Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nghịch cảnh xăng dầu: Bán nhiều lỗ lớn, muốn dừng nhanh phải... từ từ
Thứ sáu: 09:34 ngày 07/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhiều cửa hàng xăng dầu ở Long An tự ý dừng bán khi chưa được sự đồng ý của Sở Công Thương địa phương nên bị rút giấy phép kinh doanh. Trong khi đó, nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu cho biết tình cảnh hiện nay là bán càng nhiều, lỗ càng lớn.

Muốn dừng bán phải xin phép

Tối 6/10, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Giám đốc Sở Công Thương Long An - cho biết, hiện tại ở Long An có 4 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang tạm ngưng hoạt động. Lý do là để chủ cửa hàng, doanh nghiệp thực hiện sửa chữa. Việc tạm thời ngưng hoạt động của những cửa hàng này đã được Sở Công Thương đồng ý.

Cũng theo ông Thanh, có 7 cửa hàng ngừng hoạt động do bị Sở Công Thương rút giấy phép. Những cửa hàng này tự ý ngừng bán mà chưa được sự đồng ý của Sở Công Thương.

Hiện tại, Long An đang có 461 cửa hàng vẫn đang hoạt động. Tuy nhiên, nhiều đơn vị báo khó khăn, bị lỗ đề nghị cơ quan thẩm quyền điều chỉnh cách tính giá cơ sở như tăng mức chiết khấu, chi phí vận chuyển, bán hàng...

Long An có 7 cửa hàng ngừng hoạt động do bị Sở Công Thương rút giấy phép.

Chia sẻ với Tiền Phong, một chủ doanh nghiệp xăng dầu ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cho biết, đại lý bán lẻ nằm cuối chuỗi cung ứng, điều kiện bị ràng buộc vô cùng chặt chẽ. Lợi nhuận của đại lý là dựa vào chiết khấu trên lít mà nhà cung cấp đưa ra hằng ngày. Các đại lý chỉ được quyền mua ký hợp đồng với một nhà cung cấp duy nhất và phải được Sở Công Thương chấp thuận. Giá bán ra sẽ được quy định bằng văn bản bởi Bộ Công Thương, theo khung thời gian 10 ngày/lần điều chỉnh.

Trong khi đó, một đại lý bán lẻ xăng dầu phải tốn rất nhiều chi phí trên mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường. Cụ thể, chi phí vận chuyển 100-200 đồng/lít, chi phí nhân viên 300-400 đồng/lít, chi phí hoạt động 100 đồng/lít. Như vậy để đạt mức hòa vốn trung bình, các đại lý cần chiết khấu 600 đồng/lít.

“Tuy nhiên hơn 1 năm nay, chiết khấu chỉ dao động quanh mức 0-200 đồng/lít. Với mức chiết khấu như vậy, các đại lý bán lẻ phải gồng lỗ trên từng lít bán ra. Bán càng nhiều, lỗ càng lớn”, chủ doanh nghiệp xăng dầu này nói.

Do đó, vị chủ doanh nghiệp này kiến nghị Bộ Công Thương cho phép đại lý được mở rộng quyền mua từ 2 nhà cung cấp trở lên. Cơ quan quản lý phải đưa ra mức thù lao sàn, chi phí kinh doanh định mức với đại lý. Mức thù lao này có thể được biến động trong một khoảng nào đó.

Nhiều bất cập khó gỡ

Không chỉ tại Long An, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng gửi văn bản lên Sở Công Thương, kiến nghị giải quyết nhiều bất cập trong thực trạng kinh doanh xăng dầu tại địa phương.

Cụ thể, các doanh nghiệp đã cùng nhau kiến nghị về tình hình kinh doanh, chính sách chưa hợp lý và cho rằng không thể tiếp tục kinh doanh trong thời gian tới nếu không có gì thay đổi và tiếp tục lỗ chồng lỗ.

Các doanh nghiệp này phản ánh, đã hơn 8 tháng nay, các cửa hàng xăng dầu của doanh nghiệp đều gặp phải tình trạng kinh doanh thua lỗ do giá bán lẻ tại cửa hàng thấp hơn giá mua và chi phí vận chuyển. Trung bình các doanh nghiệp lỗ từ 15 - 80 triệu đồng/tháng, tùy vào lượng hàng bán ra nhiều hay ít.

Để duy trì hoạt động của cửa hàng xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đi lại của người dân, doanh nghiệp vẫn phải trang trải chi phí lương, bảo hiểm xã hội cho nhân viên, chi phí điện, nước, khấu hao sửa chữa… Như vậy, ngoài lỗ chi phí kinh doanh, doanh nghiệp còn lỗ thêm chi phí vận hành, tiền lương.

Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu càng bán càng lỗ.

Theo quy định, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu chỉ được ký hợp đồng với một thương nhân đầu mối hoặc một thương nhân phân phối xăng dầu... Quy định trên khiến cho doanh nghiệp không có quyền được lựa chọn giá tốt từ nhiều nhà cung cấp để mua. Chưa kể, khi thương nhân cung cấp hết hàng, doanh nghiệp cũng không thể mua từ nhà cung cấp khác, dẫn đến tình trạng bị thiếu hàng cục bộ.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện nay mức chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu rất thấp, thậm chí là 0 đồng, hoặc nếu có cũng chỉ từ 70 - 200 đồng nên không có lãi; nguồn cung cũng bị hạn chế, không thể lấy thêm dư lượng hàng như trước.

Từ những bất cập nêu trên, các doanh nghiệp cùng kiến nghị cơ quan chức năng xem xét thay đổi chính sách điều hành giá bán lẻ xăng dầu, nhằm đảm bảo giá bán lẻ bán ra phải đủ để doanh nghiệp bù đắp những chi phí cần thiết nhằm duy trì hoạt động của cửa hàng xăng dầu.

Các doanh nghiệp kiến nghị cũng đưa ra ý kiến, nếu sau ngày 25/11 vẫn không được xem xét và có những thay đổi phù hợp thì sẽ đóng cửa các cửa hàng bán lẻ, không thể gánh thêm chi phí.

Nguồn TPO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục