Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nghĩa tình từ một giải thể thao
Thứ sáu: 21:27 ngày 21/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thực hiện một số hoạt động bên lề của Giải bóng chuyền nữ quốc tế cúp VTV9- Bình Ðiền lần thứ XI năm 2017 diễn ra tại Tây Ninh, Ban tổ chức giải đã dành ra một khoản kinh phí để xây tặng nhà tình nghĩa cho 9 hộ gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đang gặp khó khăn về nhà ở, mỗi căn trị giá 70 triệu đồng- tổng cộng 630 triệu đồng. Tính đến nay, sau hơn một tháng xây dựng, 9 căn nhà tình nghĩa- dấu ấn để lại từ một sân chơi thể thao quốc tế đã cơ bản hoàn thành.

Bà Chời (ngồi ghế) vui mừng khi được địa phương báo tin vào nhà mới.

Trước đó, chúng tôi đã đến thăm căn nhà mới của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lép (89 tuổi) ở ấp Tân Trung B, Tân Hưng, huyện Tân Châu. Khi chúng tôi đến nơi thì người của cửa hàng vật tư xây dựng cũng vừa đến giao thêm gạch ống. “Gạch này để xây lại cái nhà bếp. Còn nhà ở thì xong rồi con à”- nói xong, mẹ Lép chống gậy dẫn chúng tôi vào tham quan nhà mới. Anh Nguyễn Văn Ðậy- con trai út của mẹ Lép đang sơn những khung cửa sổ chuẩn bị để hôm sau thợ đến lắp kính vào.

“Thợ lãnh sơn hết giàn cửa gồm 4 cửa sổ, 1 cửa chính và 1 cửa buồng với giá khoảng 1,5 triệu đồng nhưng tôi thấy mình làm được nên tự làm, tiết kiệm được một khoản để làm việc khác”- anh Ðậy cười nói. Theo lời anh, ngoài số tiền được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, gia đình anh đã bỏ thêm vào 30 triệu đồng nữa để làm phần sân trước và nhà bếp.

Mẹ Lép cho biết, cách đây hơn 20 năm, địa phương cũng đã xây cho bà một căn nhà. Lần này, khi căn nhà đã xuống cấp, địa phương tiếp tục xét đưa hộ gia đình mẹ Lép vào danh sách được hỗ trợ xây nhà bằng nguồn tài trợ của ban tổ chức giải bóng chuyền nữ quốc tế nói trên. Chồng mẹ Lép là liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi ấy đứa con trai út của mẹ chưa tròn một tuổi.

Không lâu sau, người con trai lớn của mẹ cũng lên đường tham gia kháng chiến và cũng đã ngã xuống. Trước, mẹ làm đủ thứ công việc kể cả cày bừa để nuôi con. Gia cảnh khó khăn nên mãi đến khi tuổi đã xế chiều mà mẹ vẫn không thể tự lo cho mình một căn nhà tươm tất. Ðược hỗ trợ xây nhà tình nghĩa lần này, mẹ Lép rất vui mừng vì nỗi lo cuối đời của mẹ đã được giải toả.

Hơn một tháng nay, thương binh 2/4 Trần Văn Trị, 58 tuổi, ngụ ấp Long Trung, xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành nghỉ chạy xe ôm để ở nhà coi thợ làm nhà mới. Hơn 10 năm trước, địa phương đã hỗ trợ cho gia đình ông Trị sửa nhà. Theo thời gian, căn nhà nay đã hư hỏng nặng, mùa mưa nước tràn cả vào nhà do nền nhà thấp hơn mặt đường.

Theo lời kể, ông Trị từng tham gia chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam vào năm 1980. Hai năm sau, trong một lần bị thương, ông mất đi một phần chân phải. Trở về gia đình, người thương binh chỉ còn lại một cái chân lành lặn ấy vẫn phải bôn ba các nơi, bươn chải đủ các nghề để phụ vợ kiếm sống, khi thì đi bán lúa gạo, lúc thì lên tận Tân Châu mở quán bán thức ăn… Làm lụng vất vả, gần như chẳng có ngày nào ở không vậy mà cuộc sống của gia đình ông Trị vẫn rất chật vật, một phần cũng vì bệnh tật đeo mang. Dù rất muốn làm lại ngôi nhà nhưng vợ chồng ông đành bất lực.

Chỉ vào cái hố xây để chứa nước thải sâu hơn nền nhà hiện tại cả mét, ông Trị cho biết đó là phần nền của căn nhà cũ. Bị ám ảnh bởi cảnh ngập ngụa từng chịu đựng trong căn nhà ọp ẹp, thấp lè tè cũ nên lần này, khi được địa phương xét đưa vào diện được hỗ trợ xây nhà, từ sự trợ giúp của anh em, bè bạn, ông Trị đắp thêm vào 37 triệu đồng nữa để nâng nền nhà lên cao khỏi mặt đường. “Nay nhà cửa đã cao ráo, kín đáo, coi như hết lo rồi; giờ lo làm kiếm tiền trả nợ mấy thứ lặt vặt là ổn”- ông Trị vui vẻ nói.

Trong số các hộ được tài trợ xây nhà tình nghĩa lần này, có lẽ khó khăn hơn cả là trường hợp bà Nguyễn Thị Chời, 74 tuổi, ở thị trấn Gò Dầu. Bà Chời cho biết, trước kia, tuy không giàu có nhưng bà cũng có được một mái nhà đàng hoàng. Cách đây chừng 5 năm, do các con làm ăn thất bát, bà đã phải bán nhà trả nợ thay con. Khi chúng tôi đến, căn nhà của bà Chời đã hoàn tất, chỉ đợi dọn vào ở. Ngồi bên cạnh con gái, thi thoảng bà Chời lại đưa tay lên lau vội những giọt lệ trên đôi mắt mờ đục, rồi hỏi mọi người với vẻ bồi hồi: “Vậy là giờ tôi chuyển vào ở luôn được rồi hả chú?”. Có lẽ bà vẫn chưa tin được là giờ đây bà đã thật sự thoát cảnh ở trọ. Có căn nhà mới, tử tế, chuyện nhang khói cho chồng bà- liệt sĩ Trần Văn Ðồng hy sinh năm 1964 hẳn nhiên sẽ được ấm cúng, tươm tất hơn so với trước đó.

“Ðất cất nhà là đất sản xuất nông nghiệp; vì vậy, muốn cất nhà phải xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Chúng tôi đã làm thủ tục trình lên UBND huyện, xin miễn giảm thuế chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư cho bà Chời. Mức thuế được giảm là 70%. Ðây cũng là một cách hỗ trợ của địa phương để bà Chời có được ngôi nhà khi tuổi về già. Nhân đây, chúng tôi cũng gửi lời cảm ơn đến Ban tổ chức Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV9- Bình Ðiền đã hỗ trợ để địa phương làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với gia đình có công”- ông Ðặng Văn Thương - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Gò Dầu cho biết.

Ngọc Diêu

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục