Vào dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), không khí gói bánh ú lá tre ở xứ Trảng trở nên nhộn nhịp, tất bật hơn ngày thường.
Bánh ú lá tre là một trong những loại bánh truyền thống mang hương vị đặc biệt của miền quê dân dã, thường được gói vào dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch). Từ những ngày đầu tháng 5 âm lịch, các hộ dân ở thị xã Trảng Bàng đã tất bật với công việc làm bánh này.
Nghề làm bánh ú lá tre đã có từ rất lâu. Theo những người lớn tuổi, “bánh ú lá tre” xuất xứ từ những người xưa đi “khai hoang mở cõi”, đến nay đã bao nhiêu năm vẫn không rõ. Cứ thế “cha truyền con nối”, nhà nhà từ già đến trẻ đều thuần thục với nghề làm bánh ú lá tre.
Đàn ông cũng thành thục với nghề gói bánh ú lá tre.
“9 tuổi, tôi đã biết gói bánh ú lá tre rồi. Ở đây, ai ai cũng biết gói bánh này hết. Người xứ khác vào muốn học gói, chúng tôi cũng hướng dẫn luôn”, bà Mai Thị Đê (68 tuổi, ngụ khu phố Gia Huỳnh, phường Trảng Bàng) chia sẻ.
Nếp gói bánh ú được ngâm kỹ trong nước tro trước khi gói thành bánh.
Nhân bánh được làm từ đậu xanh tán nhuyễn, thêm đường cát, sau đó vo viên tròn để khi gói với nếp sẽ có mùi thơm và độ ngậy.
Bánh ú lá tre sau khi gói được cột bằng dây chuối.
Bà Mai Thị Đê phải chuẩn bị dây chuối trước 1 tháng để dành gói bánh theo đơn đặt hàng.
Từng chiếc bánh ú được cột lại bởi đôi tay khéo léo của truyền nhân.
Bánh ú lá tre ngon, ngọt thanh là phải đủ vị của nếp, đậu xanh, đường cát và mùi thơm của lá tre.
Để giữ được màu xanh của lá tre, người nấu luôn có một “bí quyết” riêng của mình.
“Trả” nấu bánh được lưu giữ bao đời.
Phải châm thêm nước để nồi không bị cạn, cũng là cách để giữ lá tre luôn xanh.
Sau khi nấu khoảng 3 tiếng, người ta vớt bánh ra, rửa sơ qua nước lạnh rồi treo lên giàn để nguội.
Bánh ú lá tre sau khi nấu được treo lên giàn. Ở đây, giá bán sỉ là 60.000 đồng một xâu 20 cái. Riêng bánh làm theo “đơn đặt hàng” có giá 75.000 đồng cho một xâu 12 cái.
Tâm Giang