Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Ngôi chùa giữ tên làng Thanh Phước
Thứ ba: 11:49 ngày 05/10/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Phước An, giờ đây là Bửu Nguyên đã cùng với chùa Thanh Lâm là những ngôi chùa giữ tên làng Thanh Phước vô cùng đẹp đẽ và cao quý.

Chùa Bửu Nguyên xưa

Theo đường Xuyên Á từ Mộc Bài về thị trấn Gò Dầu, qua cầu chỉ độ hơn trăm mét là thấy ngay tấm biển ở bên phải con đường chỉ lối vào chùa Bửu Nguyên. Chùa nằm cuối con hẻm nhỏ dài chỉ ba chục mét. Hai bên hẻm là ngồn ngộn cửa nhà cùng tấp nập người đi. Sức ép đô thị hoá ở thị trấn Gò Dầu trong những năm gần đây quá lớn. Đến như chùa Thanh Lâm cổ, vốn u tịch và đường bệ kia cũng bị không khí bán mua sôi động ở chợ Gò Dầu lấn át, khiến người ta dễ tưởng lầm các chốn cửa thiền ngày sẽ thêm teo tóp. Ai hay, chùa Bửu Nguyên vẫn an nhiên tự tại trong một ngõ hẻm rất đông người. Chùa lại vừa được sư trụ trì Thích Huệ Đạt cho trùng tu tôn tạo lại với quy mô tổng thể tương đối khang trang. Này chính điện, Quan âm phật đài phía trước; này nhà thờ tổ, nhà khách, nhà giảng phía sau. Lại còn một ngôi nhà ngói cột gỗ xưa tròn vo bóng láng đứng riêng một bên sân, làm nơi nấu bếp và chuẩn bị mỗi khi có kỵ giỗ hay là ngày cúng lễ. Thầy Huệ Đạt tự hào khoe: “làm cái nhà này, cũng là để gìn giữ những di vật cũ của ngôi chùa trước”. Thì ra bộ khung cột “tứ trụ” của ngôi chùa trước cũng được đưa vào đây. Cả ngôi nhà, chỉ duy nhất có bàn thờ “ông Giám”, một vị luôn coi sóc chuyện bếp núc theo quan niệm xưa nay của nhà Phật.

Ngôi chính điện thờ Phật, ngôi hậu tổ thờ các vị tổ sư cùng ngôi nhà giảng hiện đã được xây mới, cùng trong một ngôi nhà có mặt bằng chữ nhật, rộng 8,6 mét và dài 23 mét trong đó hành lang rộng 1,5 mét bao 3 phía: trước và hai bên. Chính điện cũng được chia thành 3 nhịp nhà, vì cấu trúc nhà ở Bửu Nguyên làm giống như chùa Gò Kén, nghĩa là kiểu lợp hai mái ngói, chạy dài từ trước ra sau. Trên hành lang trước, bờ chắn mái cũng được tạo thành hình vòm cong như kiểu án thư, trên cùng là một tượng hình đầu rồng đội trên đầu bánh xe Pháp, biểu tượng cho Phật giáo. Phía trước, dưới bóng hai cây mai nhật đang mùa lá xanh có cành tán xùm xoà, nổi bật tượng Phật Quan thế âm màu trắng, có cả một đồng tử chắp tay đứng hầu ở bên, trông như một cậu bé trai ngồ ngộ, dễ thương. Vườn chùa còn được phát triển sang sân phía phải, với nhiều loài hoa kiểng quý và cây cho bóng mát. Kiến trúc cũ xưa của chùa, ngoài bộ cột cũ trong ngôi nhà phụ có lẽ còn cái cổng. Thực ra cổng cũng không phải là xa xưa cho lắm. Có lẽ nó được xây từ khoảng năm 1948, khi chùa được đặt tên mới là Bửu Nguyên. Cổng có cấu trúc giản dị, chỉ gồm 2 trụ xây gạch tiết diện vuông cỡ 30 x 30 cm. Trên cùng có đặt tấm đan rồi xây thêm đao mái. Dưới đan còn có tấm tường gạch xây trên một vòm cong, trên ấy đắp nổi hai hàng chữ Hán, chữ Việt tên chùa. Nổi bật hơn cả là đôi câu đối cũng được đắp nổi vữa xi măng, chữ sơn vàng trên nền đỏ. Đọc phiên âm, từ phải qua trái sẽ là:

- Bửu trang Pháp giới quần sanh lạc.

- Nguyên nhuận Thiền Lâm đại chúng hân.

Có nghĩa: Vô vi pháp lực nhà Phật sẽ trải rộng niềm vui ra khắp chúng sanh. Cửa thiền là nguồn suối sự hân hoan cho đại chúng. (Theo Đại đức Thích Niệm Thắng - Trụ trì chùa Hiệp Long, Thị xã).

Cổng chùa Bửu Nguyên

Cùng sư thầy Thích Huệ Đạt lần giở lại quá trình “khai sơn tạo tự” đến nay của Bửu Nguyên tự. Thì sư thầy cũng chỉ biết đoạn từ năm 1948 đến nay. Năm ấy, có bà Lâm Thị Dưa và chồng là ông Trần Giang - người Hoa bang Phúc Kiến làm giấy hiến đất cho chùa. Sở đất của ông bà được ghi là thổ hạng nhất, diện tích 17A - 90 C toạ lạc tại Châu Thành Gò Dầu Hạ. Ông bà nêu ý nguyện chỉ để lại một phần ở hướng Bắc (giáp đường số I) có kích thước 35 x 19m cho con cháu cất nhà ở, còn lại bao nhiêu hiến tặng hết cho chùa. Giấy hiến đất được đem ra chứng nhận tại Hội đồng hương chức làng Thanh Phước với ba chữ ký của các ông Xã trưởng, Hương hào, Hương quản, lập ngày 18. Séptembre 1948, có đóng dấu hình hột xoài của “Chính phủ Cộng hoà Nam Việt - tỉnh Tây Ninh - Làng Thanh Phước”. Trong giấy hiến có một yêu cầu: “cải chánh hiệu chùa là Bửu Nguyên…”.

Chính từ yêu cầu lạ lùng này mà người ta phải tìm hiểu thêm về giai đoạn trước đó của chùa. Các cụ già ở gần bên, hầu như ai cũng nhớ là chùa đã có từ trước khi đổi tên, nghĩa là trước năm 1948. Tên cũ của chùa là Phước An nhưng người dân quen gọi là chùa Bà Thiện, do đã từng có một bà tên Thiện đứng ra quyên góp xây chùa. Tuy nhiên, tên chữ của ngôi chùa là Phước An, mà theo giải thích của cố Hoà thượng Thích Huệ Lạc, trụ trì chùa Thanh Lâm gần chợ là: “Phước An và Thanh Lâm là hai ngôi chùa cổ có đầu tiên trên đất làng Thanh Phước. Ghép hai chữ đầu của tên hai ngôi chùa này sẽ thành tên làng”. Đây chính là lý do cái tựa đề của bài viết này. Phước An, giờ đây là Bửu Nguyên đã cùng với chùa Thanh Lâm là những ngôi chùa giữ tên làng Thanh Phước vô cùng đẹp đẽ và cao quý.

TRẦN VŨ

 

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục