Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nằm cách TP.HCM khoảng 50km về phía Tây, làng cổ Phước Lộc Thọ (ấp 2, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, Long An) là điểm đến của những ai muốn tìm hiểu nét kiến trúc cổ rất đặc trưng của dân tộc Việt Nam.
Nằm cách TP.HCM khoảng 50km về phía Tây, làng cổ Phước Lộc Thọ (ấp 2, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, Long An) là điểm đến của những ai muốn tìm hiểu nét kiến trúc cổ rất đặc trưng của dân tộc Việt Nam.
Làng cổ được xây dựng trên diện tích 40.000m², với quần thể gồm 15 ngôi nhà gỗ cổ được chủ nhân sưu tầm từ Huế, Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Quảng Nam và các tỉnh miền Tây, đem về bảo tồn, phục dựng gần như nguyên vẹn, giữ được nét cổ, được sắp xếp hài hòa, quy hoạch bài bản trong không gian rộng có đồi cảnh, cây xanh, hồ nước… Vì thế, đi hết ngôi làng Phước Lộc Thọ du khách cũng không hề thấy một biệt thự, nhà cao tầng mà chỉ toàn những nếp nhà truyền thống mang đậm hồn Việt.
Bước vào làng Phước Lộc Thọ, ấn tượng đầu tiên mà du khách bắt gặp là một dòng suối nước chảy rỉ rả suốt ngày đêm với những viên đá bóng loáng chở từ Bình Phước, Đồng Nai về. Bên trong khu tham quan là những ngôi nhà cổ được tác giả chú trọng đến từng chi tiết từ đòn, kèo, cột thể hiện nét văn hóa đặc trưng của các vùng, miền Việt Nam. Ông Dương Văn Mỹ, chủ nhân ngôi làng cổ cho biết, trong số 15 ngôi nhà cổ được phục dựng tại đây, có 5 ngôi nhà rường mang đậm nét kiến trúc xưa của vùng miền Tây Nam bộ. Nhà rộng 5 gian, 3 chái, được làm bằng chất liệu gỗ căm xe. Tất cả nội thất trong nhà đều sử dụng lối trang trí hết sức đa dạng, độc đáo. Đó là các hình khắc tứ linh, bát bửu, mai - điểu - trúc - tước, ngô đồng - phụng, liễu - mã, liên - áp, nho - sóc, lựu - thử…
Bên cạnh đó, còn có ngôi nhà cổ được chủ nhân sưu tầm từ Huế chuyển vào, với kiến trúc theo kiểu “Tửu lầu tứ giác bát dần” mang đậm dáng dấp cung đình. Trong nhà được trang trí những bức bình phong lớn nhỏ các loại có xà cừ, bộ trường kỷ thành đá cẩn của vua chúa thời xa xưa sử dụng.
Đến đây, du khách cũng không thể bỏ qua 6 ngôi nhà sàn bằng gỗ mang phong cách kiến trúc của Tây Nguyên. Các cột, xà được đặt chồng lên nhau rất trùng khít. Những ngôi nhà của đồng bào Tây Nguyên tại Phước Lộc Thọ còn là nơi nghệ thuật tạo hình tung tẩy trên các thân cột, xà ngang bằng chạm khắc nổi, vẽ những hình ảnh quen thuộc với cư dân rừng núi, như chim, rùa, kỳ đà, hoặc các hình sao, hình dấu nhân, mặt trời…
Đặc biệt, trong quần thể làng cổ Phước Lộc Thọ còn là sự hiện diện của một ngôi chùa mô phỏng theo chùa Một Cột tại Hà Nội, được tạo hình bởi một trụ đá gồm 2 khối gắn rất khéo, thoạt nhìn như một khối đá liền. Tầng trên là một khung gỗ kiên cố đỡ ngôi đài với mái ngói, bốn góc uốn cong, trên có hình lưỡng long triều nguyệt.
Và trong mỗi ngôi nhà cổ của Phước Lộc Thọ chủ nhân của nó còn trưng bày phản, xe ngựa, điện thoại, máy hát đĩa, bàn trang điểm, chén, đĩa… từ xa xưa. Ngoài ra, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những đường nét chạm khắc tinh tế, từ vật dụng sinh hoạt đến những ngôi nhà cổ mà còn có được những giây phút nghỉ ngơi, thư giãn, được hòa mình với thiên nhiên, với không gian xưa khi dạo quanh khu vườn lan gồm hơn 250 nghìn cây các loại luôn khoe sắc và khu nhà vườn với gần hai mươi cây cổ thụ hàng trăm tuổi với những hòn non bộ đặt giữa các hồ được thiết kế đa dạng, phong phú.
Tuy mới ra đời được hơn 3 năm và đang trong quá trình tiếp tục sưu tầm, phục dựng các ngôi nhà cổ, nhưng làng cổ Phước Lộc Thọ hiện đã trở thành địa điểm văn hóa cho người dân địa phương đến thanh niên, sinh viên, học sinh thăm quan, sinh hoạt, vui chơi, giải trí vào dịp lễ, tết. Và gần đây đã có khá nhiều người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh đến làng cổ để sáng tác. Theo chủ nhân của ngôi làng cổ, sắp tới, sẽ dành một ngôi nhà cổ để làm nhà hàng phục vụ các món ăn Việt Nam, kết hợp với các công ty du lịch đưa khách nước ngoài đến tham quan để trải nghiệm văn hóa Việt.
K.D (st)