Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Truyện ngắn
Ngôi nhà ti-gôn
Thứ bảy: 22:33 ngày 28/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mỗi sáng chạy xe ngang qua ngôi nhà có hàng rào ti-gôn, thấy Nhân đang ôm đứa bé tắm nắng trước nhà, Hiên lại nghe những thổn thức vỡ oà. Nước mắt cứ lặng lẽ chảy… Ðã qua nhà ti-gôn khá xa, những giọt nước mắt vẫn chưa chịu dừng.

Truyện ngắn của Trương Quốc Toàn

Ba mươi năm trước, ngôi nhà bên trong hàng rào hoa ấy là căn nhà vách đất bện rơm và lợp mái bằng tranh (một loại lá như lá sả mọc hoang khắp các trảng cỏ). Hiên và Nhân là đôi bạn gần nhà nhau lại học cùng trường, cùng lớp. Nhà cả hai đều nghèo, ba mẹ đi làm ăn xa gửi con cho ông bà trông. 

Hiên và Nhân đi học cùng nhau, cùng chia chiếc bánh dẻo xanh gói trong bọc nylon trong suốt, uống chung một ly đá đậu. Những lúc chia quà bánh, Nhân đều cố ý chia Hiên phần nhiều hơn. Ai cũng bảo hai đứa như đôi thiên thần dù hoàn cảnh gia đình vẫn trong tình cảnh thiếu hụt.

Mũi Nhân vút cao, đôi mắt đen với lông mi dài cong làm đôi mắt trở nên buồn man mác. Hiên da trắng, môi hồng, dù các nét trên mặt không thật đặc sắc nhưng tạo thành một tổng thể hài hoà.

Nhân từ nhỏ đã biết phụ giúp ông bà sau khi tan học, khi thì làm cỏ lên liếp trồng rau lang để bà cắt, dùng lạt trúc cột lại từng bó bằng cổ tay bán ở chợ mỗi sáng sớm. Tiền thu được từ bán rau đều để dành cho Nhân mua sách vở, bút mực. Những sáng sớm hay chiều muộn, Nhân long xuống ruộng hái rau nhút để bà bán vào phiên chợ sớm. Những ngày dang nắng nhuộm da Nhân sạm đen.

Nhà Hiên cũng không khá hơn. Hiên theo bà vào rừng cao su cách xa nhà non ba cây số. Hai bà cháu cùng một số người trong xóm men theo đường mòn đi qua mấy con đê là tới. Họ nhặt củi cao su rụng, vỏ trái cao su để làm củi đốt, hột cao su về bán cho những nhà ép dầu làm ra loại xà bông sền sệt, mọi người gọi là xà bông kem dùng để giặt đồ…

Những lúc thật hiếm hoi không phải phụ giúp gia đình, Nhân rủ Hiên ra ngoài mé ruộng. Khi thì Nhân leo lên cây trâm hái những quả chín tím mọng thả xuống, Hiên ở dưới chạy qua chạy lại dùng nón lá hứng để trái trâm rơi vào nón.

Có khi hai đứa chống xuồng men theo con rạch nhỏ bẻ những trái bình bát chín đem về nhà chia nhau ăn. Nhiều kỷ niệm của tuổi thơ một thuở đã trôi qua, Hiên vẫn còn nhớ rõ, nhưng hàng rào ti-gôn là cả một miền thương nhớ của Hiên dành cho Nhân.

Thuở ấy, Nhân và Hiên cùng bọn trẻ trong xóm thường đùa chơi bên hàng rào hoa ti-gôn. Tụi bạn hái những hoa màu hồng ấy kết lại thành vòng hoa cô dâu đội đầu cho Hiên khi Nhân là chú rể. Giàn hoa ấy còn chứng kiến một chiều Hiên đến thuyết phục Nhân trở lại trường học, sau khi Nhân quyết định nghỉ vì nhà quá khó khăn không có tiền đóng học phí.

Nước mắt Hiên rơi khi bà Nhân bảo, Nhân dù rất muốn theo học nhưng hoàn cảnh không cho phép. Chiều ấy, Nhân lẻn ra sau nhà, không ra gặp Hiên, mãi khi dáng Hiên xa khuất Nhân mới lấp ló bên hàng rào ti-gôn dõi theo.

Rồi dòng đời cứ thế mải miết trôi, cô bé Hiên bé bỏng hay cài vương miện hoa ti-gôn trở thành sinh viên đại học. Những chuyến về quê thưa thớt vì tiết kiệm tiền xe và chương trình học rất nặng. Mỗi đợt về quê ngắn ngủi, Hiên ghé qua tìm Nhân.

Nhà Nhân vẫn thế, hàng rào ti-gôn ken đầy lá và hoa. Hai sắc hoa trắng và hồng quyện vào nhau. Người ta hay bảo hoa này buồn lắm. Hiên không thấy vậy, chẳng qua là người ta gán vào nó một kỷ niệm buồn. Nhân không có ở nhà, người nhà bảo Nhân đi làm xa, nhưng trong xóm bảo Nhân đi chẻ thuốc lá qua biên giới. Một nghề vừa nguy hiểm và còn bị pháp luật nghiêm cấm. Phía nhà Hiên không muốn Hiên lui tới nhà Nhân, nhưng cũng không tìm được lý do nào để ngăn cản…

Hiên trở lại giảng đường với những bộn bề việc học, vừa lo tìm kế mưu sinh. Lâu lâu chạy xe đạp qua một ngôi nhà nào trong lòng thành phố, thấy hoa ti-gôn điểm những chấm li ti hồng hoặc trắng, Hiên chợt nhớ về miền quê yêu dấu và kỷ niệm ấu thơ. Những lúc như vậy, Hiên lại tự hỏi Nhân giờ ra sao. Có đứa bạn ở quê học khác trường ghé qua thăm Hiên kể giờ Nhân đã đi học nghề quấn mô-tơ. Hiên thấy cũng yên lòng…

Hiên ra trường, đi làm xa tận trên thị xã, lâu mới về thăm nhà. Nhà Nhân vẫn còn đó nhưng bỏ lại cho người chị ở, còn Nhân đi làm ăn xa… Chỉ có hàng rào hoa của tuổi thơ theo tháng năm vẫn còn đó. Ba mẹ giục Hiên lấy chồng cho yên bề.

Ðồng nghiệp cũng có người để ý, rồi người mai mối mà Hiên vẫn chưa gật đầu mối nào. Lẽ nào Hiên yêu Nhân? Hiên cũng không biết rõ mình nghĩ gì? Hàng xóm bảo rằng Nhân yêu Hiên nhưng giờ Hiên học hành đến nơi đến chốn, có công việc ổn định, Nhân phải có thời gian để lo một cơ ngơi vững chãi mới dám ngỏ lời với Hiên.

Là lời người ta bảo vậy chứ Hiên chưa bao giờ nghe Nhân hứa hẹn điều gì. Kỳ lạ sao Hiên vẫn đợi… Nếu Nhân nói với Hiên, cô sẽ trả lời anh rằng hai người đã gắn bó nhau từ bé, tấm lòng cô thế nào Nhân chưa hiểu sao còn làm vậy… Nhưng hoài mong thôi.

Tháng rồi lại năm, tuổi ba mươi ào đến như cơn mưa rào bất chợt. Một bữa một xe tải chở hàng đỗ trước nhà Hiên, Nhân bước xuống cùng người bạn học chung thời tiểu học. Hiên ngỡ ngàng. Thời gian làm Nhân thay đổi nhiều quá, chỉ còn đôi mắt xưa là vẹn nguyên để Hiên nhận ra người bạn thuở nào.

Nhân kể nay là chủ cơ sở làm mô-tơ, chuyên bán mô-tơ cho các nơi sản xuất nhỏ như lò sản xuất bột mì ở trong tỉnh. Hiên vui. Hiên mừng cho Nhân. Nhân bảo sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất. Ngồi chăm chú nghe những dự định của Nhân, nào là xây lại ngôi nhà cũ, sẽ trang bị thêm những nội thất cần thiết…

Trong những dự định đó, Nhân không nhắc đến Hiên. Mãi đến lúc người bạn thân của cả hai từ tiểu học đi cùng nhắc Nhân chừng nào mới lấy vợ, cả lớp giờ chỉ còn Hiên và Nhân độc thân. Nhân im lặng. Hiên cũng ngượng ngùng...

