BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Nghiện” app sửa ảnh 

Cập nhật ngày: 25/09/2023 - 09:54

Thấy bạn thân đăng hình chụp chung lên Facebook, Ngọc Loan lập tức gọi điện bắt xóa bởi “đăng ảnh gốc giống như để mặt không trang điểm ra phố”.

"Ít nhất cũng nên sửa dáng người để nhìn gầy hơn. App chỉnh ảnh nhiều, tại sao phải đăng ảnh gốc?", cô gái 20 tuổi ở Hà Nội nói với bạn.

Kể từ khi chơi mạng xã hội, Loan đã quen với việc sửa ảnh để bản thân mình có dáng vẻ và khuôn mặt hoàn hảo nhất trước khi đăng. Cô coi đây là cách để trở nên tự tin hơn và “tôn trọng người nhìn”.

Trước khi có các ứng dụng (app) trên điện thoại, Loan thường chỉnh dáng cơ thể bằng phần mềm ở máy tính. Cô gái tiết lộ bí quyết tạo nên một bức ảnh hoàn hảo thì kỹ thuật chụp chỉ chiếm ba phần, 7 phần còn lại dựa vào sự hỗ trợ của công nghệ.

"Bạn thích người cao hay gầy, tóc nhiều hay ít, thậm chí trang điểm đậm hay nhạt, các ứng dụng đều có thể đáp ứng. Một số app mất phí còn có thể tự động nắn chỉnh cơ thể tự nhiên nhất", Loan cho biết.

Ngọc Loan sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh để “bóp eo” tạo hình cơ thể gầy hơn, tháng 8/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trước đây, chị Hải Hà (40 tuổi) ở Quảng Ninh luôn tự tin đăng ảnh chân dung lên mạng xã hội bởi có ngoại hình cân đối, gương mặt thanh tú. Nhưng tuổi tác thay đổi, bận rộn công việc, chăm sóc chồng con, khiến cân nặng của chị tăng lên, mặt cũng nhiều nếp nhăn. Lâu dần, bà mẹ hai con ngại chụp hình, khoe ảnh mới lên trang cá nhân.

Tết 2020, tình cờ được cháu gái dạy chỉnh ảnh trên điện thoại, chị Hà mới trút bỏ được gánh nặng. Chị nói, các bộ lọc trên app có thể khiến cơ thể như gầy đi 5-7 kg, làn da căng bóng, mịn màng. “So với các phương pháp thẩm mỹ tốn tiền, nhiều rủi ro, chỉnh sửa ảnh giúp tôi tự tin trên mạng xã hội”, chị nói.

Không chỉ các chị em, nhiều nam giới cũng tìm đến ứng dụng chỉnh ảnh để “cứu rỗi nhan sắc”. Phan Nam (28 tuổi) ở TP HCM từng nâng mũi, tiêm chất làm đầy môi, cằm, tạo má núm đồng tiền, cắt mí mắt để có gương mặt ưa nhìn. Nhưng can thiệp dao kéo không giúp bờ vai xuôi của anh trở nên rộng hơn hoặc cải thiện chiều cao từ 1,65 m lên 1,8 m. “Từ trước đến nay tôi rất ngại chụp ảnh toàn thân bởi thấp nhưng khi biết đến các app kéo dài cơ thể, tôi đã tự tin tạo mọi dáng”, Nam nói.

Không khó để nhận ra sự bùng nổ và phổ biến của các ứng dụng chụp, chỉnh sửa ảnh trên smartphone. Chỉ cần tìm kiếm bằng từ khóa “chỉnh ảnh” trên các kho ứng dụng App Store của iOS hay CH Play của Android, người dùng nhận được hàng trăm kết quả, hầu hết có vài chục nghìn lượt tải. Các video dạy chỉnh sửa ảnh cũng thường thu hút hàng trăm nghìn lượt xem và bình luận.

Một số nghiên cứu khoa học đã chứng minh cơn sốt dùng app chỉnh sửa ảnh đã lan rộng toàn cầu. Trong báo cáo nghiên cứu Thay đổi hình ảnh hoàn hảo: Điện thoại thông minh, mạng xã hội và áp lực về ngoại hình năm 2021 của giáo sư Rosalin Gill, trường Đại học London (Anh) cho thấy 90% phụ nữ ở nhiều nước khác nhau được khảo sát đã sử dụng bộ lọc hoặc chỉnh sửa ảnh làm đều màu da, định hình lại hàm, làm trắng răng, sửa dáng mũi, “bóp” cơ thể để gầy hơn.

Chuyên gia giáo dục, tiến sĩ Vũ Thu Hương (Hà Nội) chỉ ra 3 lý do khiến các ứng dụng chụp, chỉnh sửa ảnh được ưa chuộng. Một là nhiều người tự ti về ngoại hình, từng là nạn nhân của body shaming (miệt thị ngoại hình) nên muốn xuất hiện với dáng vẻ hoàn hảo hơn; hai là nhu cầu thích được khen, nghiện sống ảo trên mạng và ba việc xuất hiện nhiều bài viết về “hình mẫu cơ thể lý tưởng” tạo góc nhìn lệch lạc, khiến nhiều người coi đó là chuẩn mực. Bên cạnh đó, sự phát triển của mạng xã hội cũng góp phần thúc đẩy xu hướng chỉnh sửa ảnh trở nên phổ biến.

Anh Quốc Thiên, thợ chụp ảnh ở Hải Phòng, cho biết chỉ khoảng 5 năm trước, khách chỉ yêu cầu chụp ảnh đẹp, chân thực nhưng nay đều yêu cầu phải hậu kỳ rất kỹ. “Nhiều bức ảnh sau khi chỉnh sửa theo yêu cầu của khách, tôi không thể nhận ra họ”, anh nói.

Không phản đối việc chỉnh sửa ảnh cá nhân, nhưng tiến sĩ Vũ Thu Hương khuyên người dùng không nên lạm dụng, tránh để lại hệ lụy ngoài ý muốn.

Theo chuyên gia, sau một thời gian dài sử dụng các app này, hầu hết người dùng đều xuất hiện biểu hiện “nghiện” (lệ thuộc), nhận thức méo mó, lệch lạc về ngoại hình của bản thân và người xung quanh. Trên thực tế, những người “nghiện app” bị những người biết rõ về ngoại hình thực tế hoặc phát hiện chỉnh sửa bị lỗi coi thường, chê cười và cuối cùng là đổ vỡ các mối quan hệ khi người trong ảnh và thực tế không “ăn khớp” nhau.

Ngọc Loan thừa nhận không thể sống thiếu các ứng dụng chỉnh sửa ảnh. Nhưng càng dùng app, cô càng mặc cảm về ngoại hình. Mặc bạn bè khẳng định cơ thể cân đối, ảnh chụp đẹp, Loan vẫn kiên quyết dùng bộ lọc để kéo chân và bóp eo.

"Cô ấy chưa bao giờ hài lòng với bản thân. Lúc nào cũng chỉ ra những điểm không vừa ý trên cơ thể và cần mẫn nắn chỉnh", Yến Nhi, bạn của Loan nói.

Liên tục nhận lời ngợi khen của bạn bè mỗi lần đăng ảnh khiến chị Hải Hà càng lạm dụng các ứng dụng chỉnh sửa. Tuy nhiên, người phụ nữ 40 tuổi không biết bản thân trở thành chủ đề bàn tán của bạn bè, đồng nghiệp bởi ảnh trên mạng khác xa thực tế. Mọi chuyện chỉ dừng lại khi bạn thân khuyên chị dừng đăng ảnh chỉnh sửa vì nghe được những lời đàm tiếu không hay. “Tôi không nghĩ những người từng để lại lời khen trên mạng xã hội lại tải từng bức ảnh của mình về để bình phẩm, cười cợt”, chị nói. Một thời gian sau, chị Hà chuyển các bức ảnh về chế độ riêng tư và chỉ chia sẻ vào nhóm gia đình làm kỷ niệm.

Phan Nam từng phải khóa Facebook vì bạn gái quen trên mạng xã hội viết bài “bóc phốt”, cho rằng anh chỉnh sửa ảnh quá mức với âm mưu lừa dối tình cảm.

“Chỉ là vài bức ảnh khiến bản thân tự tin trên không gian ảo, tôi không nghĩ bị đối xử như vậy”, chàng trai kể. Từ đó, Nam khẳng định chỉ yêu người đã gặp ngoài đời và sẽ tiếp tục chỉnh sửa ảnh bởi quen với “dáng vẻ” hiện tại.

Để tránh tổn thương tâm lý, chuyên gia Vũ Thu Hương khuyên mọi người, đặc biệt là giới trẻ nên yêu bản thân thay vì tạo ra một người khác lạ trên mạng xã hội.

Riêng với nhóm đang lệ thuộc vào các ứng dụng, bà Hương gợi ý nên giảm dần tần suất chỉnh sửa. Ví dụ, ngày trước họ dùng bộ lọc để nắn chỉnh toàn thân thì nay nên sửa một số bộ phận dễ nhận thấy như bụng, tay, chân, không đi sâu vào chi tiết. Bên cạnh đó, người chụp cũng nên học cách tạo dáng che khuyết điểm thay vì tâm lý ảnh phải qua chỉnh sửa. Lâu dần, khi họ quen với dáng vẻ hiện tại, tư tưởng lạm dụng app chỉnh ảnh sẽ không còn.

"Thứ chúng ta thấy qua ảnh chỉ là 2D. Khi một người gặp bạn, họ sẽ thấy tổng hòa của dáng vẻ bên ngoài, nhân cách và thần thái toát ra. Đó là lý do nhiều người có ngoại hình bình thường vẫn rất thu hút. Hãy dừng chạy theo những thứ vô thực mà đánh mất chính mình", chuyên gia nói.

Nguồn VNE