Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tết là bản sắc văn hóa của dân tộc Việt, thế nhưng việc nghỉ Tết đang trở thành gánh nặng của nhiều người.
NGHỈ TẾT, KHỔ ẢI TRĂM BỀ
Năm hết Tết đến, ai cũng mong được về quê đoàn tụ với gia đình nhất là với những người lao động xa quê. Chị Hoàng Mai, 25 tuổi quê ở Thanh Hóa, vào Bình Dương làm công nhân may hơn 3 năm nay chia sẻ suốt từ đầu tháng Chạp chị chỉ mong ngóng đến ngày được về quê. Thế nhưng, với chị hành trình ngàn cây số từ Bình Dương về Thanh Hóa là cả một nỗi kinh hoàng.
“Từ Bình Dương tôi phải bắt xe lên Sài Gòn, rồi từ ga Sài Gòn mới chờ tàu đi tiếp về đến Thanh Hóa. Tết nhất ai cũng vội, ai cũng về quê, đường xá, tàu xe đều kẹt cứng,” chị Mai nhớ lại hành trình về quê năm ngoái.
“Tàu chạy mất 28 tiếng, tính cả thời gian bắt xe từ Bình Dương lên đây, rồi vạ vật ở ga tàu nữa cũng phải đến 35-36 tiếng,” chị chia sẻ thêm. “Nhưng dù có mất bao nhiêu lâu, đi lại vất vả thế nào thì cũng vẫn phải về quê thôi”.
Tết là thời điểm phải mua sắm, chi tiêu rất nhiều nhưng với chị Mai, một công nhân may thu nhập 6 triệu đồng/tháng thì thứ đắt đỏ trong dịp Tết mà chị phải chi là vé tàu về quê. Chị cho biết giá vé tàu ngày thường tuyến TP.HCM-Thanh Hóa khoảng 1 triệu nhưng vé Tết thì đắt gấp đôi, mà có khi còn “không có mà mua”.
“Quê tôi xa quá, đi đi về về đã hết 7 ngày nghỉ mất rồi,” chị Mai lắc đầu ngán ngẩm, đồng thời cho biết thêm một vài người bạn của chị sau thời gian về quê ăn Tết đã không quay trở lại khu công nghiệp làm việc nữa vì mất sức và kiệt quệ.
Trong khi đó, chị Hoài Thương, 26 tuổi, một nhân viên văn phòng gốc Bắc vào TP.HCM làm việc lại nghĩ khác: “Kỳ thực, tôi không mong đến Tết lắm, có chăng đây là kỳ nghỉ dài ngày với tôi mà thôi.” Mặc dù vẫn rất coi trọng ngày Tết cổ truyền bởi đó là văn hóa dân tộc nhưng chị Thương chia sẻ trong xã hội hiện đại như bây giờ nhiều thủ tục, cỗ bàn ngày Tết có phần hơi rườm rà và lỗi thời.
“Tết là để đoàn viên nhưng có về quê ăn Tết thì tôi cũng dành phần lớn thời gian để … rửa bát và dọn dẹp thôi,” chị Thương nói.
“Đi lại vào dịp Tết rất đắt đỏ, đông đúc và mệt mỏi nên trong năm tôi xin nghỉ phép một số ngày để về quê thăm nom bố mẹ, họ hàng,” chị chia sẻ thêm. Đối với chị Thương thì thật sự Tết là kỳ nghỉ tương đối dài nên năm nay thay vì về quê ăn Tết chị dành toàn bộ kỳ nghỉ để đi du lịch.
Không chỉ riêng chị Hoài Thương, theo một khảo sát Zing.vn thực hiện hồi cuối tháng 1, có đến 58% bạn đọc cho biết họ sử dụng phần lớn thời gian nghỉ Tết của mình cho những hoạt động khác: đi du lịch, xem phim, thậm chí có những bạn đọc cho biết họ trực hoặc làm thêm giờ trong ngày Tết.
Ai cũng muốn kỳ nghỉ Tết kéo dài ngày nhưng thực tế nghỉ đến ngày thứ 5 là bắt đầu thấy chán.
KHẢO SÁT THÁNG 1/2018 CỦA ZING.VN
ẤN ĐỊNH SỐ NGÀY NGHỈ TẾT DÀI LIỆU CÓ HỢP LÝ?
Tết Nguyên đán nên nghỉ bao nhiêu ngày là nghỉ như thế nào luôn là vấn đề được quan tâm.
Cứ trước tết khoảng 2 tháng bộ LĐTBXH sẽ đề xuất phương án nghỉ tết và trình Thủ Tướng phê duyệt. Phương án nghỉ Tết thường không cố định, mỗi năm một khác nhau. Đơn cử như Tết Ất Mùi 2015, lao động được nghỉ từ 27 Tết, kéo dài 9 ngày trong khi Tết Mậu Tuất năm nay, thời gian nghỉ Tết là 7 ngày bắt đầu từ 29 Tết.
Căn cứ sắp xếp lịch nghỉ Tết, theo Bộ LĐTBXH đơn giản để cân đối số ngày nghỉ trước Tết và sau Tết, đảm bảo người lao động có một số ngày nghỉ ngơi phù hợp sau 1 năm lao động vất vả. Tuy vậy chi tiết về tác động xã hội khác nhau giữa những phương án nghỉ Tết như thế nào thì Bộ không đề cập đến.
KHẢO SÁT THÁNG 1/2018 CỦA ZING.VN
Tết Nguyên đán của Việt Nam cũng như dịp lễ Giáng sinh và năm mới của các nước phương Tây vậy. Trong quan niệm của mọi người, đây là dịp nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả, là dịp để gia đình sum vầy, đoàn viên.
Nhưng thực tế ở các nước này, ngày nghỉ công do Chính phủ quy định chỉ có 2-3 ngày, là ngày Giáng sinh 25/12, Tết dương lịch 1/1, một số nước cho nghỉ thêm 26/12. Thời gian nghỉ lễ được từng công ty quy định dựa trên những ngày nghỉ lễ công.
“Một số công ty cho nhân viên nghỉ liên tục từ giáng sinh đến hết ngày 1/1 nhưng công ty tôi chỉ nghỉ 3 ngày thôi. Để có kỳ nghỉ dài, tôi sử dụng ngày nghỉ phép của mình,” chị Melisa Nguyen, 25 tuổi, đang công tác tại công ty tài chính tại London, Anh chia sẻ.
Chị Melisa cho biết công ty chị vẫn tạo điều kiện cho nhân viên nối dài ngày nghỉ nhưng luôn có sự điều tiết và sắp xếp để đảm bảo có người nghỉ nhưng vẫn có bộ phận làm việc bởi thị trường vẫn hoạt động bình thường.
Tương tự như các công ty ở Anh, ở Pháp, Mỹ và một số quốc gia khác, ngày nghỉ lễ được công ty quy định dựa trên lịch nghỉ lễ công do chính phủ ban hành.
Trong khi đó, kỳ nghỉ Tết kéo dài từ 7-10 ngày ở Việt Nam do Chính phủ ấn định. Với Tết năm 2018 này, kỳ nghỉ kéo dài 7 ngày, trong đó có 2 ngày thứ 7, chủ nhật đồng nghĩa với việc thị trường chứng khoán đóng cửa trong thời gian ấy và hầu như các hoạt động giao dịch kinh tế khác đều tê liệt.
THEO SỐ LIỆU CỦA QUỸ TIỀN TỆ THẾ GIỚI (IMF), 2017
Đối với anh Khánh Hưng, trưởng phòng kinh doanh của một công ty xuất nhập khẩu nông sản tại TP.HCM thì Tết là khoảng thời gian “mất mát” bởi cứ đến Tết là mất khách, mất đơn hàng.
“Tết cổ truyền đương nhiên phải nghỉ rồi. Khách nước ngoài họ rất hiểu và thông cảm. Thế nhưng nếu nghỉ lâu quá, khách hàng sẽ tìm nguồn cung hàng khác ở Thái Lan hoặc Indonesia, bởi ở nước đó họ không nghỉ theo Tết âm lịch như nước ta mà cũng có một số mặt hàng nông sản tương tự ta,” anh Hưng lý giải.
Đối với các dây chuyền sản xuất, việc đình trệ mọi hoạt động càng trở nên nghiêm trọng hơn. Chia sẻ về vấn đề này, PGS, TS. Nguyễn Hữu Tri, nguyên Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia nói: “Nhà nước cho nghỉ thì doanh nghiệp phải thực thi, nếu huy động người lao động làm việc thì doanh nghiệp phải trả lương ngoài giờ cho nhân viên, tối thiểu là gấp rưỡi, gấp đôi lương ngoài giờ theo luật."
Theo ông Tri, bản thân người lao động nếu muốn linh động về quê thì cũng gặp khó khăn, các doanh nghiệp thường cố giữ người đến đầu kỳ nghỉ nên người lao động cũng không có quyền.
Việc quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ dài gây ra sức ì đối với người lao động. “Máy móc lâu không hoạt động còn phải mất thời gian khởi động lại từ đầu để làm nóng máy huống chi là con người,” ông Tri nói thêm.
Và khi nhà nước ấn định kỳ nghỉ dài thì hầu như lao động đều xa quê đều có tâm lý trở về, gây ra áp lực cho ngành giao thông vốn đã yếu kém. Chuyện giá vé tăng chóng mặt hay kẹt xe khi di chuyển ngày Tết mới chỉ là một góc nhỏ của nền kinh tế mà thôi.
Với kỳ nghỉ như năm nay, ông Tri nói, bốn ngày 30 Tết, mùng 1, 2, 3 là những ngày “bất di bất dịch”, không nghỉ không được đối với người Việt Nam, những ngày còn lại, chính là thời gian để lao động di chuyển.
TẠI SAO KHÔNG ĐỂ THỊ TRƯỜNG, NGƯỜI LAO ĐỘNG THAM GIA VÀO ĐIỀU CHỈNH THỜI GIAN NGHỈ TẾT?
Cũng là một quốc gia coi trọng ngày Tết Nguyên đán như Việt Nam, nhưng Hàn Quốc hay Hong Kong, đều chỉ nghỉ 4 ngày: 30 Tết, mùng 1, 2, 3 - là 4 ngày “bất di bất dịch” như PSG, TS. Tri nói.
Trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành nền kinh tế mới nổi, một mặt chúng ta phải giữ gìn bản sắc dân tộc, mặt khác phải hội nhập với thế giới.
Thay vì việc quy định cứng số ngày nghỉ lễ như hiện nay khiến doanh nghiệp và người lao động bị động, có nên chăng Việt Nam trao quyền điều chỉnh số ngày nghỉ lễ vào tay họ để phù hợp với thị trường và nhu cầu của mỗi doanh nghiệp, mỗi cá thể kinh tế?
Ngoài dịp nghỉ Tết Nguyên đán, người lao động còn một số những kỳ nghỉ dài khác: 30/4-1/5 hay Quốc khánh và hơn nữa, người lao động mỗi năm còn có từ 12 ngày nghỉ trở lên được trả lương theo quy định của Luật lao động.
“Thời gian nghỉ Tết cần phải được cân đối giữa nhu cầu của nghỉ ngơi của người lao động và nhu cầu của xã hội,” ông Tri khẳng định.
Ông Tri gợi ý người lao động và doanh nghiệp cần thỏa thuận với nhau về số lượng ngày nghỉ làm sao để bố trí cho phù hợp: lao động vẫn được nghỉ ngơi; lao động ở xa được tạo điều kiện để về quê sum họp với gia đình, nhưng cùng với đó sản xuất không bị đình trệ quá lâu. Người lao động cũng nên có quyền lựa chọn và sắp xếp lịch nghỉ trong năm của mình phù hợp ví dụ như chọn ở lại dịp Tết và sắp xếp 1 kì nghỉ khác trong năm để về quê.
Để dể dàng thỏa thuận thì nhà nước nên giảm bớt ngày nghĩ Tết cứng về 4 ngày, vì nếu nhà nước bắt buộc nghỉ Tết dài như hiện nay thì chủ lao động sẽ không muốn cho lao động nghỉ thêm 1 kì nghỉ dài nào khác trong năm.
Tuy nhiên, ông Tri cũng nhấn mạnh, cần phải có những số liệu cụ thể cũng điều tra xã hội học để có kết luận về ảnh hưởng kinh tế - xã hội của các phương án nghỉ lễ thay vì chỉ công bố lịch nghỉ lễ như hiện nay.
“Việc này cần phải làm từng bước theo lộ trình, ông Tri nhấn mạnh. “Làm cái gì cũng phải cho lộ trình. Nếu mình quyết định một cái gì quá đột ngột thì trong tư duy nhận thức người ta vẫn chưa thể quen với điều đó.”
Cũng như Tết cổ truyền của người Việt, mỗi đất nước đều có những ngày lễ tết đặc trưng riêng, như phương Tây có Giáng sinh, Hàn Quốc có Tết Chuseok (tết Trung thu), Nhật Bản có Tết Goruden Wiku (Golden Week).
Đây là thời điểm để gia đình sum vầy và bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Tuy vậy, đặt trong hoàn cảnh của Việt Nam khi đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập thì phương án nghỉ Tết cần cân nhắc để đảm bảo quyền lợi của người lao động nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế.
Nguồn Zing