Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngôi nhà thờ hiện tại được xây dựng hoàn thành năm 1932, dưới thời trụ xứ của linh mục R. P. Paul Đàng (làm Chánh xứ từ năm 1915 đến năm 1933).

Trong lúc khám phá ngôi nhà thờ Tây Ninh, nhờ linh mục Chánh xứ kiêm Quản hạt Tây Ninh Nguyễn Đăng Hanh tôi lại phát hiện thêm một điều thú vị. Đấy là phần đất rộng hơn 8.000m2 khu vực nhà thờ hiện nay, vào cuối thế kỷ XIX vẫn còn thuộc xã Thái Bình, tổng Hoà Ninh. Trong khi nhiều người Tây Ninh “cố cựu” lại cứ tưởng rằng phần thị xã bên phía đông rạch Tây Ninh, phải là thuộc về xã Hiệp Ninh, bên phía tây mới là xã Thái Bình. Như vậy, từng có một điểm chung của ba xã: Thái Bình, Hiệp Ninh, Hiệp Thạnh ở đâu đó bên phía đông con rạch (sau này vào khoảng giữa thế kỷ XX, chính quyền thuộc địa mới cắt lấy đất của cả 3 xã lập xã mới là Thái Hiệp Thạnh- kiêm tỉnh lỵ Tây Ninh).
Ngôi nhà thờ hiện tại đã là ngôi thứ hai, được xây dựng hoàn thành năm 1932, dưới thời trụ xứ của linh mục R. P. Paul Đàng (làm Chánh xứ từ năm 1915 đến năm 1933). Công lao ấy của ông được ghi nhận trên một tấm đá đen gắn trên tường nhà thờ, gần lối cửa vào chính. Ta có thể thấy ngay đấy là một ngôi giáo đường xây theo lối cổ điển của các nhà thờ châu Âu với phong cách kiến trúc Gô- tích điển hình. Ở Tây Ninh, chỉ có một ngôi này là cổ điển nhất mà thôi.
![]() |
Về kích thước và diện tích, nhà thờ Tây Ninh chẳng dám so sánh với các thế hệ hậu sinh, như Cao Xá, Phong Cốc hay Vinh Sơn mới khánh thành năm 2011. Như: kích thước rộng, dài có lẽ chỉ bằng phân nửa hoặc hai phần ba nhà thờ Vinh Sơn. Do vậy, diện tích cũng chỉ bằng khoảng 1/3 diện tích giáo đường Vinh Sơn. Vậy mà, theo lối kiến trúc ấy nhà thờ Tây Ninh vẫn có một dáng hình riêng có sức hút với người có đạo (và gần đây là cả người các tôn giáo khác về chung vui nhân lễ Noel).
Vâng! Nhà thờ Tây Ninh chỉ có 3 nhịp nhà, 6 bước gian, cộng thêm phần cung Thánh và tháp chuông kiêm tiền sảnh. Nhịp giữa rộng 6 mét, hai nhịp bên rộng 3,2 mét, cộng lại là 12,4 mét. Theo bề dài, có phần tháp chuông 6 mét, còn 6 bước gian, mỗi bước 4 mét. Phần cung Thánh rộng 7 mét. Phía sau cung Thánh thêm một phòng phụ làm kho và nơi chuẩn bị cho các linh mục trước khi hành lễ. Tổng chiều dài khoảng 40 mét. Thế nhưng khi bước vào trong nhà thờ, người ta luôn có cảm giác lọt thỏm giữa không gian cao vời, xa tắp. Ấy là nhờ lòng nhà thờ hẹp và dài, trần mái rất cao với những vòm cong được chia ra nhiều múi càng làm tăng thêm cảm giác chiều cao.
Cũng ở tít trên cao ấy, còn là những lỗ cửa sổ tròn hoặc chữ nhật dài gắn kính màu khiến ánh sáng rọi chiếu thêm phần huyền ảo. Đây có lẽ là điều cốt yếu của những ngôi nhà thờ cổ, để buộc con người luôn thấy mình nhỏ bé khi ở trong ngôi nhà của Chúa, gợi cảm giác thành kính và ngưỡng vọng. Nếu xét về mỹ thuật và kỹ thuật thuần tuý thì cái trần nhà thờ Tây Ninh cho tới nay vẫn xứng ngôi “hoa hậu” trong các ngôi thờ tự ở tỉnh nhà. Những đường cong, nét lượn làm nên những vòm trần hình bán cầu, lại cho ta rất nhiều hình ảnh khác biệt tuỳ theo vị trí. Về mặt kỹ thuật, đấy còn là nơi tán xạ mạnh âm thanh, để cho lời rao giảng và cả âm nhạc thánh ca vang lên thuyết phục nhất, hoặc là hay nhất. Vậy mà có mấy ai ngờ được, cái trần này lại được tạo ra từ một phương pháp thủ công nhất, thường thấy trong các ngôi nhà xưa thời thuộc địa. Đấy là trần toocxi (vôi rơm) trát lên các nan tre hoặc nan gỗ dẻo mềm. Dù ngày nay kỹ thuật và công nghệ hiện đại, với đủ loại vật liệu như nhựa, thạch cao, compodit… nhưng liệu có thể nào sánh được với kiểu trần xưa toàn những vôi rơm và tre gỗ…!
Nói thêm về tháp chuông. Có tháp chính ở giữa, mặt bằng vuông 3,2 mét mỗi bề, phủ bì là 4 mét. Hai bên có hai tháp nhỏ mặt bằng: (1,6 x 2,0) mét. Tháp chính có ba tầng thân tháp và hai tầng mái tháp, dưới cong, trên nhọn hoắt. Hai tầng thân dưới của tháp dài bằng nhau là 6 mét, để tầng thứ ba thân tháp nhún mình thấp đi một chút còn 4 mét 50. Để rồi mái tháp vọt lên tới độ cao gần đúng là 24 mét. Từ đỉnh tháp này, mỗi dịp lễ Noel là những dây cờ hoa giăng mắc chạy về mọi hướng trên sân. Không gian sân lễ sẽ bừng lên rực rỡ trong đêm Noel. Cũng từ đây, tiếng chuông báo hiệu Chúa giáng sinh ngân nga trầm bổng rất nhiều cung bậc, bởi cả hai quả chuông sẽ cùng lúc reo vang. Tất cả ánh sáng và âm thanh ấy cứ cuốn hút người ta chen chân trong “Đêm thánh vô cùng”.
TRẦN VŨ