Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nghị sĩ Solomon cáo buộc Trung, Đài chạy đua hối lộ
Chủ nhật: 20:07 ngày 08/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các nghị sĩ Quần đảo Solomon nói rằng Trung Quốc và Đài Loan đã đề nghị biếu họ hàng trăm nghìn USD để đổi lấy sự ủng hộ ngoại giao.

Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare hồi tháng 9 quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thiết lập quan hệ với Trung Quốc, chấm dứt tình hữu nghị 36 năm với Đài Bắc. Quyết định này khiến các thượng nghị sĩ Mỹ phẫn nộ, Đài Loan tức giận và Australia lo lắng trước ảnh hưởng mở rộng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Nối gót Quần đảo Solomon, Cộng hòa Kiribati cũng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan chưa đầy hai tuần sau đó. 

Là một phần của cuộc điều tra câu chuyện thực sự phía sau sự chuyển hướng ngoại giao của Quần đảo Solomon, tờ Guardian của Anh tiết lộ các nghị sĩ Solomon nói rằng đại diện Trung Quốc và Đài Loan đã tiếp cận họ và đề nghị biếu hàng trăm nghìn USD để đổi lấy sự ủng hộ.

Theo phó thủ lĩnh đối lập Peter Kenilorea Jr, "có một bí mật mà ai cũng biết là tiền luôn luôn liên quan đến những điều này", đề cập đến các nghị sĩ từ bỏ quan điểm thân Đài Loan lâu năm để chuyển sang ủng hộ Trung Quốc. Kenilorea, người phản đối việc chuyển hướng ngoại giao, nói rằng ông đã nghe các nghị sĩ liên quan đến quyết định nói rằng họ đã được đề nghị 246.000 - 615.000 USD để ủng hộ Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare tại Bắc Kinh hồi tháng 10. Ảnh: Xinhua.

Daniel Sudaini, người đứng đầu Malaita, tỉnh lớn nhất của Quần đảo Solomon, cũng cáo buộc ông đã được đề nghị nhận hối lộ để từ bỏ lập trường cứng rắn chống Trung Quốc. "Trước khi có quyết định chuyển hướng ngoại giao, một nhóm người hoặc ai đó đã gọi điện cho tôi để đề nghị tôi ủng hộ. Tôi quyết định không chấp nhận vì nếu làm thế, tôi không còn đại diện cho người dân", ông Sudaini nói.

Sudaini từng nói với Solomon Star rằng khoản hối lộ mà ông được đề nghị là 123.000 USD. Cáo buộc của ông hiện là chủ đề cuộc điều tra chính thức của cảnh sát Quần đảo Solomon.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Quần đảo Solomon là một quá trình "công khai và minh bạch". "Không tin đồn hay sự vu khống nào có thể ảnh hưởng đến sự phát triển quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon", tuyên bố nêu.

Nghị sĩ Titus Fika, người dẫn đầu cuộc bỏ phiếu dẫn đến việc chính phủ chuyển hướng quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc, phủ nhận tiền ảnh hưởng đến quyết định này. Thay vào đó, Fika cáo buộc chính Đài Loan đã đề nghị hối lộ ông để giữ nguyên trạng quan hệ song phương.

"Đài Loan muốn hối lộ tôi. Họ muốn chúng tôi nhận một triệu USD để bỏ phiếu duy trì quan hệ với Đài Loan và sau khi mọi việc hoàn thành, chúng tôi sẽ nhận thêm một triệu USD vào tài khoản. Tuy nhiên, chúng tôi không chấp thuận. Chúng tôi muốn làm điều đúng đắn vì lợi ích của đất nước, nhân dân và cử tri", Fika nói.

Đài Loan bác bỏ cáo buộc trên. "Trong mọi trường hợp, Đài Loan sẽ không dùng đến cuộc chiến đồng đôla xấu xa với Trung Quốc, cái phần lớn sẽ chảy vào túi những chính trị gia tham nhũng", phát ngôn viên cơ quan ngoại giao Đài Loan Joanne Ou cho hay.

Theo báo cáo năm 2017 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Quần đảo Solomon là một khu vực "rất tham nhũng" và tình hình có vẻ như ngày càng tệ hơn.

Quần đảo Solomon là quốc gia thứ 6 chấm dứt quan hệ với Đài Loan kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền vào năm 2016. Đài Loan hiện duy trì quan hệ với 15 quốc gia trên thế giới, tuy nhiên Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của nước này và hòn đảo không có quyền lập quan hệ chính thức với bất cứ quốc gia nào.

Nguồn VNE (Theo Guardian)

Tin cùng chuyên mục