Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
UBND tỉnh đã cấp phép cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân được tận dụng đất dôi dư từ dự án nuôi trồng thuỷ sản, hạ cấp đất nông nghiệp phục vụ các công trình. Thế nhưng, điều đáng lo ngại là hầu hết các dự án này đều có sai phạm trong quá trình khai thác.
Ðất, sỏi đỏ là vật liệu quan trọng trong xây dựng hạ tầng giao thông, mặt bằng cho các công trình xây dựng nên thời gian qua, tỉnh đã rà soát, quy hoạch các vị trí được khai thác trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã cấp phép cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân được tận dụng đất dôi dư từ dự án nuôi trồng thuỷ sản, hạ cấp đất nông nghiệp phục vụ các công trình. Thế nhưng, điều đáng lo ngại là hầu hết các dự án này đều có sai phạm trong quá trình khai thác.
Những dự án nuôi trồng thuỷ sản, hạ cấp đất nông nghiệp khai thác đất vượt mức cho phép.
MÓC AO NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN HAY KHAI THÁC KHOÁNG SẢN ?
Dự án nuôi trồng thuỷ sản của hộ ông Nguyễn Ðình Thanh tại ấp Thanh An, xã An Bình, huyện Châu Thành có diện tích đào ao hơn 6.800m2, độ sâu cho phép là 2,5m. Hộ ông Thanh được tận dụng đất dôi dư với khối lượng hơn 11.400m3. Thế nhưng, khi ông Thanh thực hiện dự án, người dân phản ánh có dấu hiệu lợi dụng việc nuôi trồng thuỷ sản để khai thác khoáng sản vì độ sâu vượt mức cho phép.
Theo UBND xã An Bình, trong quá trình giám sát hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, chính quyền địa phương nhận thấy ông Thanh có dấu hiệu khai thác vượt độ sâu quy định nên đã báo cáo UBND huyện. Ngày 7.8, đoàn kiểm tra của huyện Châu Thành đã kiểm tra dự án của ông Nguyễn Ðình Thanh.
Kết quả, qua quan sát bằng mắt thường, đoàn kiểm tra ghi nhận việc đào đất, tận dụng đất dôi dư có khả năng đã vượt trữ lượng, khối lượng cho phép tận thu. Ðoàn kiểm tra đề nghị chủ dự án khắc phục lại độ sâu, trữ lượng đã vượt, đề nghị tạm ngưng vận chuyển đất ra ngoài, chỉ san gọt và lấp lại đáy ao đã vượt.
Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết, sau khi đoàn kiểm tra lập biên bản, huyện đã thuê đơn vị đo đạc độc lập đo độ sâu của dự án. Hiện Phòng đang chờ kết quả để tham mưu UBND huyện xử lý theo quy định.
Còn dự án của ông Lê Thành Trung, ngụ ấp 3, xã Trà Vong, huyện Tân Biên, tháng 9.2017, UBND huyện có văn bản đồng ý cho ông Trung được cải tạo ao nuôi trồng thuỷ sản với diện tích mặt nước 9.851,8m2/12.520m2, độ sâu cho phép khi cải tạo ao là 2,5m và bờ bao xung quanh ao 6m.
Sau đó, UBND tỉnh có văn bản chấp thuận cho ông Trung được tận dụng đất dôi dư từ dự án nuôi thâm canh cá sặc rằn nhưng tập kết đất tại dự án. Ngày 7.5.2018, UBND tỉnh có văn bản cho phép vận chuyển đất dôi dư từ dự án nuôi cá của ông Trung.
Ðiều đáng nói, trong quá trình triển khai dự án, người dân bức xúc trước việc ông Trung cho móc đất quá gần đất canh tác của mình, đúng ra là phải chừa bờ bao 6m. Ðồng thời, người dân còn nghi ngờ ông Trung đã móc đất sâu hơn quy định để bán đất san lấp.
Ngày 1.10, chúng tôi cùng cán bộ xã Trà Vong vào thị sát dự án nuôi trồng thuỷ sản của ông Trung. Tại đây, chỉ nhìn bằng mắt thường, có thể nhận thấy bờ bao mà ông Trung đang triển khai không đủ 6m theo giấy phép, và độ sâu tại những vị trí đang khai thác sâu hơn nhiều so với giấy phép là 2,5m.
Tại dự án hạ cấp đất tận dụng đất dôi dư của bà Lê Thị Nữ ở ấp Tân Ðịnh, xã Biên Giới, huyện Châu Thành, theo giấy phép, được hạ cấp đất với diện tích hơn 78.600m2, độ sâu bằng với mặt đất tự nhiên xung quanh. Bà Nữ được tận dụng khối lượng hơn 150.000m3.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, tại vị trí bà Nữ được cấp phép hạ cấp đất đã sâu hơn mặt đất tự nhiên xung quanh. Hơn nữa, dù xin phép hạ cấp đất để sản xuất nông nghiệp nhưng hiện tại bề mặt toàn đất sét với sỏi đỏ, khó mà trồng được cây nông nghiệp nào đạt hiệu quả. Ðồng thời, dù là đất nông nghiệp nhưng bà Nữ đã cho một đơn vị thi công đường sử dụng đất làm bãi vật liệu.
Trao đổi qua điện thoại, bà Nữ cho biết, theo hồ sơ thiết kế, đất sau khi hạ cấp có độ sâu bằng đất mặt ruộng bên đường đối diện chứ không phải mặt đất tự nhiên xung quanh (!?). Hơn nữa, trước đây, bà Nữ dự định hạ cấp đất để sản xuất lúa nhưng nay đất quá “xấu” nên đang xin khai thác khoáng sản. Dù bà Nữ hứa sẽ cung cấp hồ sơ dự án cho chúng tôi nhưng qua nhiều lần liên lạc, với nhiều lý do khác nhau, bà vẫn tránh không gặp mặt.
Bờ bao dự án cải tạo ao nuôi trồng thuỷ sản của ông Lê Thành Trung tại ấp 3, xã Trà Vong, huyện Tân Biên chừa bờ bao gần sát đất trồng lúa của người dân (ảnh chụp ngày 1.10).
CHÍNH QUYỀN ÐỊA PHƯƠNG ÐÃ LÀM HẾT TRÁCH NHIỆM ?
Trao đổi với chúng tôi xung quanh việc người dân phản ánh dự án của ông Lê Thành Trung có dấu hiệu vi phạm, lãnh đạo UBND xã Trà Vong cho biết, chính quyền địa phương đã theo dõi sát sao, kiểm tra thường xuyên việc triển khai dự án của ông Trung để có những xử lý kịp thời.
Ngày 11.7, sau khi nghe phản ánh của người dân về bờ bao hướng Tây có vét mương thoát nước cách ranh đất dân xung quanh khoảng 3m có dấu hiệu sạt lở, UBND xã đã yêu cầu khắc phục. Tiếp đến ngày 11.9, người dân tiếp tục phản ánh việc triển khai dự án bờ bao ao sát ranh đất dân, UBND xã Trà Vong cũng đã lập biên bản và tiếp tục yêu cầu khắc phục.
Ngày 1.10, sau khi đi thị sát tại dự án của ông Trung, chúng tôi nhận thấy dự án có dấu hiệu sai phạm về việc chừa bờ bao và độ sâu cho phép, Chủ tịch UBND xã Trà Vong cho rằng để xác định cần phải cho cán bộ địa chính đi đo đạc cụ thể. Sau đó, lãnh đạo UBND xã yêu cầu cán bộ địa chính đi cùng với phóng viên vào đo đạc thực tế, nhưng chỉ một lúc sau, lãnh đạo UBND xã lại nói, “cán bộ địa chính bận hoà giải, tiếp dân… nên không thể tiến hành” (!?).
Chúng tôi đã phản ánh thông tin đến ông Lê Thiện Hồ- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên về những nghi vấn sai phạm ở dự án của ông Lê Thành Trung. Ông Hồ cho biết sẽ yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn kiểm tra dự án trên vào ngày 2.10.
Ngày 2.10, trao đổi qua điện thoại, theo ông Lê Thiện Hồ, kết quả kiểm tra cho thấy bờ bao ao không đúng quy định theo giấy phép phải chừa 6m, thực tế kiểm tra chỉ hơn 3m và độ sâu có vị trí sâu hơn 3m. Ông Hồ đã chỉ đạo Phòng TN&MT lập biên bản, đình chỉ hoạt động đào ao và buộc ông Trung khắc phục hậu quả, khôi phục hiện trạng đúng theo giấy phép.
Trong khi đó, theo UBND huyện Châu Thành, vào tháng 2.2018, UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản, tận thu khoáng sản trên địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Ðất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản theo thẩm quyền. Trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo kịp thời và đề xuất UBND huyện để có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.
UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác, tận thu khoáng sản tại địa phương, đặc biệt là các hoạt động như: hạ cấp đất, đào ao nuôi trồng thuỷ sản... không đúng theo giấy phép và thiết kế đã được phê duyệt. Chủ tịch UBND xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND huyện nếu để xảy ra tình trạng khai thác trái phép trên địa bàn quản lý mà không kịp thời phát hiện và xử lý theo thẩm quyền.
Ông Nguyễn Trí Cường- Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, đối với các trường hợp hạ cấp đất nông nghiệp của bà Lê Thị Nữ, UBND huyện sẽ chỉ đạo Phòng TN&MT kiểm tra thực tế và báo cáo cho UBND huyện để xử lý.
Cũng theo ông Cường, hoạt động khai thác đất trên địa bàn có dấu hiệu ngày càng “nóng”, do đó, UBND huyện sẽ chỉ đạo các ban, ngành huyện cùng UBND các xã, thị trấn kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện, báo cáo cho UBND huyện.
Ông Cường còn cho biết thêm, UBND huyện sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hoạt động khai thác khoáng sản, cũng như báo cáo về tỉnh những trường hợp vượt thẩm quyền. Ðồng thời, UBND huyện sẽ xem xét trách nhiệm của các xã, thị trấn để xảy ra vi phạm hoạt động khai thác khoáng sản như không phát hiện, xử lý và báo cáo về UBND huyện.
Trước thực trạng các dự án nuôi trồng thuỷ sản, hạ cấp đất nông nghiệp “ngó đâu, nghi vấn sai phạm đến đó”, dư luận rất mong các ngành chức năng vào cuộc kiểm tra và xử lý nghiêm những cá nhân sai phạm để chấn chỉnh tình trạng này.
ÐÌNH CHUNG - THẾ NHÂN