Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bài dự thi Cuộc thi viết “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh Tây Ninh năm 2018:
Nghĩa xóm, tình làng trong phố Ninh Đức
Thứ bảy: 13:29 ngày 01/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có người cứ nghĩ rằng, cùng với đô thị hoá với nhiều phương tiện hiện đại sẽ làm mất đi nghĩa xóm, tình làng. Nhưng ở Ninh Ðức, không những không mất mà còn thêm đậm đà tình người trong phố. Như, khi tôi tìm đường 14A, hỏi về xóm Tà Mun thì ai cũng nhiệt tình chỉ vẽ cho.

Sân bóng đá khu phố Ninh Đức.

Tôi đã vài lần đi qua Ninh Thạnh, mà lần nào về cũng chan chứa những niềm vui. Như mới đây thôi, qua lò bánh tráng Phượng thì được các má, các chị mời ăn bánh tráng. Ôi cái thứ bánh mỏng tang như lụa, lại trong veo mà lấm tấm những điểm hồng của bột tôm hay muối ớt. Cho vào miệng, còn chưa kịp nhấm đã tan ra trên đầu lưỡi những vị ngọt thơm, se một chút cay cay. 

Nhưng thú vị nhất là bữa ấy đã sang chiều, lại gặp ngay một bếp cơm chay từ thiện gọi là Bếp Trăm họ. Tạt vào ngay. Ai ngờ đấy lại là một quán ăn miễn phí kiểu buffet hẳn hoi. Ai vào ăn cũng được. Lúc nào cũng có cơm ủ trong khay nóng sốt. Món ăn cũng có tới năm, sáu món, xếp ngay ngắn trong tủ lưới. Vậy là cũng xin phép “chủ quán”, lấy một đĩa i-nox sáng ngời, rồi cơm canh vài món. 

Cùng ăn với tôi còn có một cậu thanh niên, kính trắng dáng sinh viên, mang khẩu trang. Cậu cứ tự nhiên như là khách quen đã từ lâu lắm. Vừa ăn, cậu vừa kể cho tôi nghe là quán này đã có từ 6-7 năm về trước. Lúc đầu là ở nhà thờ họ: Bùi phủ từ. Chắc đây cũng là quán quen của những người bán vé số tôi từng gặp khá đông khi ngồi ở quán cà phê cạnh cây xăng số 53, đường Ðiện Biên Phủ. Không ngờ, bữa ăn ấy để lại dư vị thơm ngọt dịu dàng lâu đến vậy. Về rồi mà vẫn nhớ miếng cơm thơm bùi nóng rẫy cùng với món tương hột miền Nam ngon ngọt đến vô chừng…

Vậy nên lần này, liên hệ cán bộ Uỷ ban xã cho đến một khu phố nào có đời sống thật hài hoà và văn hoá, ông Châu, Văn thư xã nhiệt tình chỉ cho ngay về Ninh Ðức. Ông bảo, cái khu phố này luôn là ấp, rồi khu phố văn hoá gần hai chục năm qua. Nhiệt tình hơn nữa, sau cốc trà đá (miễn phí) ở quán cà phê, ông lại dẫn tôi đến tận nhà ông Năm Sơn, Trưởng khu phố.

Nhà ông Sơn ngay một góc đường, có đường số 20 chạy qua, mặt đường cao hơn cả sân nhà, thẳng tắp phẳng phiu mặt nhựa. Y như ông Châu đã kể sơ, ông Sơn nằm võng đung đưa đợi phục vụ  người dân.  Quả nhiên, ngồi chưa nóng chỗ đã thấy một chị đưa con đến chứng giấy tờ. Vài phút sau, lại có thêm một thầy giáo đến để nhờ ông tìm địa chỉ một cháu năm tới sẽ vào lớp 1. Mới đầu tháng 8, nhưng các thầy cô giáo Trường tiểu học Ngô Quyền thuộc khu phố Ninh Ðức đã đôn đáo đi vận động từng nhà để trăm phần trăm các em đến tuổi được tới trường.

Trưởng khu phố Hồ Hoành Sơn hoá ra lại là người nắm rõ chân tơ kẽ tóc mọi chuyện của địa phương, từ chuyện lớn như tách nhập ấp hồi xưa, đến chuyện từ ấp lên phường bốn năm về trước. Như chuyện ấp Ninh Lợi được tách ra từ Ninh Ðức vào năm 1979. Rồi chuyện khu phố đạt chuẩn văn hoá ngay từ năm 2002, và liên tục giữ vững danh hiệu ấy đến nay đã 17 năm rồi.

Cả chuyện ấp thành khu phố Ninh Ðức từ ngày 14.2.2014. Cho đến chuyện hộ nào nghèo, hộ nào khó khăn đột xuất. Như hiện nay khu phố có hộ ông Miên, một mình gà trống nuôi hai con ăn học. Các cháu lại học giỏi. Bỗng nhiên, đi khám bệnh ông biết mình bị ung thư đúng giữa lúc rất túng tiền. Ông Sơn liền giới thiệu ông Miên ra Bùi phủ từ xin cấp gạo và cũng giới thiệu lên chùa núi Bà xin hỗ trợ tiền chữa bệnh.

Về chuyện xoá đói giảm nghèo, ông Sơn bảo: “Khu phố còn 8 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo. Nhưng đấy toàn là các hộ “nghèo bền vững” vì là những người cô đơn, già cả hoặc không có sức lao động…”.

Cha và con già làng Lâm Ron.

Với một khu phố có tới 898 hộ, 3.450 nhân khẩu như Ninh Ðức mà các hộ nghèo và cận nghèo chiếm chưa tới 2% thì vẫn là một con số ước ao của nhiều ấp và khu phố khác.

Vậy là Ninh Ðức từ làng quê lên phố, phường đã gần 4 năm. Có người cứ nghĩ rằng, cùng với đô thị hoá với nhiều phương tiện hiện đại sẽ làm mất đi nghĩa xóm, tình làng. Nhưng ở Ninh Ðức, không những không mất mà còn thêm đậm đà tình người trong phố. Như, khi tôi tìm đường 14A, hỏi về xóm Tà Mun thì ai cũng nhiệt tình chỉ vẽ cho.

Hỏi anh chủ trẻ, mới độ tuổi 30 mà đã làm chủ lò bánh tráng hiệu Mười Sơn về nhà ông già làng Lâm Ron. Anh còn dẫn ra tận cửa chỉ cho ngôi nhà mới xây còn bóng ướt màu sơn mới. Ngay cả ông Trưởng khu phố cũng biết, đấy là ngôi nhà mới xây tới 200 triệu đồng, con số mà nhiều người Kinh cũng phải ước ao.

Thử một vòng quanh khu phố Ninh Ðức. Ngoài mặt tiền lộng lẫy trên đường (mà bây giờ nên gọi là đại lộ) mang tên Ðiện Biên Phủ, còn có đến năm bảy tuyến đường “xương cá” đi vào. Ðây là đường Cư Trú đi thẳng vào chợ Ninh Ðức. Ðường Thuyền ở kia là lối bà con có đạo đưa tiễn người đã khuất về nghĩa trang Cực lạc Thái Bình.

Ðường 16 dẫn các em đến Trường tiểu học Ngô Quyền, xanh mướt lá sa kê cùng những chùm trái non treo trĩu trịt. Xin dừng lại ngôi trường một chút. Bởi ông Năm Sơn cũng đã giới thiệu là trường mình từng đi học, dù nay ông trạc năm lăm hay sáu chục tuổi. Vậy trường này đã có ít ra bốn chục năm. Ông Sơn bảo, bây giờ học hành tại đấy văn minh lắm, theo chương trình VNEN gì đấy.

Sáng học sinh đến lớp, trưa bỏ cặp lại, ba mẹ đón về ăn cơm rồi chiều tới học tiếp. Vào thăm ngôi trường xưa chỉ có 1 dãy 2 tầng, 9 căn vẫn còn chắc chắn. Chỉ cái sân rộng đã phải thu hẹp lại để xây thêm một dãy cũng hai tầng phía trước. Sân bê tông rợp bóng sa kê. Vài mảnh đất ở gốc cây còn điểm trang những khóm hoa vàng.

