BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện thời sự

Nghĩa đồng bào thời đại dịch

Cập nhật ngày: 13/04/2020 - 13:46

BTN - Thời gian gần đây trên cả nước xuất hiện đủ mọi hình thức đóng góp công sức, trí tuệ, tài lực, vật lực để chung tay cùng với Đảng, Nhà nước chống chọi đại dịch, đặc biệt là sự thể hiện “nghĩa đồng bào” đối với những người vốn đã có hoàn cảnh khó khăn nay càng khó khăn hơn…

-A lô, chào nhà báo, cho hỏi thăm chuyện này chút coi. Cách nay gần một tháng, theo dõi thông tin về cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 hôm 18.3, tôi cũng như mọi người Việt Nam ta cả trong và ngoài nước được nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia nói lên cụm từ “nghĩa đồng bào” thật là ấm áp, thân thương. Nhưng mà… thú thiệt tôi cũng chưa hiểu tường tận ý nghĩa cụm từ ấy, ông có nắm vững làm ơn giải thích cho tôi biết rõ với?!

-Vâng, đó là một khái niệm rất đặc biệt mà trên thế giới chỉ có đất nước ta, dân tộc ta mới có nghen ông. Từ “đồng bào” có nghĩa là “chung một bọc”, xuất phát từ sự tích Quốc mẫu Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng, nở ra trăm con. Về sau năm mươi con theo mẹ Âu Cơ lên núi, năm mươi con theo cha Lạc Long Quân xuống biển sinh cơ lập nghiệp rồi phát triển thành cộng đồng dân tộc Việt Nam ta cho đến ngày nay.

Vì thế mọi con dân đất Việt chúng ta gọi nhau là “đồng bào”. Như vậy, “nghĩa đồng bào” chính là nghĩa tình ruột thịt của những người cùng một mẹ sinh ra trong cùng một bọc, cùng mang một dòng máu “con Rồng cháu Tiên”.

-Vậy là tôi đã hiểu rõ vì sao trong cuộc họp ấy, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch đã nói “Người Việt Nam ở nước ngoài trường hợp thực sự cần thiết phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn, Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức, thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đó là nghĩa đồng bào”.

-Vâng, suy nghĩ và hành động ấy đối với đồng bào, không chỉ là nghĩa tình mà còn là đạo lý của dân tộc ta tự ngàn xưa đến nay và mãi mãi lưu truyền đến muôn đời sau. 

-Đó là đối với đồng bào ở nước ngoài, còn đối với đồng bào ở trong nước, Đảng, Nhà nước ta càng phải lo toan mọi mặt. Không chỉ lo phòng, chống dịch bệnh bảo vệ sức khoẻ tính mệnh người dân, mà còn phải lo làm sao duy trì, giữ vững nền kinh tế, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội trong điều kiện phải giãn cách xã hội, mọi người không ra khỏi nhà khi không có việc thật cần thiết… Đúng là “lèo lái con thuyền quốc gia” trong “cơn bão Covid-19” này thật không dễ dàng.  

-Chính vì vậy mà Đảng, Nhà nước ta kêu gọi toàn hệ thống chính trị, mọi người mọi giới hãy chung tay, góp sức cùng phấn đấu khắc phục vượt qua khó khăn trong “trận chiến chống kẻ địch vô hình” này phải không ông?

-Đúng vậy. Như ông đã thấy trên cả nước ta thời gian gần đây xuất hiện đủ mọi hình thức đóng góp công sức, trí tuệ, tài lực, vật lực để chung tay cùng với Đảng, Nhà nước chống chọi đại dịch, đặc biệt là sự thể hiện “nghĩa đồng bào” đối với những người vốn đã có hoàn cảnh khó khăn nay càng khó khăn hơn khi phải thực hiện giãn cách xã hội, ngăn chặn sự lây lan bệnh dịch…

-Vâng, qua theo dõi các phương tiện truyền thông hoạt động hết sức tích cực trong mùa dịch này, tôi biết được trong nước ta bên cạnh sự hy sinh thầm lặng, quên mình, ngày đêm trên “tuyến đầu” của các lực lượng chống dịch, còn có rất nhiều hành động cũng như sáng kiến của mọi ngành, mọi người, từ giới trí thức không ngừng nghiên cứu, sáng tạo các phương tiện, thiết bị phòng chống dịch như rô-bốt phục vụ ở các bệnh viện, các cơ sở cách ly y tế, như phòng khử khuẩn di động phục vụ các điểm xét nghiệm dịch tễ, hay như việc hoàn thiện các phác đồ điều trị hữu hiệu; đặc biệt là việc một tập đoàn kinh tế hàng đầu nước ta vừa chính thức có được bản quyền chế tạo máy thở phục vụ điều trị, thiết bị tối cần thiết để cứu sống bệnh nhân Covid-19… cho đến những người có lòng hảo tâm quyên góp lương thực, thực phẩm giúp đỡ người nghèo khó hơn trong cơn hoạn nạn. Mà cái cách giúp đỡ cùng “muôn hình, muôn vẻ”, chẳng hạn như việc chế tạo cái máy “ATM rút gạo” đã nhanh chóng lan ra cả Nam, Trung, Bắc rồi đó. “Nghĩa đồng bào” trong “cái đận” này thật là sâu đậm hả ông.

-Ông nói tôi mới nhớ, gần nhà tôi có một chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ chấp hành chỉ thị giãn cách xã hội đã đóng cửa ngưng hoạt động, nhưng lại mở cửa để tặng gạo cho người nghèo. Ban đầu cơ sở phát tám trăm ký gạo, đóng trong túi nhỏ năm ký.

Chỉ sau một buổi, một trăm sáu chục túi gạo hết sạch; chủ cơ sở lại đóng thêm một tấn rưỡi gạo nữa để tặng bà con. Có người mách với chủ cơ sở rằng, đã phát hiện vài người nhận gạo mang tới cửa hàng gạo bán lại với giá chỉ năm chục ngàn đồng một túi năm ký.

Người hảo tâm không hề tỏ ra bất bình, lại còn nhỏ nhẹ nói: Không sao đâu ạ, có khi người ta không thiếu gạo ăn, nhưng lại không có thu nhập để mua thức ăn. Tuy rằng năm ký gạo trị giá sáu mươi lăm ngàn, bán lại chỉ được năm chục ngàn, nhưng có được năm chục để mua mắm muối vẫn còn hơn không, ai mà ăn cơm lạt được!

-“Nghĩa đồng bào” kia rất đáng trân trọng. Và tôi vẫn tin rằng, nghe được lời nói ấy, người “khó khăn” phải bán túi gạo từ thiện ấy sẽ không lặp lại chuyện “nhận đi, bán lại” nữa đâu.

Bàn Dân