BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giới thiệu sách

“Nghìn năm bia miệng” hãy còn… 

Cập nhật ngày: 24/05/2019 - 14:11

BTN - Bộ sách “Nghìn năm bia miệng” là một tư liệu cần thiết cho những ai yêu văn hoá đất phương Nam, để hiểu thêm vẻ đẹp của nơi mình đang sinh sống.

Người Việt không ai không biết câu ca dao: “Trăm năm bia đá thì mòn/ Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ…”. Bộ sách “Nghìn năm bia miệng” do hai nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và Trương Ngọc Tường biên soạn vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh tái bản là một công trình sưu tập hết sức công phu. Đây là một sự khai thác khá hoàn chỉnh và đầy đủ kho tàng văn học dân gian, tập trung vào các giai thoại, sự tích đã lưu truyền trong suốt quá trình trên 300 năm khai phá vùng đất phương Nam.

Nói về vấn đề này, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh khẳng định trong Lời nhà xuất bản: “Lịch sử hơn 300 năm khai mở vùng đất Nam bộ chưa phải là dài so với bốn ngàn năm lịch sử của dân tộc. Song người dân Nam bộ có quyền tự hào khi nói về kho tàng văn hoá phong phú và đa dạng mà lớp lớp cư dân sinh sống trên vùng đất này đã sáng tạo nên, trong đó có kho tàng sự tích và giai thoại dân gian...”. Đến nay, nguồn văn hoá ấy không hề mai một, bởi nó có một sức sống mạnh mẽ và giá trị nhân văn to lớn như tầm vóc và tâm hồn của con người trên vùng đất mới này.

Bộ sách gồm 2 tập, dày trên 700 trang, khổ 16x24cm, tập hợp gần 200 giai thoại và sự tích sống động, lôi cuốn với lối viết văn Nam bộ mộc mạc. Từ những câu chuyện về bước đầu khai phá gian nan, nguy hiểm trên vùng đất hoang sơ như đánh cọp, giết rắn, khắc phục những thách thức từ sự khắc nghiệt của thiên nhiên, cho đến những giai thoại về những người anh hùng kháng Pháp, bảo vệ Tổ quốc như Trương Định, Trương Quyền, Thủ khoa Huân, Thiên hộ Dương hay những bậc văn tài Nguyễn Đình Chiểu, Sương Nguyệt Anh, Phan Văn Trị, Phan Thanh Giản…

Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều câu chuyện nêu bật giá trị nhân văn về lối sống đạo đức trong sáng của người Việt. Đăc biệt còn có một số giai thoại bắt nguồn từ đất Tây Ninh như Sự tích núi Bà Đen, Sự tích tảng đá nằm trên ngọn cây dầu ở Trại Bí (huyện Tân Biên), Câu chuyện “Nước nóng trừ bệnh điên” gắn liền với địa danh Giếng Mạch (phường 3, TP Tây Ninh), Sự tích về miễu Ông Gốc (huyện Gò Dầu) và bến Trường Đổi (phường 1, TP Tây Ninh).

Bộ sách “Nghìn năm bia miệng” là một tư liệu cần thiết cho những ai yêu văn hoá đất phương Nam, để hiểu thêm vẻ đẹp của nơi mình đang sinh sống. 

PHAN KỶ SỬU