Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ðường Nguyễn Văn Bạch thênh thang bê tông nhựa. Bên đường có vườn cây cao su cuối cùng sót lại ở khu đô thị mới, khu phố 5, phường 3. Cả phố dài rộng và đẹp thế mà chỉ có mươi căn nhà đã xây xong hoặc còn đang xây dựng.
1. Về phường cắt cỏ
Ngôi lớn nhất trong đó là ngôi một trệt, bốn lầu đang đăng bảng cho thuê phần tầng trệt. Toàn nhà đẹp mà đường trống toang không mấy người đi. Chợt hai bác tuổi tầm 60 cưỡi xe honda đời cũ gặp nhau râm ran chào hỏi. Qua câu chuyện mới biết một bác đi bán vé số, còn bác kia đi cắt cỏ nuôi bò. Hai bác vốn quen nhau và nhà cùng ở Cầy Xiêng, cách TP. Tây Ninh chừng 5km. Tôi mua hai tấm vé, rồi trò chuyện cùng bác đi cắt cỏ. Thì ra, trên vùng quê bác cỏ cũng đang khan hiếm. Một là do bò có nhiều người nuôi. Hai là đất đai cũng đã tận dụng để canh tác xít xao. Những phần bờ bụi hoang vu cho cỏ mọc cũng không còn nhiều nữa. Vậy thì về thành phố để… tha hồ cắt cỏ nuôi bò.
Vâng! Quả nhiên nơi tôi và hai bác đứng, ngoài con đường nhựa bóng láng và vài căn nhà kiểu cọ sáng trưng nhôm kính, màu sơn thì toàn những bãi hoang tha hồ cỏ mọc. Ðang giữa mùa mưa, cỏ mươn mướt xanh hoặc có đám hoe vàng. Ðất đã phân lô, có chủ hoặc chưa, nhưng diện tích xây dựng chỉ chiếm một hoặc vài phần (mười), nên không chỉ có người cắt cỏ. Ai đó dắt cả bò tới chăn. Và với bác ở Cầy Xiêng thì thích quá đi rồi! Chỉ cưỡi xe bon bon chừng vài cây số đường nhựa chỉ buổi sáng đã có vài bao cỏ tươi dồn chặt đem về. Cái nghịch lý này xem ra lại rất là hợp lý…
2. Cây lớn xa rừng
Cũng cần nói trước là cây lớn ở những vùng rừng đang quản lý lỏng lẻo thôi; chứ những nơi chặt chẽ như Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát thì đừng có mà mơ tưởng. Vụ lỏng lẻo mới nhất gần đây là cây giáng hương trăm tuổi trên rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Dầu Tiếng. Người ta đã suýt thành công trong việc đào trộm cây để bán. Việc bại lộ, ngành chức năng truy tìm. Ông chủ mua nghe nói ở thị trấn Tân Biên đành mất toi gần trăm triệu. Vẫn là còn may đấy, thưa ông!
Nhưng, chỗ này hay chỗ khác, trong thành phố thế nào cũng có chỗ chứa toàn cây to để bán. Sau những mùa vụ mía, mì, cao su… thắng lợi, nhiều người có điều kiện kinh tế mua đất rộng, cất nhà lầu, biệt thự. Họ luôn không quên có một vuông vườn nho nhỏ. Vườn nhỏ nhưng cây trồng lại thật to, như để chứng tỏ vị thế của mình. Có cầu tất có cung. Cây cổ thụ của rừng, hoặc cây quý hiếm sẽ mọc trên sân nhà họ. Thêm vài tiểu cảnh sân vườn nữa, như núi đá và suối giả là đã có một giang sơn cẩm tú của riêng mình. Ðời như thế chẳng sướng sao!
3. Nhà cổ- cà phê
Thời đô thị hoá và xây dựng nông thôn mới. Người các vùng quê nhân dịp làng xã đổi mới, khi có điều kiện cũng xây cho mình ngôi nhà y như ở phố. Và ngược lại, người ở phố lại đã chán những bê tông, kính chớp, thép nhôm… để dựng mình căn nhà gỗ kiểu xưa. Nhưng, nhiều nhà gỗ cổ nhất ở thành phố Tây Ninh bây giờ lại là các quán cà phê. Chưa tính được, nhưng cũng thấy ngay là có đến cả trăm quán cà phê có nhà gỗ cổ.
Dân Tây Ninh ta ghiền cà phê hay sao mà hầu như quán nào cũng đông người? Vậy là nhà gỗ, nhà xưa của cả tỉnh bỗng như được tụ hội về thành phố. Và ngược lại, những ngôi nhà mộc mạc dân gian, như nhà chữ đinh, nhà rường cột kiểu Trung, kiểu Huế cũng thưa vắng dần ở các miền quê. Mà ngay cả các xóm ấp của bà con dân tộc ít người sinh sống cũng đã mất dần nhà sàn.
Hồi lễ Ramadal, đến thánh đường Tân Trung A, xã Tân Hưng, tôi ngơ ngác tìm một ngôi nhà sàn Chăm bên cạnh giáo đường đã quen nhìn từ hơn chục năm qua, mà không thấy. Hỏi mới biết có người đã mua trọn bộ đem về mãi tận Ðồng Nai. Dường như có một khoảng trống hụt hẫng nào đó trong lòng. Chẳng biết nghịch lý này là hay hoặc dở. Cái này đành để các nhà hoạch định kế hoạch xây dựng tương lai cân nhắc tìm lời giải đáp. Có những thứ khi đã mất đi thì rất khó phục hồi.
4. Con chim xanh
Có phải vì tất cả những câu chuyện trên, mà dạo này có nhiều cánh chim lạ bay về thành phố? Như con quạ đen bay đến một nhà trên phường 1. Còn ô vườn bé xíu của tôi có thêm vài bóng chim xanh. Chẳng biết đây có phải là “con chim xanh nó đậu cành chanh” trong câu ca dao tôi thuộc? Nhưng đây là loại chim hút mật.
Biết vậy là nhờ chim thường đến đậu trên từng cành hoa râm bụt trước sân. Chúng thoăn thoắt chuyền cành, phần lưng óng xanh màu lông chim trả, còn cái bụng vàng ươm màu của kén tằm. Chim đậu lại trên cuống hoa, rồi thò chiếc mỏ dài điệu đàng vào nõn hoa soi mói. Mà chỉ trong tích tắc thôi, rồi chim lại nhảy nhót sang cành hoa khác.
Ôi, những chú chim hút mật bé bỏng của Tây Ninh tôi! Các em không phải đập cánh đến cả trăm lần một phút như chim hút mật trong các chương trình Discovery của nước ngoài. Mà chỉ đậu vào những cành mềm của cánh hoa tươi mà hút mật. Liệu có khi nào các em lại bỏ phố mà đi, để trở lại rừng hoặc những miền quê?
NGUYỄN