Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chào nhà báo, dạo gần đây tôi nhận thấy… dường như báo mấy ông đăng những tin bài viết về người tốt việc tốt nhiều hơn lúc trước. Ngược lại, những bài phản ánh những hiện tượng tiêu cực, những việc làm chưa tốt, có vẻ ít hơn. Sao vậy ông, hay là báo mấy ông muốn… “tốt khoe, xấu che”?
-Ông nhận ra điều đó chứng tỏ ông là bạn đọc khá tinh ý của bổn báo. Nhưng mà… xin lỗi, ông nói có phần đúng, nhưng cũng có phần chưa đúng lắm đâu nghen.
-Là sao?
-Ông nói gần đây lượng tin, bài về những sự việc, con người tích cực, tiêu biểu có đăng báo nhiều hơn là đúng. Còn ông nhận định bổn báo “tốt khoe, xấu che” là sai. Nói như vậy, hoá ra ông “lên án” bổn báo nói “một chiều”, “phiến diện” à?!
-Xin lỗi, tôi không có ý đó, chẳng qua là tôi muốn nghe hết “gan ruột” mấy ông đó mà. Ông có thể nói rõ về chuyện “tin tích cực nhiều hơn tin tiêu cực” cho tôi biết được chứ.
-Có gì không được. Nhưng trước hết ông phải xác định quan điểm với Bàn Dân, rằng trong xã hội bao giờ chuyện tốt lành, người lương thiện cũng nhiều hơn chuyện xấu, người ác. Ông có đồng ý không?
-Đồng ý thôi.
-Xin thưa, về tỷ lệ, liều lượng thông tin trên báo bao giờ cũng phải phản ánh đúng thực tế cuộc sống. Chỉ có điều do cuộc sống xã hội cơ bản là tốt, không tốt sao mà tồn tại được, cho nên bao nhiêu việc tốt diễn ra cũng là điều bình thường, ít gây sự chú ý hơn những sự việc tiêu cực, thường là việc đột xuất, lâu lâu mới xảy ra. Và nếu như sự chú ý đó phần nhiều chỉ qua những lời đồn, chứ không phải ai cũng đều chứng kiến, thì cần có sự phản ánh chính xác, trung thực trên các phương tiện truyền thông đại chúng để tránh sự thêu dệt, thổi phồng dễ gây hoang mang dư luận. Chỉ có vậy thôi.
Về chuyện gần đây, ông thấy báo đăng nhiều thông tin về người tốt việc tốt ở các địa phương, đơn vị trong tỉnh là vì sắp tới tỉnh ta sẽ tiến hành Đại hội Thi đua yêu nước để tổng kết phong trào thi đua, công tác khen thưởng trong giai đoạn gần đây (2015-2020). Mà trong 5 năm ấy có biết bao gương tốt xuất hiện trong một tỉnh có hơn một triệu một trăm ngàn dân. Chính vì vậy mà báo chí đưa tin người tốt việc tốt có nhiều hơn, tập trung hơn dạo trước.
-Nghe ông giải thích tôi nắm được phần nào rồi. Nhưng… theo tôi nghĩ việc phát động thi đua thông thường là diễn ra trong cơ quan, tổ chức của các ngành, các cấp thuộc khu vực Nhà nước, chứ còn ngoài xã hội, tức là trong các thành phần dân cư thì…
-Cái này thì… đúng là ông nhận thức chưa thấu đáo về phong trào thi đua yêu nước trong thời đại ngày nay rồi. Sẵn đây, Bàn Dân nói cho ông hiểu luôn. Phong trào thi đua yêu nước ở nước ta đã có khá lâu rồi, từ 72 năm về trước. Khi ấy, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược nước ta đến giai đoạn gay go, quyết liệt, ngày 11.6.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi đến toàn quân, toàn dân “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” nhằm động viên toàn thể dân tộc ta phát huy mọi khả năng, cống hiến to lớn cho cách mạng để “làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”. Từ đó cho đến ngày nay, “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Bác Hồ vẫn vẹn nguyên giá trị, nhất là vế sau của câu trích dẫn trên “làm sao cho… kiến quốc chóng thành công”.
Thực tế như ông đã biết, ngày nay cả nước ta đang trong giai đoạn “kiến quốc” tức là xây dựng đất nước, cả nước tiến lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Vì thế, “Thi đua yêu nước” là nghĩa vụ của tất cả mọi tầng lớp nhân dân, chứ không chỉ riêng của cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức… đâu nghen ông.
-Nhưng mà… như tôi là dân không có chân trong cơ quan, đơn vị nào của Nhà nước thì… thi đua làm sao?
-Sao lại không! Này nhé, địa phương nơi ông ở chính quyền, đoàn thể có phát động “Chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Chung tay xoá đói giảm nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”… không? Và còn nhiều phong trào khác nữa, Bàn Dân tin rằng ông cũng có tham gia; nghĩa là ông cũng đang thực hiện “Thi đua ái quốc” như lời Bác Hồ dạy rồi đó!
-À ra vậy. Vậy thì tôi phải tham gia hăng hái hơn nữa mới được.
BÀN DÂN