Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngôi "chợ ma" khó quên ở miền Tây
Thứ sáu: 09:27 ngày 21/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nơi họp "chợ ma" là một bãi đất trống rộng, nằm trong khuôn viên chùa An Khánh, ấp An Khương, bên bờ sông Ngã Cại, một nhánh của sông Hậu.

“Định Yên có vựa chiếu to/ Lấy chồng xứ Định khỏi lo chiếu nằm”. Đó là câu ca dao nổi tiếng, lưu truyền cả trăm năm nay về một ngôi chợ nằm bên bờ sông Hậu thuộc làng Định Yên, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp. Ngôi chợ này, dân gian gọi là chợ ma, bởi từ khi ra đời, chợ chỉ họp lúc nửa khuya về sáng và bán duy nhất một mặt hàng...

Tiếc nuối chợ ma

Cách đây khoảng 10 năm, tôi đã có dịp đến và cảm nhận không khí của ngôi chợ này, và bây giờ quay lại, ký ức, hình ảnh ngôi chợ họp giữa đêm khuya ấy vẫn còn nguyên vẹn.

Đường vào làng chiếu Định Yên.

Khi ấy, nơi họp chợ là một bãi đất trống rộng, nằm trong khuôn viên chùa An Khánh, ấp An Khương, bên bờ sông Ngã Cại, một nhánh của sông Hậu. Cách đó vài chục bước chân là bến sông, hàng trăm chiếc ghe, xuồng lớn nhỏ đủ cỡ, đậu san sát, và cùng nhau dập dìu lên xuống một lúc lâu mỗi khi có chiếc ghe chạy qua làm sóng dềnh lên.

Trong bóng đêm, những người bán chiếu tay cầm đuốc, đầu đội bó chiếu to tướng. Không giống như hầu hết những ngôi chợ khác, ở đây người mua chỉ ngồi một chỗ, đợi người bán đội chiếu trên đầu, đến chào hàng. Hoặc khi thấy ngọn đuốc bập bùng, người mua ở dưới ghe mới lên bờ, xem chiếu và mua. Chợ không họp theo giờ giấc cố định, mà tùy theo người dệt chiếu, khi có hàng là mang ra chợ.

Bây giờ, làng nghề dệt chiếu Định Yên vẫn còn, nhưng về đây, tôi không khỏi hụt hẫng khi biết ngôi chợ ma nay chỉ còn là ký ức. Không riêng tôi, hầu hết những người lớn tuổi ở Định Yên khi nhắc đến ngôi chợ ma huyền thoại một thời, đều không khỏi bâng khuâng, nhớ tiếc.

Ghe chở cói (lác) nguyên liệu số lượng lớn từ Vũng Liêm, Vĩnh Long đến Định Yên.

Năm 2013, một khu chợ mới đã được xây dựng cách điểm chợ ma không xa, và vẫn mang tên chợ chiếu Định Yên, hàng hóa chủ lực trong chợ vẫn là chiếu, nhưng ký ức về ngôi chợ ma độc đáo thì vẫn còn nguyên trong lòng người dân Định Yên.

Ông Nguyễn Vũ Tư, năm nay 82 tuổi, ở ấp An Khánh, Định Yên trầm ngâm: “Tui sinh ra ở vùng đất này, nên chợ chiếu đêm gắn liền với tuổi thơ. Lớn lên tui cũng theo nghề dệt chiếu của cha mẹ để lại. Không biết nghề chiếu Định Yên có từ bao giờ, nhưng nghe cha kể thì gia đình tôi đến nay đã 3 đời dệt chiếu.

Ngày đó, cái gì cũng làm bằng tay, bằng chân, nên người dệt chiếu cực lắm. Mỗi ngày, bắt đầu từ khoảng 5 giờ chiều là mọi người bắt đầu ngồi dệt. Đến khoảng 11 giờ là có sản phẩm, họ mang ra chợ ngay. Thời điểm 2-3 giờ sáng là đông nhất, tấp nập nhất, cả trăm người. Khung cảnh cũng náo nhiệt lắm. Trên bờ, rừng chiếu rực rỡ, ken nhau dưới ánh đèn, dưới bến thì ghe, xuồng đậu san sát, cũng đèn đuốc sáng trưng một khúc sông”.

“Vì sao chợ chiếu lại ở Định Yên mà không phải là một nơi khác của miền Tây?”, tôi thắc mắc thì ông Tư nói: “Hồi đó vùng này mênh mông nước, nhiễm phèn nặng. Một trong những loài cỏ phù hợp và phát triển mạnh trên đất phèn là cỏ lác. Và lác ở đây rất đẹp, trong khi trồng lúa thì năng suất thấp. Chiếu hồi xưa là vật dụng không thể thiếu trong mọi gia đình. Không những thế, do đặc thù là di chuyển nhiều trên ghe, giường không có, chiếu tiếp xúc nhiều với nước nên mau hư. Nghề dệt chiếu phát triển mạnh là vì thế. Ở đây cũng có nhiều thợ dệt chiếu nổi tiếng nữa”.

Luộc lác, một công đoạn làm chiếu.

Bà Trần Thị Dính, ở ấp An Lợi A, đã có thâm niên gần 50 năm dệt chiếu và là một trong số ít những người ở Định Yên hiện còn dệt chiếu thủ công, kể: “Chiếu Định Yên có nhiều chủng loại, kích cỡ, mẫu mã đa dạng và phong phú, như chiếu bông vuông hình con cờ, chiếu bông động phòng hoa chúc, chiếu Trà Niên, chiếu trắng, chiếu hoa văn, chiếu vẩy ốc, chiếu cổ... nhiều người dệt chiếu đẹp nổi tiếng, thêu lẫy được nhiều loại hình như rồng, phượng.

“Tiếng lành đồn xa”, từ tít các vùng xa như Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu… cũng biết tiếng, tấp tập ghe xuồng tìm đến mua. Ngôi chợ này không có bất cứ một mái lều, quán, bàn ghế, sạp gì. Tất cả mọi người đều đứng. Người mua biết tiếng nên chỉ cần họ nhìn, vuốt qua mặt chiếu chút xíu là trả giá, mua liền. Nhanh lắm”.

Nguy cơ mai một

Nói về chợ ma ngày xưa, ông Võ Phước Hậu, chủ cơ sở dệt chiếu Minh Tiến, Định Yên nói: “Hồi đó đi lại khó khăn vì giao thông cách trở, thông tin liên lạc không có, việc mua bán trong chợ đêm là tất yếu. Còn bây giờ, khi cần số lượng bao nhiêu, người ta chỉ cần đặt hàng qua điện thoại, thỏa thuận giá cả, chất lượng hàng hóa, làm xong có người chở đến giao tận nơi, đâu cần ra chợ giữa đêm làm gì”.

Hiện nay hầu hết người dân đã dệt chiếu bằng máy.

Bà Trần Thị Dính cũng nói: “Hồi xưa nghề dệt chiếu cực gấp trăm ngàn lần bây giờ. Để làm ra một chiếc chiếu, phải qua rất nhiều công đoạn: Lác mua về tuốt, giũ sạch, nhuộm, phân loại, phơi khô rồi mới bắt đầu dệt. Dệt tay phải có 2 người, một người dập và một người chuồi lác. Nếu dệt chiếu “trơn”, không hoa văn thì 2 người làm một ngày có thể được 2-3 đôi chiếu. Còn dệt chiếu bông nổi, chiếu chữ... đòi hỏi kỹ thuật cao và cách dệt công phu hơn thì cả ngày mới dệt xong một chiếc, nhưng không phải ai cũng biết dệt.

Sau khi dệt xong phải làm thêm công đoạn cột mối chỉ, hớt bìa, may viền chiếu… rồi mới mang ra chợ. Còn bây giờ, dệt chiếu bằng máy hết rồi. Nhanh hơn, nhàn hơn, thu nhập cũng cao hơn. Nhưng tui vẫn tiếc cảnh chợ đêm lắm. Vì đó là nét văn hóa, là tinh thần của người dân quê chúng tôi từ mấy đời nay. Mà đâu phải người dân địa phương tiếc không thôi đâu, nhiều người từ nơi khác về đây tham quan, vẫn hỏi thăm chợ ma. Khi nghe nói chợ dẹp rồi, họ tỏ vẻ thất vọng lắm”.

Nhưng vẫn còn một số ít dệt chiếu thủ công.

Ông Phan Văn Bé Tư, Giám đốc HTX Chiếu Thanh Bình quy mô nhất Định Yên nói: “Hồi xưa, ở xứ này, già trẻ, lớn nhỏ gì cũng đều biết dệt chiếu. Ở miền Tây, nhiều nơi có nghề dệt chiếu chứ không riêng gì Định Yên. Nhưng tui chắc một điều là không đâu dệt chiếu đẹp bằng ở đây. Tự hào lắm chứ. Nhưng hiện nay nghể dệt chiếu Định Yên đang èo uột lắm!”.

Theo thống kê của UBND xã Định Yên, toàn xã hiện có gần 19.000 dân, trong đó có khoảng 70% làm nghề dệt chiếu, và đa số đều chuyển từ thủ công sang dùng máy. “Bình quân một chiếc máy dệt chiếu giá từ 20 - 30 triệu đồng, chỉ cần một người đứng máy, sau một giờ sẽ hoàn thành một chiếc chiếu đẹp, bền. Sản lượng chiếu vì vậy cũng tăng hơn cả chục lần so với thời dệt chiếu thủ công. Tuy nhiên, do giá nguyên liệu cao, giá chiếu rẻ, nên thu nhập của người dệt chiếu ngày càng thấp. Chi phí dệt một chiếc chiếu khoảng 60-65 ngàn đồng chưa kể công. Nhưng giá bán ra chỉ khoảng 70 ngàn.

Chiếu thành phẩm chờ xuất bán.

Trước năm 2013 toàn xã có khoảng 6.000 máy dệt chiếu. Nhưng mấy năm gần đây, làng nghề gặp khó khăn, thị trường tiêu thụ ngày thu hẹp. Thu nhập của người làm chiếu bấp bênh, nên nhiều người đã phải bán rẻ máy rồi chuyển sang nghề khác. Hơn 3.000 lao động đã bỏ nghề dệt chiếu, rời quê đi các nơi làm thuê, nhiều người còn mắc nợ ngân hàng”, ông Nguyễn Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Định Yên cho biết.

Theo Phúc Lập (NNVN)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục