Các bậc phụ huynh nên quan tâm, gần gũi với con cái. Cha mẹ hãy là bạn của con để chúng có người tâm sự, giải toả những ẩn ức, nhất là không nên sỉ nhục con cái.
|
Học sinh Trường THPT Tây Ninh chia tay nhau trong mùa he |
(BTN) - Hình như chưa có cơ quan nào thống kê xem một năm có bao nhiêu vụ học sinh, sinh viên tự tử, song chỉ cần điểm lại một số thông tin trên báo chí, có thể thấy tình trạng học sinh, sinh viên tự tử diễn ra không ít. Tại Tây Ninh, gần đây- chỉ trong một thời gian ngắn, có hai học sinh trung học phổ thông tự tìm đến cái chết. Trường hợp thứ nhất, một nữ sinh đã uống thuốc trừ sâu chỉ vì bị cha đánh vài roi do cái tội nghiện trò chơi điện tử. Trường hợp thứ hai là một học sinh nam, em này tìm đến cái chết (nhưng được cứu sống) chỉ vì thi rớt tại một kỳ thi cấp khu vực.
Nhân nói về chuyện tự tử ở tuổi học trò, Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Dung- giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh nêu nhận định: Bất kỳ ai, dù ở lứa tuổi nào cũng có thể gặp phải những rào cản tâm lý, những cú sốc trong cuộc sống. Học sinh phổ thông, sinh viên là những đối tượng nhạy cảm trước áp lực của cuộc sống. Những đối tượng này thường đưa ra quyết định bồng bột khi họ nghĩ là mình bị bế tắc. Đặc biệt, đối với học sinh, việc học tập căng thẳng, sự kỳ vọng thái quá của gia đình trong khi khả năng các em có giới hạn cũng là một áp lực. Chính vì vậy, cảm giác thất vọng là yếu tố chủ đạo trong suy nghĩ của một số học sinh. Ngoài ra, còn phải kể đến những mâu thuẫn nảy sinh trong hoạt động hằng ngày giữa các em học sinh với người lớn. Nhiều học sinh còn bị đầu độc bởi những văn hoá phẩm có nội dung thiếu lành mạnh. Phim ảnh nước ngoài du nhập vào Việt Nam với những cảnh chém giết, tự tử, những biểu hiện vô cảm, thế giới ngầm… cũng gây tác động xấu, dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc trong phát triển tâm sinh lý của giới trẻ. Vẫn theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Dung, vấn đề tự tử thường nhạy cảm đối với những người ở độ tuổi dậy thì. Đây là lứa tuổi giao thời giữa tuổi vị thành niên và trưởng thành, các em muốn chứng tỏ cái tôi của mình trước người lớn nhưng thực ra các em chưa đủ khả năng làm được điều đó nên dễ dẫn đến chán nản. Nhiều em nhìn bề ngoài có vẻ cứng rắn nhưng thật ra tâm hồn các em lại rất yếu đuối. Vì vậy, trong tâm lý các em thường xảy ra hiện tượng xung đột, khi bị phê bình hoặc đối xử không công bằng, các em cảm thấy tổn thương, mặc cảm rồi có những hành động dại dột.
Theo khuyến cáo của Tiến sĩ Nguyễn Thị Dung: Các bậc phụ huynh nên quan tâm, gần gũi với con cái. Cha mẹ hãy là bạn của con để chúng có người tâm sự, giải toả những ẩn ức, nhất là không nên sỉ nhục con cái.
Về phía các bạn trẻ, để tránh trầm cảm dẫn tới ý nghĩ tự tử, cần xây dựng cho mình một kế hoạch sống hợp lý. Bản thân các bạn phải có kế hoạch học tập một cách khoa học: kết hợp học hành với nghỉ ngơi, giải trí đồng thời phải chú ý đến chế độ ăn uống đủ chất, nhất là khi mùa thi đang đến gần. Thường khi cùng đường, tuyệt vọng, những người yếu đuối tìm đến cái chết như một sự tự giải thoát. Nhưng dù với bất kỳ lý do gì, cái chết chưa bao giờ được đánh giá là một sự lựa chọn tích cực đáng để mọi người đồng tình ủng hộ.
Việt Đông