cố gắng học thật tốt để sau này có một cái nghề trong tay. Chỉ có như vậy mới mong có thể làm thay đổi cuộc sống hiện tại của mình”. Vâng, tuy con đường phía trước vẫn còn lắm chông gai, nhưng với nghị lực và quyết tâm chắc chắn Tho sẽ chọn được cho mình một tương lai tươi sáng hơn.

HuỲnh ThỊ Ái Lê

(Huyện đoàn DMC)