Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngoại hạng Anh ngày càng mất chất Anh
Thứ năm: 08:43 ngày 05/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đâu là đặc điểm lớn nhất của bóng đá Anh - nền bóng lâu đời nhất thế giới, giàu có nhất thế giới, và (tùy quan điểm) nói chung là nổi tiếng nhất thế giới? Có lẽ là tính giải trí. Bóng đá trước sau vẫn chỉ là một trò chơi, như câu cửa miệng của hầu hết các huyền thoại bóng đá Anh.

Ngày xưa, vì đấy là môn giải trí, nên không nhất thiết phải có trọng tài. Những quý ông trên sân tự biết phải làm gì khi có cầu thủ phạm lỗi. Bí bách quá, thủ quân đôi bên sẽ cùng nhau dàn xếp. Sau này, cựu tiền đạo Robbie Fowler nói với trọng tài rằng anh không hề bị thủ môn David Seaman chạm vào người, khi tình cờ vấp ngã trong vùng cấm địa và được trọng tài cho hưởng phạt đền. Đấy cũng là chi tiết điển hình cho thấy bóng đá Anh trước sau vẫn chỉ là một trò chơi, chẳng cần cay cú hơn thua.

Vì là trò chơi đơn giản nên suốt hàng chục năm, cầu thủ Anh (như David Platt từng thú thật) gần như không cần thắc mắc về các sơ đồ. Họ ra sân với một sự mặc nhiên là sẽ chơi bóng theo sơ đồ 4-4-2. Họ sẽ... chạy và sút. Càng ào ạt thì càng hào hứng. Người ta gọi đấy là “kick and rush” - xin được lưu ý: “rush” chứ không phải “run”. Chữ “rush” là chạy một cách hối hả, chạy... trối chết!

Cựu HLV đội tuyển Anh là Glenn Hoddle từng là tiền vệ hiếm hoi trên quê hương bóng đá nổi tiếng về phẩm chất kỹ thuật. Ông chuyền bóng nhuyễn nhừ, thông minh và rất chính xác. Muốn thế, Hoddle phải chuyền sệt, phải ngước nhìn đồng đội, và phải chọn giải pháp. Đồng đội mà chưa di chuyển đến vị trí thuận lợi thì Hoddle tiếp tục giữ bóng, chứ chưa chuyền vội.

Hóa ra, đấy lại là rắc rối. Chưa bao giờ Hoddle được tôn vinh đúng mức trên sân cỏ Anh. Bởi cách chơi của ông làm cho trận đấu bỗng khựng lại, mất nhịp, mất tốc độ, mất cả sự hứng thú trong cách chơi “kick and rush” luôn ào ạt. Hoddle phải sang Pháp khoác áo Monaco, và khi trở lại nước Anh thì ông khoác áo đội Swindon “vô danh tiểu tốt”.

Chất “giải trí” đi liền với một đặc điểm quan trọng khác trong làng bóng Anh: tính bất ngờ. Bàn thắng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, và đội nào cũng có thể thắng nhau. Xem bóng đá Anh cũng giống xem phim “bộ” Hàn Quốc hoặc xem (chứ không phải nghe) các boy bands một thời đình đám trong làng âm nhạc. Có thể xem từ giữa trận, vỡ òa với các tình huống bất ngờ, rồi sau khi xem thì... quên hết mọi chuyện. Mọi kết quả đều có thể xảy ra, cho dù cuối cùng thì đâu lại vào đấy - các đội mạnh vẫn xếp trên.

Đấy không bao giờ là thứ bóng đá nặng về toan tính chiến thuật. Không hoa mỹ đến mức... khó xem, khó hiểu. Không chủ trương phạm lỗi ngay giữa sân để sớm dập tắt tình huống tấn công của đối phương. Dân Anh đá bóng là để cống hiến, phục vụ người xem, hơn là đá cho sự thắng thua của chính mình. Ngược lại, khán giả muốn xem nỗ lực đến mức tột bậc, hơn là xem để biết đội nhà thắng hay thua. Khi Blackburn rớt hạng, giới hâm mộ chật kín trên các khán đài đều đứng bật dậy vỗ tay động viên, an ủi, quang cảnh cứ như đội bóng vừa rớt hạng ấy là những người hùng.

Bây giờ, gần như không còn chút gì. Dẫn dắt các đội hàng đầu Premier League là những HLV nước ngoài, vào loại nổi tiếng nhất thế giới. Ngôi sao Premier League cũng chủ yếu đến từ nước ngoài. Ngay cả khán giả - thành phần tưởng như không đổi - giờ cũng đã thay đổi nhiều. Premier League được bán cho hàng tỷ khán giả truyền hình khắp thế giới. Người ta xem trọng sự hơn thua. Người ta toan tính chiến thuật, đá để thắng. Tính bất ngờ mà không triệt tiêu thì đấy mới là chuyện lạ. Premier League bây giờ hầu như không còn tinh thần của bóng đá Anh ngày nào.

Nguồn Bongdaplus

Tin cùng chuyên mục