Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Xin được nói ngay, đó là đình Ninh Thạnh xưa thuộc tổng Hoà Ninh, hạt Tây Ninh năm 1867, sau đó- từ năm 1917 thuộc quận Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Có lẽ đây là trường hợp duy nhất xảy ra trong toàn tỉnh Tây Ninh và có thể rất hiếm gặp trên toàn Nam bộ.

|
Chuẩn bị hương hoa quả phẩm lễ Kỳ yên đình Thái Ninh, 5.2015.
Sách “Đình Nam bộ xưa và nay” của hai tác giả Huỳnh Ngọc Trảng và Trương Ngọc Tường, NXB Đồng Nai in năm 1999 có chương IV nghiên cứu khá sâu về những biến động trong hệ thống thần linh thời thuộc địa có đoạn viết: “Nhân dân Nam bộ thời bấy giờ rất quý sắc phong “bổn cảnh thành hoàng” nhưng lại không chấp nhận quan niệm “thần thành hoàng” một cách hữu danh vô thực chung chung.
Do vậy, ở những nơi không có đủ điều kiện kể trên (có các bậc sinh tiền có công lớn trong việc giúp đỡ đồng bào khai cơ lập nghiệp; các vị này đạo cao đức trọng, tính tình ngay thẳng trong sạch- TV) cũng đã cố tìm cho làng mình có một thần thành hoàng có tên họ, thần tích, tiểu sử…”.
Ở Tây Ninh, chỉ có ba ngôi đình là có thần thành hoàng thuộc dạng nhân thần. Thứ nhất là đình Cẩm An, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu thờ vị thành hoàng Huỳnh Công Đức- một vị quan triều Nguyễn. Thứ hai là đình Gia Lộc, thị trấn Trảng Bàng thờ thành hoàng Đặng Văn Trước. Thứ ba là đình Ninh Thạnh, nay thuộc TP. Tây Ninh thờ thành hoàng Đỗ Hữu Vị.
Ở các đình Cẩm An và Gia Lộc thì không có vấn đề gì; hằng năm vào xuân thu nhị kỳ vẫn tổ chức các lễ cầu an, cầu bông kính cẩn, nghiêm trang theo đúng truyền thống dân gian. Lễ cúng Kỳ yên đình Gia Lộc đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia từ vài năm trước.
Nhưng ở ngôi đình Ninh Thạnh thì đã xảy ra “chuyện lớn” là dân làng từ chối vị thần thành hoàng do vua Bảo Đại- ông vua cuối cùng của triều Nguyễn sắc phong năm 1937. Bản sắc phong ấy, theo bản dịch từ chữ Hán của tác giả Trương Ngọc Tường:
“Sắc Tây Ninh tỉnh, Thái Bình quận, Hoà Ninh tổng, Ninh Thạnh thôn, phụng sự đệ tam khuyên quan Đỗ Hữu Vị tử trận tôn thần, nẫm trứ linh ứng tứ kim phi thừa cảnh mạng, miễn niệm thần hưu, trứ phong vi Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù chi thần. Chuẩn kỳ phụng sự, thứ cơ thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai!
Bảo Đại thập nhị niên, tam nguyệt, thập tam nhật”
(Sắc mạng chi bảo)
Nghĩa là:
“Sắc cho làng Ninh Thạnh, tổng Hoà Ninh, quận Thái Bình, tỉnh Tây Ninh, thờ phụng đệ tam khuyên quan (quan Ba) Đỗ Hữu Vị tử trận tôn thần, linh ứng đã rõ. Nay ta tiếp nối lạm nương mạng sáng liên miên nghĩ đến sự tốt đẹp của thần, nên phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù chi thần. Chuẩn cho thờ phụng, ngõ hầu thần cùng phù hộ bảo vệ dân đen của ta. Kính đấy!
Ngày 13 tháng 3 năm Bảo Đại thứ 12 (23.5.1937)”
(Ấn: Sắc mạng chi bảo)
Cũng trong sách đã dẫn, ông Trương Ngọc Tường còn có đoạn viết về các loại sắc phong này như sau: “Việc thờ tự các nhân vật có công với chế độ thực dân vừa kể hoàn toàn do đám cường hào nịnh bợ ở địa phương bày vẽ. Cũng có thể do quyết định của chánh tham biện người Tây. Theo cụ Đỗ Văn Rỡ, trường hợp Đỗ Hữu Vị có sắc phong của triều đình Huế. Khi sắc phong về tỉnh Tây Ninh được đón rước trọng thể…”.