Ðường 14A dẫn ta vào giữa xóm Tà Mun. Còn đường 20, chạy trước nhà ông Năm Sơn. Các con đường xương cá đều nhựa đá có bề mặt rộng hơn 6m phẳng phiu lì láng. Có đường thì điện nước cũng vào theo. Trăm phần trăm hộ dân từ lâu đã dùng điện lưới. Có đến 20% dân mặt tiền xài nước máy. Còn lại 80% là dùng nước sạch giếng khoan. Trên cột điện nào cũng có các bóng đèn “sáng hoá” đường khu phố.

Chẳng biết có phải do “ưu ái” ông trưởng khu phố không mà đường này lại cao hơn mọi con đường khác, khiến sân nhà ông thấp hơn cả mặt đường. Ông bảo chẳng lo, vì đường nào bây giờ cũng có cống thoát nước ra đường Ðiện Biên Phủ. Mà thú vị nhất là đường quanh chợ. Ngày trước chợ vốn là nơi nhếch nhác và ẩm ướt, người buôn bán cũng tự góp tiền làm thêm cả hệ thống thoát nước. Nhờ thế bây giờ chợ đã hoàn toàn khô ráo và sạch sẽ.

Tôi có một thắc mắc đây! Rằng sao ngôi chợ rất đông vui là thế, mà đến nay vẫn lụp xụp những mái tôn, hoặc che bạt, che dù thấp tịt? Ông Năm chậm rãi: “Vướng là do cơ chế. Nhà nước từ lâu đã không cấp ngân sách cho xây chợ nữa (trừ các xã vùng sâu biên giới) nên phải kêu gọi nhà đầu tư. Mà họ thì thiết kế rất ư là hoành tráng, có lầu, có tầng hầm cứ y như là chợ Long Hoa vậy.

Tính ra mỗi hộ phải góp cả trăm triệu. Tiền đâu ra khi đa số tiểu thương ở chợ chỉ bán hàng nông sản, vật dụng tiêu dùng khác? Vậy là bế tắc”. Thế nhưng, trái với cảnh chợ thấp tè, đung đưa võng mắc thì gương mặt kẻ bán người mua vẫn cứ vô cùng tươi tắn. Hay là giữa ngập tràn các loài rau củ quả quê nhà và tươi thắm hàng hoa nên mặt người cũng cứ phải tươi theo? Như một nét duyên riêng của ngôi chợ làng ấp thuở xưa còn lưu ảnh lại.

Từ chợ lại có một con đường bê tông xi măng nối liền các trục đường xương cá. Theo đường này sẽ gặp một ngôi Ðiện thờ Phật mẫu của liên khu phố Ninh Ðức và Ninh Phước. Ðiện thờ như mới làm xong, còn tươi rói màu sơn và ngói đỏ rực hồng. Nếu như trên đường 14A có quán cơm từ thiện là Bếp Trăm họ thì bên này có phòng thuốc Nam từ thiện, nên lúc nào trên sân gạch cũng phơi các vị thuốc nam toả mùi thơm sực nức. Thế là trừ những người mắc bệnh hiểm nghèo như ông Miên đã kể, thì ai ai khi cần cũng được ăn uống và chữa bệnh miễn phí. Hỏi còn mong gì hơn?

Ấy thế mà cả bếp cơm, lẫn nhà thuốc đều không nhiều người đến. Dù cơm ngon canh ngọt và lương y phòng thuốc cũng chuyên môn, bằng cấp hẳn hoi. Một là do lúc tôi đến không phải lúc đông người. Mà hai, có thể do người Ninh Ðức vốn cần cù làm ăn, tự mình lao động và sáng tạo chứ không muốn làm phiền người khác. Ðấy! Cứ đến các lò bánh tráng Mười Sơn hay Quốc Thắng sẽ thấy khung cảnh lao động mới say mê, tất bật làm sao. Và dĩ nhiên, những không gian ấy còn chan chứa niềm vui sống.

Vâng, đông vui nhất vẫn là các lò và sân phơi bánh tráng. Ở mỗi cơ sở như Mười Sơn, hay Quốc Thắng đều có khoảng hai chục thanh niên nam nữ và cả các cô bác trung niên đang tất bật, người nào việc nấy nhịp nhàng. Lò tráng bánh sáng ngời tường gạch men, nồi i-nox, nước bốc hơi nghi ngút. Những tấm phên phơi bánh trên băng chuyền chạy ào ào, nên người đón phên ra có lẽ là cực nhất.

Ngoài sân phơi rộng cả ngàn mét vuông là cọc bê tông chăng giây thép, liền liền xanh những dãy phên phơi. Xe đẩy từng chồng phên tấp nập ra vào. Sân phơi, lò bánh chỗ nào cũng thơm tho sạch sẽ. Cũng có một lần duy nhất môi trường có vấn đề. Nhưng đấy là từ 5 năm trước, khi còn lò bún, nay chủ lò đã phải chuyển nghề.

Tôi chỉ hơi tiếc một chút là những tấm phên nay đã được “hiện đại hoá” bằng phên nhựa, nhẹ hơn loại phên tre hồi mấy năm về trước, nhưng cũng làm mất đi một nét duyên quê. Bánh Ninh Ðức chỉ cần phơi nửa tiếng trong nắng tốt là lại được chở về lò, được các cô bác nhẹ nhàng gỡ ra, xếp thành chồng vuông vức để đưa vào máy cắt. Công đoạn nào cũng nhịp nhàng, thoăn thoắt. Dĩ nhiên là cả những câu chuyện với nụ cười thường trực nở như hoa. Và cũng không có sự khác biệt nào giữa chủ và người làm thuê. Như anh chủ trẻ lò Mười Sơn kia, cũng nhễ nhại mồ hôi, luôn tay trước lò tráng bánh.

Xong việc thì làm gì? Có đi nhậu lai rai chút chút! Tôi hỏi một bạn trẻ. Thì bạn cười cởi mở. Trả lời:- Ra sân đá banh chơi, rồi về tắm táp, cơm nhà. Nhìn ra, quả nhiên gần lò Quốc Thắng có cả một sân banh mà các cầu thủ nhí áo đỏ tươi đang hớn hở chạy cùng trái bóng trên sân. Chợt nghĩ. Giữa lúc đô thị hoá ầm ào, tấc đất tấc vàng thế này mà khu phố Ninh Ðức vẫn giữ cho mình một sân bóng đá. Thật là đáng khâm phục quá.

Chuyện ân tình cuối cùng là trong căn nhà mới của Lâm Ron, già làng Tà Mun. Ông dẫn tôi đi tham quan, nào bếp với toilet sáng bóng, nào phòng khách gạch men với cả một căn gác xép. Ông bảo gác là để dành cho sinh viên các trường đại học năm nào cũng về chiến dịch Mùa hè xanh, hay thực tập.

Cái nhà này do hai cô con gái xây cho đấy! Ông hồ hởi kể. Thì ra hai cô chính là cặp chị em sinh đôi mà tôi đã gặp và chụp hình 5 năm trước trong ngày lễ tộc Tà Mun. Họ đều sinh năm 1997, đã học hết THPT nhưng do hoàn cảnh khó khăn lúc ấy mà không thi vào đại học. Hai chị em nay đều làm ở một siêu thị ngoài phường 3. Cô chị tên Ngân làm Bí thư chi đoàn, đã được kết nạp Ðảng năm 19 tuổi.

Già làng Lâm Ron bảo:- chúng dành dụm tiền rồi bảo cho cha mẹ xây ngôi nhà đàng hoàng mới có thể yên tâm đi làm dâu nhà khác. Nghe đến đây tôi đã thấy nước mắt cứ bịn rịn trong khoé mắt già làng.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục