Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thạc sĩ Nguyễn Thiện Mỹ Tâm cho rằng chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm đối với sinh viên hiện đang tồn tại nhiều bất cập, yếu kém.
|
Sinh viên Trường CĐSP Tây Ninh đang làm bài thi kết thúc học phần |
(BTN) - Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh vừa mới tổ chức một cuộc hội thảo khoa học, nội dung xoay quanh chủ đề: làm gì và làm thế nào để tiếp tục cải thiện chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng “sản phẩm” đào tạo của nhà trường. Cuộc hội thảo có sự tham gia của một số giảng viên đang trực tiếp giảng dạy ở các khoa, ngành học khác nhau. Trong số nhiều nội dung được trình bày tại buổi hội thảo, bản báo cáo khoa học của thạc sĩ Nguyễn Thiện Mỹ Tâm (thuộc Phòng Khoa học và Công nghệ) khiến cho những ai quan tâm đến chất lượng giáo viên phải chú ý và không khỏi băn khoăn.
Với tên gọi: “Nâng cao năng lực sư phạm của sinh viên thông qua việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm”, thạc sĩ Nguyễn Thiện Mỹ Tâm cho rằng chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm đối với sinh viên hiện đang tồn tại nhiều bất cập, yếu kém. Cụ thể là việc đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm chỉ mới dừng lại ở mức sơ đẳng như: cách trình bày vấn đề, viết bảng, diễn giải và xử lý một số tình huống sư phạm. Những kỹ năng quan trọng và cần thiết khác thì lại chưa được chú trọng đúng mức. Ví dụ như kỹ năng làm việc với sách giáo khoa, sử dụng các thiết bị dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục, giao tiếp, hội nhập, lập kế hoạch… Theo bà, có nhiều nguyên nhân khiến kỹ năng sư phạm của sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu của việc giảng dạy, trong đó có một phần nguyên nhân từ phía chính các giảng viên của trường sư phạm. Có giảng viên tuy trình độ chuyên môn vững nhưng lại thiếu kinh nghiệm và nhất là thiếu hiểu biết thực tế về giáo dục phổ thông. Một số giảng viên trẻ thì lại chưa có kinh nghiệm trong việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên. Công tác thực tập sư phạm ở trường phổ thông vẫn còn đó những bất cập do thiếu đội ngũ giáo viên hướng dẫn. Có trường phổ thông còn giao sinh viên thực tập cho những giáo viên thiếu kinh nghiệm thực tế, thậm chí giáo viên trái môn hướng dẫn. Một nguyên nhân khác: sinh viên sư phạm còn thụ động trong việc tự rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm.
Để minh chứng cho những nhận định vừa nêu, bản báo cáo khoa học nêu ra ba câu hỏi để sinh viên trả lời mà kết quả thu được đã cho thấy: nhận thức của sinh viên sư phạm (nhất là những sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai) về học tập nghiệp vụ sư phạm còn rất hạn chế. Cụ thể có chưa đến 15% sinh viên được hỏi cho rằng việc học, trau dồi nghiệp vụ sư phạm là rất quan trọng và học thường xuyên, nghiêm túc. Hơn 11% trả lời việc học nghiệp vụ sư phạm “ít quan trọng” trong khi hơn 49% lại cho rằng học nghiệp vụ sư phạm là… “không quan trọng, không cần thiết”. Ý thức về học nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm chỉ được nâng lên đối với sinh viên đã học năm thứ 3 (nhưng cũng chỉ đạt gần 64%).
Ở một chừng mực nào đó, có thể nói bản báo cáo khoa học khó mà chính xác tuyệt đối, nhất là liên quan đến con số, song về cơ bản- kết quả điều tra, thu thập mà bản báo cáo đã nêu lên được nhìn nhận là sát với thực tế hiện nay. Tình trạng một bộ phận không nhỏ giáo viên yếu chuyên môn, thậm chí là… không biết dạy có một nguyên nhân rất quan trọng: kỹ năng sư phạm quá yếu. Người viết bài này còn nhớ, tại một cuộc hội thảo khoa học được tổ chức ở khách sạn Hoà Bình (thị xã Tây Ninh) cách nay gần một năm, một vị phó giáo sư đã dẫn một câu triết lý của ai đó về nghề dạy học: “Người thầy dạy dở là người rót kiến thức cho học sinh. Người thầy dạy giỏi là người dẫn dắt học sinh đi tìm kiến thức”. Nói cho ngắn gọn: học sinh không phải là cái phễu vô đáy để người dạy muốn rót bao nhiêu thì rót. Do kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm yếu nên khi lên lớp, nhiều thầy cô giáo đã hết sức chật vật với bài giảng, kể cả những bài được coi là đơn giản, dễ dạy. Người thầy đương nhiên khác với người thợ. Nghề dạy học, nếu kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm bị hạn chế thì phải gọi là… thợ dạy, không phải những “kỹ sư tâm hồn”. Thầy giáo hiểu bài là một chuyện nhưng để làm cho học trò hiểu bài lại là một chuyện khác. Trong thời gian qua, đã có nhiều, quá nhiều ý kiến lên án, phàn nàn sách giáo khoa bị quá tải. Điều này không sai nhưng thẳng thắn mà nói sách giáo khoa không phải là “thủ phạm” duy nhất gây tình trạng quá tải mà một phần nguyên nhân còn do năng lực sư phạm của chính giáo viên. Chẳng có gì khó giải thích khi cùng một bài học nhưng có giáo viên dạy rất “khoẻ”, đơn giản, gọn nhẹ và hiệu quả thì lại có người phải “trì trà trì trật”, đánh vật toát cả mồ hôi mới xong bài.
ĐỒNG VIẾT THẮNG