Vâng! Không đón rước trọng thể sao được; khi mà quan ba, đại uý Đỗ Hữu Vị chính là con trai của tổng đốc Đỗ Hữu Phương, từng được du học phi công bên nước Pháp và tử trận trong khi tham gia cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất 1914 - 1918. Bản thân ông Phương cũng là một tay sai khét tiếng của thực dân Pháp ở Sài Gòn.
Dân làng Ninh Thạnh có cách ứng phó của mình. Cách ấy như sau- theo lời kể của ông Vương Văn Phú, xưa từng làm việc cho chế độ Việt Nam Cộng hoà tại Tây Ninh và sau khi về hưu từng làm hội trưởng hội cúng tế đình miếu của xã Ninh Thạnh: “Theo tục lệ cổ truyền, đình này thờ thần hoàng bổn cảnh (*). Năm 1937, hội đồng Hương chánh xã Ninh Thạnh do ông Nguyễn Văn Tánh làm Hương cả thỉnh sắc ông Đỗ Hữu Vị về làm “thần” thay thế ông thần cũ. Từ đó đến sau, trong làng lộn xộn, dân chúng không yên…”.
Vì thế: “Là tại linh thần Đỗ Hữu Vị không hạp với đất nước nên tôi thương lượng với Uỷ ban Hành chính xã Ninh Thạnh và theo lời yêu cầu của dân chúng địa phương, nên ngày 16 tháng 3 âm lịch năm Đinh Mùi, nhằm ngày 25.4.1967 nhơn dịp ăn lễ khánh thành đình mới, ông Phú rước sắc thần hoàng bổn cảnh (*) cũ về an toạ nơi ngôi cũ tại đình… Kể từ ngày rước sắc thần cũ về đến nay, dân chúng làm ăn phát đạt, xóm thêm đông dân và bình an vô sự”.
Ngày 4.5.2015 vừa qua, đình Ninh Thạnh (nay đã mang tên mới là đình Thái Ninh) tổ chức lễ cúng Kỳ yên và giỗ Quan Lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản. Nghi thức cúng đình cũng có lễ rước bài vị Quan Lớn Trà Vong lên ngôi đình chính, thực hành các lễ tiết trang nghiêm như lễ cúng thành hoàng ở các ngôi đình khác.
Vậy có thể dự đoán là ban cúng tế đình đã mặc nhiên coi vị anh hùng dân gian truyền tụng này là thần thành hoàng của làng xưa Ninh Thạnh. Dù ngày nay, đất đình đã thuộc khu phố 1, phường 1, TP. Tây Ninh.
Cũng xin được nói thêm, đình Ninh Thạnh trước kia được xây bên kia rạch Tây Ninh, thuộc khu phố 2 (trước giải phóng có tên là ấp Thái Vĩnh Đông). Năm 1942, khi đất của 3 xã được lấy để lập xã mới Thái Hiệp Thạnh (kiêm tỉnh lỵ Tây Ninh) thì vô tình cả 3 ngôi đình trung của 3 xã đều thuộc xã mới.
Các bậc kỳ lão xã Ninh Thạnh có ý định xây lại ngôi đình trên đất xã mình. Phần đất có miếu Bà Linh Sơn thánh mẫu và miếu Quan Lớn Trà Vong vẫn còn rộng đã được chọn (khi ấy thuộc về xã Ninh Thạnh). Đình mới được xây với cột gỗ tròn, lợp ngói và thưng ván tấp.
Năm 1945, khi Pháp chiếm Tây Ninh thì giặc đã đốt phá đình vì chúng coi đây là cơ sở của Việt Minh. Đến năm 1961, xã mới hoàn thành ngôi đình mới, đến năm 1967 lại tu sửa cho đàng hoàng hơn trước. Đến 2007 lại thêm một lần đình được xây mới khang trang. Di tích đình xưa chỉ còn lại ở mấy chục viên đá tán kê chân cột nằm rải rác.
TRẦN VŨ
(*): - Ghi đúng nguyên văn lời của ông Phú nhưng thật ra phải gọi là “thành hoàng bổn cảnh” mới đúng