Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tuổi thơ tôi trôi qua nhanh như một giấc chiêm bao, mới hôm qua tôi thấy mình còn là một đứa bé vô tư, vô lo tung tăng chơi đùa, hôm nay khi vừa thức dậy đã trở thành một sinh viên trọ học xa nhà.
Trong những mảnh ghép ký ức còn sót lại, gia đình tôi ngày ấy có ba, mẹ, anh trai và một người nữa tôi rất yêu quý là bà ngoại. Hình dung của ngoại trong tôi là một bà lão ngoài bảy mươi, mái tóc bạc phơ được cắt ngắn, để lộ ra gương mặt lấm tấm đồi mồi với khuôn miệng móm mém và đôi mắt sâu, xung quanh đã in hằn nhiều vết chân chim. Lưng ngoại hơi còng nhưng trông vẫn dong dỏng cao, tay lúc nào cũng cầm theo cây gậy gỗ có khắc hình con rồng làm điểm tựa, giúp cho việc đi đứng của ngoại vững chãi hơn.
Lúc nhỏ, chẳng nhớ tôi nghe từ ai kể lại rằng ngày xưa ngoại tôi rất giỏi, việc gì ngoại cũng làm tốt nên được nhiều người quý trọng. Khổ nỗi, ngoại rất khó tính nên con nít trong xóm đứa nào cũng sợ. Tôi cũng không ngoại lệ, mặc dù là cháu của ngoại nhưng đôi khi thấy ngoại không vui chuyện gì đó thì có cho tiền tôi cũng không dám lại gần.
Với đầu óc của một đứa bé như tôi khi ấy, tôi sợ ngoại lỡ... sẵn tay cho một gậy vào đầu là bay mất cả ba hồn chín vía. Nhưng thực ra ngoại hiền lắm, chưa bao giờ tôi thấy ngoại nổi nóng đánh anh em cái nào, ngược lại, ngoại còn thường xuyên giấu mẹ dúi vào túi chúng tôi thêm ít tiền để chúng tôi ăn quà vặt.
Năm đó ngoại trở bệnh, việc đi đứng trở nên khó khăn hơn, đa phần ban ngày ngoại ra hiên nằm trên chiếc võng để hít thở không khí trong lành, tối ăn cơm xong lại vào phòng nằm nghỉ. Tôi nhớ như in hồi còn đi mẫu giáo, có hôm cô dạy hát bài: “Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm. Tóc bà trắng màu trắng như mây…”.
Trưa đó về nhà, tôi định bụng ăn cơm xong sẽ hát cho ngoại nghe nhưng không hiểu sao lại ngại, không dám. Ðợi lúc ngoại thiu thiu ngủ, tôi lén leo lên võng nằm cạnh, xoa xoa bàn tay khẳng khiu thấy rõ từng đường gân xanh xanh của ngoại mà hát khe khẽ. Không biết hôm ấy ngoại có nghe được không nhưng tôi thì thấy vui vui trong lòng.
Những tháng ngày sau đó, ngoại yếu dần đi, dường như đôi vai gầy đã không chịu nổi sức nặng của thời gian đang ngày một đè nặng. Một ngày cuối thu năm tôi học lớp sáu, ngoại để chúng tôi lại, nhẹ nhàng bước đi xa. Tôi bàng hoàng nhận ra mình vừa mất đi một điều gì đó quá đỗi thiêng liêng. Mới tối hôm trước khi học bài xong, tôi còn ghé phòng nhìn ngoại ngủ, sáng hôm sau mọi thứ đã đổi thay.
Trong quãng đời thơ ấu của tôi, những ký ức về ngoại không nhiều nhưng với tôi, ngoại vẫn luôn là người bà tuyệt vời nhất. Ðôi khi trong những giấc chiêm bao, tôi vẫn thường thấy một bà lão với dáng vẻ quen thuộc, phúc hậu ôm tôi vào lòng đong đưa trên chiếc võng đặt trước hiên nhà, tôi vui sướng kêu bật lên: “Ngoại ơi!…”.
NGUYỄN NHẬT PHONG