Giờ Nhân đã có cơ sở làm ăn, có được những điều Nhân mong mỏi thì còn điều gì làm Nhân ngần ngại chưa nói lời yêu. Suốt đêm đó, Hiên chập chờn trong giấc ngủ mà không có lời giải. Có thể là Nhân không yêu Hiên, hoặc tình cảm đó theo tháng năm đã phai nhạt. Có thể Hiên đã biết nhiều về tháng ngày vất vả của Nhân, điều mà Nhân muốn quên đi và đang lảng tránh khi nói về quá khứ, mà Hiên là nhân chứng sống của những ký ức buồn xa xưa.

Hiên sẽ còn đợi thêm bao lâu? Bạn bè xưa gặp lại hỏi Hiên và Nhân ra sao? Hiên lắc đầu. Chắc các bạn nghĩ cô chê Nhân học hành ít hay Nhân dạo này không còn vẻ đẹp thiên thần của ngày trước…

Họ tưởng tượng ra mọi thứ mà Hiên cũng không thể nào nghĩ ra được. Chỉ hai người trong cuộc im lặng, Hiên buồn tủi, Hiên chờ Nhân xuất hiện an ủi cho Hiên như khi xưa mỗi lần nhớ ba mẹ đi làm xa Hiên trốn ra hàng rào ti-gôn cạnh nhà Nhân khóc.

Nhân rủ Hiên ra quán dì Sáu kêu ly đá đậu được làm bằng đậu đỏ nấu chín với bột khoai xanh đỏ, chan nước đường, cho đá bào lên trên rồi xịt si rô dâu màu đỏ. Dì Sáu biết nên dù không dặn gì thêm, dì cũng sẽ chia ly đó ra làm hai cho hai đứa bé tội nghiệp.

Nhưng Nhân không xuất hiện như những ngày thơ ấu, cứ vừa xa, vừa gần, lâu lâu gặp lại cứ luôn nói về công việc. Với Hiên, dù Nhân là ai hay làm gì vẫn là Nhân ngày xưa. Người ta bảo Hiên dạo này xuống sắc, rằng con gái có thì. Mỗi sáng trước khi đi làm, Hiên soi mình trong gương.

Hiên nhoẻn cười tưởng như cười với Nhân khi Nhân vừa bước vào cổng nhà Hiên. Những dấu chân chim bên khoé mắt xuất hiện, Hiên sững sờ vì tuổi xuân vụt qua. Hiên không còn kiên nhẫn chờ Nhân nữa. Cô nhận lời cưới người trong xóm theo đuổi mình đã lâu. Ðám cưới Hiên không mời Nhân, khép lại những tháng ngày buồn không một tia hy vọng.

Nhân trở về nhà, mở cửa hàng sản xuất và kinh doanh mô-tơ. Cửa hàng rất đông khách. Sáng Hiên chạy xe ngang qua cửa hàng, mọi thứ đều thay đổi, chỉ còn giữ lại hàng rào hoa ti-gôn. Hiên cảm giác Nhân vẫn còn lưu luyến kỷ niệm ngày xưa, dẫu rằng mỗi người giờ đã có gia đình riêng…

Những khi Hiên chạy ngang qua, Nhân đang ẵm con tắm nắng trước nhà đều tránh ánh nhìn của Hiên. Một bữa Hiên ghé ăn bánh canh ở quán cạnh nhà Nhân. Vợ Nhân đang ẵm con ra đó ngồi ăn. Bà chủ quán hỏi nhà sửa hết rồi sao không phá hàng rào ti-gôn làm lại luôn. Hiên dừng ăn, cố nghe giọng vợ Nhân trả lời: ảnh tính phá rồi mà vì con thích hoa đó lắm nên ảnh giữ lại, ảnh cằn nhằn miết. Hiên bỏ dở phần bánh canh.

Từ đó, Hiên không còn đi qua lối cũ. Hàng rào xưa có còn hay không với Hiên giờ không còn quan trọng nữa. Chiều nay, bé gái nhà Hiên và những đứa trẻ trong xóm lại chơi trò cô dâu chú rể. Giống ngày xưa, chúng kết hoa đội đầu cho con gái Hiên, cũng là những bông hoa màu hồng li ti của ngày thơ bé. Hiên quay đi. Giọt nước mắt lăn dài trên khoé mắt đầy vết chân chim…

T.Q.T

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục