Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngỡ ngàng vùng cao
Thứ năm: 09:48 ngày 07/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chúng tôi không gặp may vì vừa lên đèo Ô Quy Hồ đã gặp sương mù ập xuống vây quanh, không còn nhìn thấy đâu là núi cao, vực thẳm vốn là nỗi ám ảnh giới tài xế.

Từ TP Điện Biên, vượt sông Đà ở thị xã Mường Lay, chúng tôi đến TP Lai Châu của tỉnh Lai Châu.

Chinh phục từng mét đường

Nằm trên cao nguyên đá vôi với núi cao bao quanh nhưng TP Lai Châu (trung tâm tỉnh lỵ Lai Châu) khiến chúng tôi ngạc nhiên bởi khung cảnh nên thơ và hiện đại. Nhà cửa, đường phố không nhiều nhưng mới, quy hoạch gọn gàng, sạch và thoáng. Càng ngạc nhiên hơn khi biết diện tích tự nhiên của TP dọc biên giới này chỉ vỏn vẹn hơn 7.000 ha nhưng là nơi quần cư của 17 dân tộc sinh sống. Khi ngang qua chợ trung tâm TP, nhìn vào cứ thấy như ngày hội với nhiều màu sắc trang phục của các dân tộc ở Tây Bắc.

Rời TP Lai Châu chừng 50 km thì đến chân đèo Ô Quy Hồ ở một phía của dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Ô Quy Hồ đang giữ kỷ lục về chiều dài đèo (gần 50 km) của vùng Tây Bắc và chính độ cao (gần 2.000 m) cùng sự hiểm trở khiến giới phượt thủ mệnh danh đèo này là "Vua đèo vùng Tây Bắc".

Chúng tôi không gặp may vì vừa lên đèo đã đụng sương mù ập xuống vây quanh, không còn nhìn thấy đâu là núi cao, vực thẳm. Mặc, chúng tôi kiên nhẫn chinh phục từng mét đường với sự chấp nhận và một chút liều lĩnh. Càng lên cao, sương mù càng đặc, nhiều lúc không còn thấy mặt đường. Gió thốc từng đợt ràn rạt vào kính xe, chảy thành dòng như mưa lớn. Rồi đến lúc chỉ còn định dạng được đường nhờ đèn cảnh báo có phản quang từ rào chắn hai bên và những biển cảnh báo nguy hiểm đặt đầu những khúc cua. Nhưng nhiều đoạn vẫn không nhìn thấy gì, phải dừng xe để chắc chắn nhận ra phần đường phía trước.

Chúng tôi phải phân công một người ngồi ghế sau ở vị trí giữa xe để nhận diện các biển báo khúc cua, một người ngồi phía trước ở vị trí phụ tài để nhận diện rào chắn, cứ thế hỗ trợ nhau vượt đèo.

Quả là trải nghiệm rất thú vị khi chinh phục Ô Quy Hồ trong tình cảnh như thế.

Tuyệt đẹp và hùng vĩ

Nhưng ngoài Ô Quy Hồ, chúng tôi còn phải đối diện với "vua đèo" khác nữa là Mã Pí Lèng.

Từ TP Lào Cai để đến TP Hà Giang (tỉnh Hà Giang), chúng tôi theo cung đường được các bác tài tuyến này hướng dẫn là thông tuyến, không dễ dàng nhất nhưng ngắn nhất là theo các quốc lộ (QL): 4E, 70, 279, 2, tất cả chỉ gần 200 km nhưng phải mất gần 6 giờ đi liên tục. Những chặng đường này đi ven các lưng chừng núi, nhiều đoạn cua ngặt nhưng nhìn chung khá an toàn và ít xe lưu thông.

Khoảng 40 km cuối cùng trên QL279 trước khi hòa vào QL2 tại ngã ba thị trấn Việt Quang (huyện lỵ của huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) để lên TP Hà Giang, mặt đường hư hỏng nên khó khăn cho những loại xe nhỏ, với xe bán tải mà chúng tôi sử dụng hay xe 7 chỗ trở lên hoặc có gầm cao đều lưu thông được nhưng ở tốc độ chỉ dưới 20 km/giờ. Tuy nhiên, trong tương lai gần, chắc chắn sẽ khác vì dọc đường đã thấy lực lượng thi công triển khai các phần việc để sẵn sàng nâng cấp.

Từ TP Hà Giang theo QL4C trên 150 km để lên điểm cao Lũng Cú rồi xuống núi, từ đấy theo một hướng khác khoảng 40 km thì tiếp cận Mã Pí Lèng. Toàn bộ phần đường này là những đoạn khó khăn nhất mà chúng tôi phải trải qua trong khoảng hơn 2.500 km của vòng cung Tây Bắc (Hòa Bình - Sơn La - Lai Châu - Lào Cai - Hà Giang - Cao Bằng - Lạng Sơn). Trước khi tiếp cận Mã Pí Lèng, đặc biệt là những chặng cuối cùng để lên điểm cực Bắc của Việt Nam là cột cờ Lũng Cú trên đỉnh Lũng Cú (còn gọi là đỉnh núi Rồng, ở độ cao khoảng 1.470 m so mực nước biển) thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và từ đó đến Mã Pí Lèng. Những chặng này nhiều đoạn hiểm trở không chỉ vì đường uốn lượn trên độ cao đầy sương mù mà còn vì mặt đường hẹp, nhiều chỗ tưởng chừng rất khó khăn cho 2 xe ngược chiều tránh nhau. Bù lại đó, xe xuyên qua giữa bát ngát công viên địa chất đá Đồng Văn, những ruộng hoa tam giác mạch trải dài ven đường và vô vàn thung lũng thoắt ẩn thoắt hiện giữa trập trùng núi đá cao vút, mặc sức tưởng tượng. Nhưng nếu gặp ngày mưa lớn, sương mù quá đậm thì việc chinh phục những cung đường trước và sau điểm đến Lũng Cú thực sự là thách thức.

Mã Pí Lèng nằm trên con đường mang tên Hạnh Phúc nối TP Hà Giang, thị trấn Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Đèo chỉ dài khoảng 20 km nhưng đi trên đỉnh núi có độ cao khoảng 1.200 m và được giới tài xế xếp hạng trong "tứ đại đèo Tây Bắc" cùng Ô Quy Hồ, Pha Đin, Khau Phạ. Để có 20 km đường này, nhiều tài liệu cho biết trong 6 năm (từ 1959-1965), hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc đã phải tham gia tổng cộng trên 2 triệu lượt ngày công lao động. Riêng đoạn vượt đỉnh Mã Pí Lèng, lực lượng cảm tử phải treo mình trên vách núi, chinh phục dần từng centimet và phải 11 tháng ròng rã mới đục thông một "đường công vụ" chỉ rộng khoảng 40 cm trên vách đá để lực lượng thi công có chỗ đặt chân trên đó mà thi công toàn tuyến.

Ngày chúng tôi vượt Mã Pí Lèng, dù thời tiết không tốt và cũng chỉ lưu thông yên tâm trong chừng mực vận tốc trên dưới 20-30 km/giờ nhưng hoàn toàn an toàn. Càng lên cao, trong khung cảnh lởm chởm đá dựng, nhìn xuống dòng sông Nho Quế nhiều đoạn như sợi chỉ vàng thoắt ẩn thoắt hiện giữa tầng tầng lớp lớp mây xốp bồng bềnh. Về đêm, dưới tầm mắt là những thung lũng rực ánh điện.

Gần 300 km theo QL279 và QL4A từ thị trấn Mèo Vạc, xuyên TP Cao Bằng về TP Lạng Sơn là những chặng đi qua các đô thị đường biên rất đẹp.

Bạn thử cầm lái một lần xuyên vòng cung Tây Bắc để cảm nhận những thú vị trên miền biên giới Tổ quốc! 

Khu vực Mã Pí Lèng được xếp hạng di tích Danh lam thắng cảnh quốc gia từ ngày 16-11-2009, gồm: đèo Mã Pí Lèng (khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan), khu vực đỉnh đèo (một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam), hẻm vực sông Nho Quế (một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất ở Việt Nam).

Nguồn Báo Người lao động

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục