Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đối với người dân quê miền Tây Nam bộ ngày trước, bên cạnh nhu cầu thiết yếu, việc ăn uống còn là một thú vui tao nhã. Vùng đất này có khá nhiều món ăn được làm từ nếp, trong đó xôi vị được xem là món ngon, chế biến khá công phu, cầu kỳ.
Xôi vị là một món ăn ngọt được chế biến chủ yếu từ nếp, dừa khô và đường. Khác với các loại xôi khác, dân gian chế biến xôi vị có sử dụng một loại gia vị tạo mùi quen thuộc nhưng cũng khá độc đáo trong các loại bánh ngọt đó là đại hồi hay còn gọi là tai hồi, tai vị. Chính nó đã làm người ăn xôi còn cảm nhận được vị thoang thoảng một mùi đặc trưng. Và có lẽ tên gọi xôi vị cũng được xuất phát từ đây.
Xôi vị là món ăn ngon không chỉ được xem như một loại thức ăn chơi quen thuộc mà còn được dùng trong các bữa tiệc trang trọng như những dịp cưới hỏi, đám giỗ, thôi nôi, đầy tháng, đặc biệt là trong lễ cúng thanh minh của người Hoa Triều Châu định cư ở vùng đất này.
Nếp để làm xôi phải là thứ nếp rặt, được vo nhiều lần nhằm loại bỏ hết tạp chất. Sau đó trút nếp ra rá để cho ráo nước.
Dừa khô nạo lấy cơm vắt lấy nước cốt (để nguyên cơm dừa, vắt khô) sau đó chế thêm ít nước ấm vào để vắt lại lần hai, lần ba gọi là nước dão. Trộn nước dão này vào nếp, thêm ít muối để dằn vị lại. Riêng nước cốt dừa đem để riêng.
Bắc nếp lên xửng, đồ xôi cho chín bằng hơi nước. Hột xôi khi chín không được quá khô hay quá nhão là đạt yêu cầu.
Trong khi chờ xôi chín, người ta chuẩn bị các phụ liệu khác. Mua những trái đại hồi ở tiệm thuốc bắc đem về rang chín và giã nát lấy phần bột để tạo hương tai vị cho xôi.
Người ta cũng cắt ít lá dứa thơm trồng ngoài vườn nhà rửa sạch, giã nhỏ vắt lấy nước để tạo hương thơm và màu xanh. Tương tự, người ta dùng lá cẩm rửa sạch và nấu với một lượng nhỏ nước cho đến khi nước có màu tím sẫm, lược lấy phần nước này để sử dụng. Ngoài ra, còn dùng mè rang vàng, giã nhỏ để làm tăng thêm mùi thơm và cảm quan cho món xôi.
Chuẩn bị xong các phần hương liệu, bắc chảo lên cho nước cốt dừa, đường và các loại tai vị, lá dứa, lá cẩm,… trộn đều để tạo màu. Lá dứa và lá cẩm để làm hai phần khác nhau, xôi sẽ có hai màu xanh - đỏ đẹp mắt.
Cho xôi vào các phần hỗn hợp đó, Để lửa nhỏ, đảo trộn liên tục để hỗn hợp màu, mùi, vị thấm vào xôi và tránh cháy khét phía đáy chảo.
Hột nếp sau khi nấu chín có độ dính, độ dẻo được trút nhanh ra mâm hoặc khay nhựa có lót miếng lá chuối tươi, thoa một lớp dầu ăn để xôi khỏi dính vào mâm và có thể dễ dàng lấy ra. Dùng muỗng vừa ép vừa dàn xôi thành lớp với độ dày thích hợp, sau đó rải đều mè trên bề mặt xôi rồi cắt miếng theo hoa tay và con mắt thẩm mỹ của người chế biến. Xôi được để nguội, miếng xôi cứng chắc hơn.
Nguồn: Dân Việt